Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đã liên tục có dấu hiệu khởi sắc gần đây. (Nguồn: VnEconomy) |
Xuất nhập khẩu phục hồi rõ nét
Tại báo cáo điểm lại những diễn biến kinh tế tháng 8/2023 do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vừa công bố, các chỉ số kinh tế cho thấy hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tiếp tục giảm lần lượt 7,3% và 8,1% vào tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu giảm là do xuất khẩu các sản phẩm sản xuất chính giảm, bao gồm điện thoại thông minh (-14,6%), máy móc (-17,9%), dệt may (-17,8%) và giày dép (-19,3%). Việc xuất khẩu giảm trực tiếp ảnh hưởng tới việc nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào, dẫn tới hoạt động nhập khẩu hàng dệt may, thiết bị điện, máy móc cũng giảm.
"Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng tháng đã được cải thiện liên tục kể từ tháng 5, cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu đã có thể đã chạm đáy" - Báo cáo nêu rõ.
Tin liên quan |
Đơn hàng tỷ USD dồn dập, doanh nghiệp dệt may vẫn kêu khó |
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đã liên tục có dấu hiệu khởi sắc gần đây. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8 (16-31/8) đạt 18,23 tỷ USD, tăng tới 26,2% (tương ứng tăng 3,79 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 8/2023.
Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 8 tăng so với kỳ 1 tháng 8/2023 ở một số nhóm hàng chủ lực như: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 545 triệu USD (tương ứng tăng 35,6%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 525 triệu USD (tương ứng tăng 22,1%); hàng dệt may tăng 347 triệu USD (tương ứng tăng 22,4%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 309 triệu USD, (tương ứng tăng 12,8%); sắt thép các loại tăng 239 triệu USD (tương ứng tăng 102%; hàng thủy sản tăng 125 triệu USD (tương ứng tăng 33,9%); hàng rau quả tăng 109 triệu USD (tương ứng tăng 61%)...
Như vậy, tính hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 228,17 tỷ USD, vẫn giảm 9,8%, tương ứng giảm 24,79 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên tốc độ giảm đã thấp hơn so với những tháng trước đây.
Nhiều mặt hàng vẫn đang duy trì tốc độ và giá trị xuất khẩu ở mức cao. Đơn cử, số liệu thống kê cho thấy, tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục 3.054 USD/tấn, tăng 8,0% so với tháng 7/2023 và tăng 29,7% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.463 USD/tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 1,2 triệu tấn, trị giá thu về gần 3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về trị giá nhờ giá bán tăng cao.
Hoặc đối với mặt hàng dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, sau nhiều tháng ảm đạm, tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm của ngành dệt may sẽ cải thiện và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ đạt 40 tỷ USD trong năm 2023.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhận định ngành dệt may Việt Nam đã qua “đáy xấu nhất”. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết hơn một nửa khách hàng của tập đoàn này đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành may trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tương đương 6 tháng đầu năm.
Tương tự, SSI Research nhận định đơn đặt hàng đối với ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ được cải thiện dần từ quý 4/2023.
Một mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ tăng trưởng 3 con số
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,29 tỷ USD, tăng 15,1% so với tháng 7/2023, nhưng giảm 9,4% so với tháng 8/2022.
Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 839,8 triệu USD, tăng 12,4% so với tháng 7/2023, nhưng giảm 6,1% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỷ USD, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,7 tỷ USD, giảm 27,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường chính vẫn trong xu hướng giảm, do thị trường xuất khẩu tiếp tục khó khăn khi lạm phát và suy thoái ở các nước kéo dài, ảnh hưởng nặng đến sức mua. Do đó, trị giá xuất khẩu tới các thị trường chính đều giảm đáng kể trong 8 tháng đầu năm 2023.
Sự sụt giảm ở thị trường truyền thống buộc doanh nghiệp ngành gỗ phải tìm kiếm thị trường mới như: Ấn Độ, Trung Đông…, vì vậy, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Ấn Độ ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2023, đạt 64,9 triệu USD, tăng 265,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, nhập khẩu đồ nội thất tại các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) có mức tăng trưởng hơn 45%/năm, trong khi các quốc gia ở khu vực này gần như không sản xuất đồ nội thất. Đây được xem là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ khai thác trong thời gian tới.
Theo thông lệ hàng năm, nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ sẽ có xu hướng tăng mạnh vào cuối năm, khi thị trường nhà ở hoàn thiện và nhu cầu thay thế nội thất gia tăng để đáp ứng mùa lễ hội.
Cùng với đó, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU hàng tồn kho đang giảm và nhu cầu nhập khẩu dự kiến sẽ tăng là cơ hội để các doanh nghiệp ngành gỗ đón nhận đơn hàng trong những tháng tới.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn cho EU
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu, trong 6 tháng đầu năm 2023, EU nhập khẩu cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005) từ các thị trường ngoài khối đạt 1,1 triệu tấn, trị giá 2,42 tỷ Euro (tương đương 2,59 tỷ USD), giảm 21,2% về lượng và giảm 24% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong các nguồn cung ngoài khối thì Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho EU.
Việt Nam là thị trường ngoài khối cung cấp cao su lớn thứ 12 cho EU trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 33,64 nghìn tấn, trị giá 48,18 triệu Euro (tương đương 51,56 triệu USD), giảm 19,5% về lượng và giảm 40,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam là thị trường ngoài khối cung cấp cao su lớn thứ 12 cho EU trong 6 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của EU từ thị trường ngoài khối chiếm 3,04%, tăng nhẹ so với mức 2,98% của cùng kỳ năm 2022.
Về chủng loại, trong 6 tháng đầu năm 2023, EU nhập khẩu cao su tự nhiên, cao su tổng hợp, cao su tái sinh và cao su hỗn hợp từ các thị trường ngoài khối với lượng và trị giá đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho EU, với 33,63 nghìn tấn, trị giá 48,1 triệu EUR (tương đương 51,47 triệu USD), giảm 19,3% về lượng và giảm 40,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của thị trường EU chiếm 6,41%, tương đương so với cùng kỳ năm 2022.
Qua số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam vẫn đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN về thị phần cao su tại EU. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất lốp xe và cao su châu Âu (ETRMA), doanh thu thị trường lốp xe châu Âu giảm trong quý II/2023.
Với suy thoái kinh tế toàn cầu và chi phí gia tăng do lạm phát, ETRMA dự báo doanh số bán lốp xe năm 2023 dự kiến sẽ tiếp tục giảm so với năm 2022. Do vậy, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, EU nhập khẩu 524,1 nghìn tấn cao su tổng hợp (HS 4002) từ các thị trường ngoài khối, trị giá 1,37 tỷ Euro (tương đương 1,47 tỷ USD), giảm 24,4% về lượng và giảm 19,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Cao su tổng hợp của Việt Nam chỉ chiếm 0,001% trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ các thị trường ngoài khối.
| Xuất khẩu ngày 24-26/6: Standard Chartered dự báo xuất khẩu của Việt Nam đạt 618 tỷ USD năm 2030; 'bắt bệnh' cho tôm Việt Standard Chartered dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt 618 tỷ USD năm 2030; "bắt bệnh" cho tôm Việt... là những tin nổi ... |
| Xuất khẩu ngày 26-30/6: Đề xuất Hàn Quốc sớm mở cửa thị trường cho bưởi, thịt gà chế biến; thép Việt 'gặp khó' khi vào EU Đề xuất Hàn Quốc sớm mở cửa thị trường cho bưởi, thịt gà chế biến; thép Việt "gặp khó" khi vào thị trường EU... là ... |
| 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 16,255 tỷ USD, mừng lo lẫn lộn Tính từ đầu năm đến ngày 15/8, Việt Nam xuất siêu 16,255 tỷ USD. Phân tích kỹ con số này, có thể thấy những điểm ... |
| Một loại lá ở Việt Nam 'rẻ như cho', xuất sang nước ngoài có giá lên tới 8 triệu đồng/kg Ở Việt Nam, lá chanh có giá rẻ bèo, rất dễ mua, thậm chí có thể xin được. Nhưng khi sang nước ngoài, lá chanh ... |
| Mở đường cho nông sản, thực phẩm chế biến Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài Vừa qua, Vụ Thị trường châu Âu –châu Mỹ, Bộ Công Thương, chủ trì và phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp ... |