📞

Xuất khẩu ngày 21-25/11: Hoa Kỳ sắp đón lô xe ô tô điện đầu tiên từ Vinfast; năm 2023, dệt may dự báo 'gặp khó'

Vân Chi 20:13 | 25/11/2022
Hoa Kỳ sắp đón lô xe ô tô điện đầu tiên từ Vinfast; xuất khẩu "sáng cửa" về đích; ngành dệt may có thể "gặp khó" năm 2023 ... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 21-25/11.
Đây là lô xe đầu tiên xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF 8 và VF 9 trên toàn cầu. (Nguồn: VNE)

Hoa Kỳ sắp đón lô xe ô tô điện đầu tiên từ Vinfast

Ngày 25/11, VinFast đã xuất khẩu lô xe ô tô điện thông minh đầu tiên, gồm 999 chiếc VF 8 sang thị trường Mỹ, viết nên kỳ tích cho công nghiệp ô tô Việt Nam. Sự kiện đánh dấu bước tiến đặc biệt của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam khi lần đầu tiên những sản phẩm ô tô công nghệ do Việt Nam làm chủ và sản xuất - chính thức tiến ra thế giới trong sự đón đợi của người tiêu dùng toàn cầu.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Nhân dịp này, Tôi kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính nhận thức rõ 'công nghệ và công nghiệp chính là câu trả lời cho sự phát triển bền vững của đất nước và doanh nghiệp vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc'. Đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo, không chỉ là vì tương lai đất nước mà còn vì tương lai của chính mình".

Được biết, lô xe VinFast VF 8 đầu tiên xuất cảng có số lượng 999 chiếc dành cho thị trường Hoa Kỳ và được chuyên chở bằng tàu thuê riêng Silver Queen của Panama. Dự kiến, sau khoảng 20 ngày xuất phát từ cảng MPC Port, Hải Phòng, lô xe sẽ cập cảng California, Hoa Kỳ và sẽ được bàn giao tới những khách hàng đầu tiên vào cuối tháng 12/2022.

Đây là lô xe đầu tiên xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF 8 và VF 9 trên toàn cầu. Ngay sau thị trường Hoa Kỳ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF 8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023.

Về mẫu VF 9, VinFast đã lên kế hoạch bàn giao cho thị trường Việt Nam và quốc tế trong quý I năm 2023.

VinFast VF 8 và VF 9 là hai mẫu SUV điện cao cấp thuộc phân khúc D và E, có thiết kế sang trọng, tích hợp các công nghệ thông minh tiên tiến cùng mức giá hấp dẫn và các chính sách hậu mãi tốt bậc nhất thị trường.

Bên cạnh nhóm khách hàng cá nhân, VinFast cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhóm khách hàng doanh nghiệp. Ngay trong triển lãm Los Angeles Auto Show 2022 (17-28/11/2022) đang diễn ra tại Hoa Kỳ, VinFast đã nhận được đơn hàng 2.500 xe từ công ty cho thuê xe lớn nhất Hoa Kỳ - Autonomy.

Cùng với VF 8, VF 9, trong năm 2022, VinFast cũng đã công bố các mẫu xe SUV phân khúc phổ thông A-B-C là VF 5, VF 6 và VF 7, nhằm hoàn thiện dải xe điện toàn diện cho thị trường. Dự kiến, VinFast đang chuẩn bị mở bán các dòng xe VF 5, VF 6, VF 7 đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của khách hàng toàn cầu.

Sự kiện xuất khẩu lô xe điện đầu tiên do Việt Nam làm chủ và sản xuất đã mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà, không chỉ khẳng định đẳng cấp và trí tuệ Việt mà còn hiện thực hóa được khát vọng làm chủ công nghiệp ô tô của nhiều thế hệ cha anh, góp phần nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Xuất khẩu “sáng cửa” về đích

Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước tháng 10 đạt 58,27 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% (tương ứng tăng 67 triệu USD) so với tháng 9.

Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước đạt 616,3 tỷ USD, tăng 14,1% (tương ứng tăng 75,99 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.

Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 10 thặng dư 2,47 tỷ USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa 10 tháng/2022 lên 9,59 tỷ USD.

Cụ thể về xuất khẩu, trong tháng 10/2022 đạt 30,37 tỷ USD, tăng 1,9% (tương ứng tăng 552 triệu USD về số tuyệt đối) so với tháng trước.

Một số nhóm hàng tăng trong tháng như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 285 triệu USD (tương ứng tăng 5,7%); giày dép các loại tăng 171 triệu USD (tương ứng tăng 9,5%); dầu thô tăng 156 triệu USD (tương ứng tăng 100%)...

Bên cạnh đó có một số nhóm hàng giảm mạnh trong tháng là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 410 triệu USD (tương ứng giảm 8%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 238 triệu USD (tương ứng giảm 5,7%)...

Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu đạt 312,94 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 43,1 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 8,27 tỷ USD; giày dép tăng 5,89 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 5,75 tỷ USD; hàng dệt may tăng 5,64 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,78 tỷ USD…

Từ chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10/2022 đạt 27,9 tỷ USD, giảm 1,7% (tương ứng giảm 485 triệu USD) so với tháng trước.

Một số nhóm hàng có trị giá nhập khẩu giảm mạnh, gồm: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 309 triệu USD, dầu thô giảm 224 triệu USD, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 221 triệu USD, nguyên phụ liệu dệt may da giày giảm 105 triệu USD. Tổng trị giá của 4 nhóm hàng này giảm 859 triệu USD.

Như vậy, tính chung 10 tháng năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 303,35 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Về thị trường xuất nhập khẩu, trong 10 tháng năm 2022, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 398,41 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,6%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.

Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ: 131,23 tỷ USD, tăng 16,8%; châu Âu: 64,7 tỷ USD, tăng 8,9%; châu Đại Dương: 15,02 tỷ USD, tăng 30,4% và châu Phi: 6,94 tỷ USD, giảm nhẹ 1,5% so với 10 tháng/2021.

Bước sang năm 2023, dệt may "gặp khó" vì hàng tồn kho lớn

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành dệt may vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt - VDSC dự báo xuất khẩu của ngành xấu đi trong nửa đầu 2023 do những diễn biến xấu của tình hình vĩ mô tiếp tục gây áp lực lên sức tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam và lạm phát tại Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam dự kiến sẽ giảm từ từ tiếp tục tác động tiêu cực lên nhu cầu tiêu dùng của nhóm hàng không thiết yếu, trong đó có sản phẩm may mặc.

Dữ liệu lịch sử cho thấy doanh số bán lẻ quần áo và giày dép tại Hoa Kỳ phải mất 8-10 tháng để hồi phục dần từ đấy kể từ khi lạm phát đạt đỉnh.

Ngành dệt may đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong năm tới do lượng hàng tồn kho thế giới lớn. (Nguồn: VnEconomy)

Do tình hình tắc nghẽn trong vận chuyển đơn hàng hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến trong khi lượng đặt hàng mới chưa điều chỉnh giảm kịp, lượng hàng may mặc và giày dép nhập khẩu của Hoa Kỳ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 8. Từ đó vô hình chung tạo sức ép trong việc tiêu thụ hàng tồn kho trong Q4/2022 hoặc thậm chí kéo dài cho đến nửa đầu năm 2023.

Doanh số bán lẻ quần áo và giày dép tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã có dấu hiệu kém khả quan từ tháng 10/2022 cùng mức tăng trưởng âm, báo hiệu tiếp một mùa khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Trong Q3/2022, các sản phẩm quần áo may mặc trong nhóm sản phẩm bán lẻ phi thực phẩm ghi nhận tăng trưởng thấp nhất ở Anh. Theo quan điểm của VDSC, khách hàng của các doanh nghiệp dệt may Việt sẽ khó tăng trưởng doanh số trong bối cảnh thị trường tiêu thụ đang suy yếu.

Cùng với đó, người tiêu dùng châu Âu dự kiến sẽ giảm chi tiêu cho các sản phẩm may mặc và giày dép, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp, theo khảo sát người tiêu dùng của McKinse). Ngân sách chi tiêu của người tiêu dùng cho các sản phẩm quần áo và giày dép thu hẹp lại báo hiệu trước những khó khăn sắp tới cho các nhãn hàng và nhà bán lẻ hàng may mặc tại châu Âu.

Trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu cùng với việc các nhà bán buôn cắt giảm đơn đặt hàng đồng thời với giải phóng hàng tồn kho, hàng tồn kho của ngành may mặc hiện tại có thể rơi vào tình trạng lớn hơn mức thị trường có thể hấp thụ.

(tổng hợp)