Tính đến 21/10, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt khoảng 620 tỷ USD. (Nguồn: VnEconomy) |
10 tháng năm 2022, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 620 tỷ USD, sắp bằng cả năm 2021
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước tính đến 21/10/2022 đã đạt 620 tỷ USD, xuất siêu gần 8 tỷ USD, thông tin mới nhất từ Bộ Công thương.
Để đạt được những kết quả tốt trong phục hồi kinh tế, khôi phục sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu thời gian qua, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, có hai nguyên nhân cơ bản đó là việc Việt Nam đã sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19; xác định đúng thời điểm để mở cửa nền kinh tế.
Người đứng đầu ngành Công thương nhấn mạnh, Việt Nam đã có một hệ thống doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa có năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu tốt, trong bối cảnh thế giới đứt gãy nguồn cung cả về nguyên liệu và sản xuất, gây ra thiếu hụt các loại hàng hóa, Việt Nam đã mở cửa đúng lúc.
"Chúng ta đã tranh thủ được thị trường thế giới khan hiếm về hàng hóa và tranh thủ cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu. Chín tháng đầu năm 2022, xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ, đạt gần 558 tỷ USD", Bộ trưởng cho biết.
Trong đó, xuất khẩu đạt 282,3 tỷ USD, tăng 17,2%, gấp 2 lần so với mục tiêu của ngành (mục tiêu cả năm xuất khẩu tăng khoảng 8%). Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 6,76 tỷ USD (cùng kỳ nhập siêu 3,44 tỷ USD), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Tính đến 21/10, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt khoảng 620 tỷ USD. Như vậy chỉ còn thiếu hơn 40 tỷ USD nữa là bằng số của năm 2021, đồng thời xuất siêu ghi nhận gần 8 tỷ USD, với 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tập trung ở mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: hàng dệt may (tăng 24%) và da giày (tăng 36%).
Một số mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu phải kể đến như: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón, thép... Các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu; thị trường truyền thống được khai thác triệt để, mở thêm các thị trường mới.
Xuất khẩu tăng trưởng cao, xuất siêu ấn tượng nhưng Bộ trưởng Công thương cho rằng: "Xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững do thiếu sự cân đối về cơ cấu thị trường, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu và cơ cấu chủ thể xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI (chiếm hơn 74%), tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường và các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết".
Đơn cử, 9 tháng năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 2,45 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ. Dù xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, EU… tăng mạnh, có thị trường tăng tới 100%, tuy nhiên, do thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu đã kéo kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả đi xuống và dự kiến cả năm 2022 sẽ không đạt mục tiêu.
Ngoài ra, xuất nhập khẩu còn phụ thuộc một số thị trường lớn, tiềm ẩn rủi ro, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa cao”.
Sếp Alibaba: Nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam... có lợi thế cạnh tranh trên sàn
Tại Hội nghị “Nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới và phát triển thương hiệu trên nền tảng số” ngày 21/10, ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc phát triển thị trường và quan hệ Chính phủ-Alibaba Việt Nam cho biết, Alibaba luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nhập khẩu và nhà cung cấp toàn cầu giao thương trực tuyến với nhau, đặc biệt là thị trường Việt Nam. "Alibaba.com tiếp tục dành riêng cho thị trường Việt Nam các dịch vụ riêng biệt để giúp các doanh nghiệp tăng tốc, giúp họ có cơ hội giới thiệu các sản phẩm đến người mua hàng toàn cầu tốt hơn", ông Tùng khẳng định.
Tin liên quan |
Tiếp 'lửa' cho doanh nghiệp thương mại điện tử ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu |
Theo đại diện Alibaba Việt Nam, nền tảng của sàn có những tính năng cần thiết cho nhà bán hàng như RFQ (yêu cầu báo giá), livestream, hội chợ thương mại trực tuyến… giúp dễ dàng tiếp cận được nhanh, đúng và trúng với nhu cầu của người mua. Đây được xem là yếu tố sẽ giúp thúc đẩy những ưu thế của sản phẩm Việt trên thị trường thương mại điện tử quốc tế.
"Với thế mạnh của Alibaba.com là sàn bán sỉ (B2B) có lượng người mua sỉ lớn nên một số ngành như nông sản, thực phẩm chế biến - đóng gói, thủ công mỹ nghệ, may mặc, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, bao bì đóng gói… của Việt Nam hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh trên sàn về chi phí giá thành", ông Tùng nói.
Đại diện sàn Thương mại điện tử Alibaba và đối tác OSB cũng giới thiệu tổng thể các chương trình thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ hướng dẫn kinh doanh và vận hành thành công trên sàn thương mại điện tử quốc tế...
Ô tô nhập khẩu từ Indonesia "đắt khách"
Bên cạnh các mẫu mã ô tô từ Thái Lan, người Việt mua sắm ngày càng nhiều các dòng xe ô tô xuất xứ từ Indonesia, giúp lượng xe nhập khẩu từ xứ “vạn đảo” vào Việt Nam liên tục gia tăng.
Tương tự như thị trường xe máy, các mẫu mã ô tô sản xuất tại Indonesia đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Indonesia đang biến quốc gia này cạnh tranh với Thái Lan trong cuộc đua trở thành công xưởng ô tô lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan, trong 9 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 47.783 xe ô tô các loại từ Indonesia, trong khi đó ô tô xuất xứ từ Thái Lan chỉ chiếm 44.850 xe. Từ một quốc gia luôn xếp sau Thái Lan về nguồn cung ô tô cho Việt Nam, đến nay Indonesia đã vươn lên dẫn đầu trong Top những quốc gia xuất khẩu nhiều ô tô nhất sang Việt Nam.
Thực tế, cùng với xe lắp ráp ở Thái Lan, Trung Quốc… ô tô xuất xứ từ Indonesia ngày càng được người Việt đón nhận. Số liệu tổng hợp từ báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), VinFast và TC Motor - đơn vị phân phối xe Hyundai tại Việt Nam cho thấy, lượng ô tô lắp ráp ở Indonesia chiếm khoảng 13,5% trong tổng số ô tô đã tiêu thụ tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022. Trước đó, con số này chỉ ở mức 8-11%.
Trong số những mẫu ô tô đang bán chạy nhất thị trường Việt Nam hiện nay, có không ít mẫu mã nhập khẩu từ Indonesia như Mitsubishi Xpander, Toyota Veloz Cross hay Hyundai Creta…
Có nhiều yếu tố góp phần giúp doanh số bán các mẫu ô tô nhập khẩu từ Indonesia tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Trong đó, sự đa dạng về mẫu mã đồng thời đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của người Việt là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công cho “Made in Indonesia” tại thị trường Việt Nam.
Xuất khẩu dệt may "ngấm đòn" lạm phát
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 9 đã giảm gần 1,2 tỷ USD tương ứng với mức giảm 27% so với tháng 8, xuống chỉ còn 3,2 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu ghi nhận giảm ở các thị trường lớn từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc…
Theo quan sát của Công ty Chứng khoán SSI, số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 giảm hơn 25-50% so giai đoạn tăng trưởng mạnh vào quý II/2022, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao. Nhiều công ty đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho quý I/2023, tuy nhiên lượng đơn hàng còn rất xa so với công suất hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức từ lạm phát, biến động giá nguyên, nhiên liệu...(Nguồn: VNE) |
Chia sẻ của doanh nghiệp cho hay, trước đây có thể nhận đơn hàng trước từ 5-6 tháng, nhưng với biến động thị trường hiện nay, doanh nghiệp chỉ có thể nhận đơn hàng trước từ 2-3 tháng.
Không chỉ lạm phát, những biến động về giá nguyên, nhiên liệu cũng đang gây khó cho doanh nghiệp. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thời điểm cuối năm còn những biến động khó dự báo, đặc biệt là sự bất ổn địa chính trị Nga-Ukraine, sự biến động về giá của nguyên, nhiên liệu...
Hiện các doanh nghiệp đang tìm biện pháp đa dạng hoá từ nguồn cung đến thị trường xuất khẩu. Bởi, khi chủ động nguồn nguyên phụ liệu, sản xuất xanh, ngành dệt may sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường. Từ đó, vừa đảm bảo ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng, xuất khẩu bền vững hơn.
Dưới góc nhìn của giới phân tích, một trong những khó khăn, thách thức nữa mà các doanh nghiệp dệt may trong nước phải đối mặt là tỷ giá hối đoái.
Chuyên viên Nguyễn Đức Hảo, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, đồng tiền chung của khu vực châu Âu đã liên tục giảm giá do lo ngại về suy thoái đến từ vấn đề nguồn cung năng lượng của châu Âu, khi Nga đe dọa sẽ giảm cung cấp khí đốt cho Đức và nhiều nước khác. Doanh nghiệp có thể giảm lãi, thậm chí lỗ do chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Cùng nhận định này, chuyên gia phân tích của SSI cũng cho rằng, dù hầu hết công ty dệt may ghi nhận doanh thu bằng USD, nhưng nhiều chi phí cũng được tính bằng USD như chi phí nguyên vật liệu, chi phí logistics và chi phí lãi vay… Khi triển vọng bán hàng trở nên ảm đạm, trong khi tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2022, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có chi phí bằng USD cao.
| Hội nghị "Xúc tiến hàng nông, thủy sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo"; bưởi Việt Nam sắp "lên ... |
| Xuất khẩu ngày 14-16/10: Australia chuộng đồ gỗ Việt; xuất khẩu dệt may 'giảm tốc' Australia chuộng đồ gỗ Việt; xuất khẩu dệt may "giảm tốc"; gần 19 tỷ USD hàng Việt sang EU được cấp C/O mẫu EUR1... là ... |
| Giá USD tăng nóng, doanh nghiệp 'méo mặt' vì tỷ giá Giá USD bán ra tại một số ngân hàng đã tăng gần 5% từ đầu năm khiến các doanh nghiệp bắt đầu "ngấm đòn" tỷ ... |
| Chủ động tận dụng cơ hội gia tăng giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào Trả lời phỏng vấn Aseanvietnam.vn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bất chấp những khó khăn thách thức, quan hệ hợp ... |
| Băng băng tiến bước, xuất khẩu cả năm 2022 tiến sát mốc 370 tỷ USD Dựa trên kết quả xuất khẩu 6 tháng, Bộ Công Thương nhận định, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 ước đạt khoảng ... |