Lễ xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên của TP. Cần Thơ theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Sầu riêng Cần Thơ lần đầu cập cảng Trung Quốc
Sáng 17/3, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn TP. Cần Thơ tổ chức lễ xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Doanh nghiệp xuất khẩu là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ngọc Minh Lạng Sơn. Doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty TNHH Logistic Pan Asia Thâm Quyến (Trung Quốc).
Ông Trần Thiện Thanh, Phó giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Trường Phát (phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) cho biết: Sau khi được phía Trung Quốc kiểm tra thực tế sản xuất, hợp tác xã được đánh giá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và được cấp 2 mã vùng trồng. Hiện nay hợp tác xã có 20ha sầu riêng Ri 6 đang cho thu hoạch. Hợp tác xã đã thỏa thuận và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ngọc Minh Lạng Sơn với giá thu mua từ bằng đến cao hơn giá thị trường.
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn TP. Cần Thơ, thành phố hiện có gần 26.000 ha đất trồng cây ăn quả. Trong đó, sầu riêng là một trong những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, lợi nhuận hàng năm đạt hàng trăm triệu đồng/ha nên trong những năm gần đây cây sầu riêng tăng diện tích từ 537ha năm 2015 lên gần 3.000ha, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Phong Điền, Thới Lai và quận Ô Môn.
Cũng theo Sở, việc liên kết với doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn những chế nhất định. Nông dân chưa thật sự quan tâm nhiều đến vấn đề mã số vùng trồng vì chưa thấy rõ lợi ích, nhất là khi kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp thu mua.
Đối với sầu riêng, mặc dù trước mắt đang hút hàng nhưng nguy cơ “dội chợ” rất có khả năng xảy ra bởi nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang phát triển diện tích trồng. Thời gian tới, nông dân cùng doanh nghiệp nên thực hiện tốt hợp đồng đã ký kết để bảo đảm lợi ích giữa các bên.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đề nghị ngành chức năng và các địa phương của thành phố cần quan tâm vận động người dân không từ bỏ các loại cây ăn trái có giá trị để trồng sầu riêng tràn lan. Cây sầu riêng chỉ nên được trồng ở những vùng có điều kiện thuận lợi và trồng tập trung, áp dụng tốt tiêu chuẩn chất lượng, liên kết chặt với doanh nghiệp để đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Rộng cửa cho hàng Việt vào thị trường Indonesia
Ông Phạm Thế Cường- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, ngày 8/2/2023 Indonesia đã có thông báo tiếp tục nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia cho dù nước này đã bước vào vụ lúa chính. Theo Tổng thống Indonesia, lượng gạo dự trữ của quốc gia hiện khá ít - chỉ 600.000 tấn. Trong khi đó, tính đến ngày 17/2/2023 lượng gạo dự trữ phải đạt tối thiểu 1,2 triệu tấn.
Trước tình hình này, Indonesia quyết định tăng lượng dự trữ gạo quốc gia trong năm nay lên 2,4 triệu tấn. Tổng thống Indonesia chưa công bố số lượng gạo dự trữ sẽ phải nhập khẩu nhưng các cơ quan đang cân nhắc và dựa vào tình hình thu hoạch lúa thực tế trong vụ tháng 3 và tháng 4 năm nay.
Bộ Nông nghiệp Indonesia dự báo, hiện tượng El Nino có thể gây hạn hán vào tháng 5 và tháng 7 ảnh hưởng đến diện tích và thu hoạch vụ tháng 7 và tháng 8 của nước này.
Ông Phạm Thế Cường cũng cho biết: Sau 3 năm không phải nhập khẩu gạo dự trữ, từ tháng 12/2022- 2/2023, Indonesia đã phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo. Trong đợt nhập khẩu này Việt Nam và Thái Lan là 2 nước cung cấp gạo nhiều nhất cho Indonesia. Chỉ tính riêng tháng 1/2023 Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia khoảng 86.000 tấn gạo, giá trị chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Bên cạnh gạo, Indonesia còn là thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam khai thác. Với 275 triệu người, Indonesia có dân số đông thứ 4 thế giới, đồng thời là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nhập khẩu lương thực và thực phẩm, đồ uống chiếm 6,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này, tương ứng 16 tỷ USD.
Thực phẩm và đồ uống nhập khẩu của Indonesia tập trung vào nhóm sản phẩm từ sữa, đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD, đồ uống có đường 120 triệu USD, bánh kẹo 75 triệu USD, ngũ cốc 541 triệu USD, nhóm rau củ quả chế biến đạt 222 triệu USD.
Theo đánh giá của Thương vụ, bên cạnh nhóm hàng hiện đang xuất khẩu, một số nhóm hàng Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang Indonesia như phở, bún, mỳ ăn liền, sủi cảo, há cảo đông lạnh nhân thuỷ sản, thịt bò. Về hoa quả đóng hộp có vải, nhãn, Indonesia không có lợi thế so sánh nhóm hàng này trong khi chưa mở cửa với quả vải và nhãn tươi của Việt Nam. Ngoài ra, còn có sữa và sản phẩm từ sữa, mật ong, cà phê uống liền, nước chanh leo.
Thặng dư thương mại 3,44 tỷ USD, vì sao vẫn lo?
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 2/2023 (từ ngày 16/2 đến ngày 28/2/2023) đạt 23,16 tỷ USD, giảm 10,3% (tương ứng giảm 2,66 tỷ USD) so với nửa đầu tháng 2/2023. Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 2/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 95,83 tỷ USD, giảm 13,4% (tương ứng giảm 14,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong kỳ 2 tháng 2/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,78 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023 cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 3,44 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng vẫn còn khó khăn trong những tháng tới. (Nguồn: VnEconomy) |
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ cả bên trong và bên ngoài, thì việc tiếp tục xuất siêu là tín hiệu đáng mừng. Đây không chỉ thể hiện vị thế của Việt Nam trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, mà còn là một trong những kết quả và cũng là một trong những yếu tố tạo tiền đề cho quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, việc xuất siêu trong 2 tháng đầu năm 2023 cũng đang để lại nhiều lo ngại, bởi xuất siêu không phải do xuất khẩu tăng, mà ngược lại còn bị giảm 10%. Đáng chú ý, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt, may sụt giảm tới 19,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng ghi nhận sự sụt giảm 10,9%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, xuất siêu cũng là do nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu (-16,7% so với -10%). Nhập khẩu giảm sẽ ảnh hưởng đến lượng thiết bị, vật tư cung cấp cho sản xuất ở trong nước và đây là một trong những yếu tố làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2023 giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 5,6%).
Bộ Công Thương cho biết, theo chu kỳ những năm trước, nhập siêu thường đến trong các tháng đầu năm do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng năm nay, với việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, tình hình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã có phần trầm xuống. Điều này cũng cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng vẫn còn khó khăn trong những tháng tới.