Xuất khẩu ngày 16-19/2: Người Trung Quốc thích gỗ Việt. (Nguồn: TTV24) |
Tháng 1/2021, xuất khẩu gỗ đạt 1,25 tỷ USD, tăng 48,4%
Báo cáo Thông tin thị trường nông sản tháng 1/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 1/2021 đạt trên 1,25 tỷ USD, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020, chiếm 78,1% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Cũng trong năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh tại các thị trường: Mỹ tăng 33,8%, Thái Lan tăng 20,4% và Canada tăng 14,1% so với năm 2019. Thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh nhất là Anh, 26,5%.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng đầu tiên năm nay đạt 280 triệu USD, tăng 64,8% so với tháng 1/2020.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường đồ nội thất của thế giới rất lớn, với giá trị thương mại khoảng 450 tỷ USD/năm, trong đó nội thất bằng gỗ khoảng 150 tỷ USD/năm. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, nên dư địa xuất khẩu của ngành còn lớn.
Năm 2021, ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13 tỷ USD.
Tạo liên kết chặt chẽ khi xuất khẩu sang thị trường Hà Lan
Bộ Công Thương cho biết, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như thủy sản, hạt tiêu, cao su và gạo sang Hà Lan tăng mạnh.
Thống kê cho thấy, sau khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, xuất khẩu thủy sản đã tăng 20,2%; hạt tiêu tăng 20,9%; cao su tăng 11,9% và đặc biệt là gạo tăng tới 83,7%. Trước đó, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng này đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Hà Lan từ lâu đã được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU và Hiệp định EVFTA là đòn bẩy tạo thêm nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan.
Nhận định về vấn đề này, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan nhấn mạnh, Hà Lan là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam trong EU. Hiện tại có tới hơn 20% rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp cho EU thông qua Hà Lan.
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, mặc dù Việt Nam có điều kiện thiên nhiên ưu đãi nên nông sản mang lại chất lượng cao nhưng việc liên kết giữa phần sản xuất và các khâu trong chuỗi cung ứng, nhất là khâu sau thu hoạch, hậu cần, logistics… còn yếu.
Trong khi đó, tại Hà Lan, để có một chuỗi cung ứng thì từ khâu đầu là nông dân đến khâu cuối là tiêu thụ luôn liên kết khá chặt chẽ. Thế nhưng, điều này lại chưa được doanh nghiệp Việt ứng dụng trong những sản phẩm hay chuỗi cung ứng cũng như phương thức xuất khẩu của Việt Nam.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường Hà Lan nói riêng và EU nói chung, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Hơn 14.000 tấn thanh long được xuất qua cửa khẩu Lào Cai
Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai - Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, từ ngày 10/2 (29 Tết) đến hết ngày 17/2 (mồng 6 Tết) đã có hơn 14.000 tấn thanh long được các doanh nghiệp Việt Nam làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong tuần nghỉ Tết từ 10-17/2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đạt hơn 11 triệu USD; trong đó nhập khẩu 7.053 tấn hàng hóa, chủ yếu phân bón, nông sản, đạt kim ngạch gần 2,4 triệu USD, xuất khẩu 14.430 tấn hàng hóa chủ yếu là nông sản đạt kim ngạch hơn 8,8 triệu USD. Tổng số trong tuần nghỉ Tết có 328 tờ khai xuất nhập khẩu; trong đó xuất khẩu có 239 tờ khai với 677 xe, nhập khẩu có 89 tờ khai với 108 xe.
Mỹ hủy bỏ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với tôm Minh Phú
Ngày 17/2, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết vừa nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại từ Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP) liên quan đến việc áp dụng thuế chống bán phá giá sản phẩm tôm.
Theo đó, CBP đã hủy bỏ Quyết định đã ban hành ngày 13/10/2020 về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào Mỹ.
Quyết định mới nhất của CBP cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác. Đồng thời, Minh Phú cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá đã phải tạm nộp trước đó theo Quyết định ngày 13/10/2020.
Giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1/2021, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức rất cao, đạt 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng đến 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy giá xuất khẩu gạo Việt Nam trong tháng đầu năm 2021 tăng, nhưng do lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm đến 36,4% (đạt gần 348.000 tấn trong tháng 1/2021) khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 34,2% (đạt gần 192 triệu USD trong tháng 1/2021) so với tháng 12/2020 và lần lượt giảm 15,4% về lượng và 2,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Về các thị trường xuất khẩu, tổng lượng gạo xuất khẩu sang Philippines đạt gần 170.00 tấn với trị giá trên 91 triệu USD, giảm 38,73% về lượng và 37,46% về giá trị so với tháng 12/2020. Philippines chiếm 48,85% tổng lượng và 47,62% tổng giá trị xuất khẩu gạo cả nước trong tháng đầu năm 2021.
Tiếp theo là thị trường Trung Quốc với khối lượng xuất khẩu đạt gần 58.000 tấn với trị giá đạt trên 30 triệu USD, giảm 1,17% về lượng và 3,91% về giá trị so với tháng 12/2020. Trung Quốc chiếm 16,63% về lượng và 15,7% về giá trị trong tổng xuất khẩu gạo cả nước trong tháng đầu năm 2021.
Ghana là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam với khối lượng trên 39.000 tấn và giá trị trên 23 triệu USD, chiếm 11,31% về lượng và 12,09% về giá trị trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam ở tháng đầu năm 2021.
Khuyến cáo doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định khi xuất khẩu gạo sang Indonesia
Sở Công Thương Kiên Giang vừa ban hành công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định khi xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia.
Ông Lâm Huỳnh Nhân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cho biết, Sở nhận được Công văn số 69/XNK-NS, ngày 1/2/2021 của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương về việc xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia.
Nội dung công văn này nêu, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia thông báo về việc gạo nhập khẩu giá rẻ của Việt Nam được bán tại thị trường Indonesia và bị giới chức Indonesia xem xét điều tra.
Theo đó, Hạ viện Indonesia đề nghị Bộ Nông nghiệp nước này điều tra, có biện pháp xử lý đối với các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhập khẩu gạo (nếu có) trong hiện tượng gạo nhập khẩu Việt Nam thâm nhập vào thị trường Indonesia và được bán với giá rẻ.
Sở Công Thương Kiên Giang thông tin về tình hình tại thị trường Indonesia và đề nghị các cơ quan, đơn vị, thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các quy định về nhập khẩu của thị trường nhập khẩu, nhất là về bao bì, chủng loại gạo, giá cả,… không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, gây ảnh hưởng đến danh tiếng của gạo Việt Nam.