Xuất khẩu ngày 24-27/8: Siết chặt kiểm tra xuất xứ điều thô nhập khẩu từ Campuchia. (Nguồn: NTV) |
Siết chặt kiểm tra xuất xứ điều thô nhập khẩu từ Campuchia
Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 4108/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh: Gia Lai-Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đề nghị tăng cường kiểm tra xuất xứ điều thô nhập khẩu (NK) từ Campuchia.
Công văn nêu rõ, qua rà soát tình hình NK, số liệu kim ngạch NK mặt hàng điều thô trong thời gian qua cho thấy có hiện tượng kim ngạch NK điều thô tăng đột biến từ thị trường Campuchia và giảm mạnh khi NK từ các nước châu Phi về Việt Nam.
Để tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ mặt hàng điều thô NK, ngăn chặn hành vi gian lận nhằm hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt hoặc thực hiện các gian lận khác, Tổng cục Hải quan giao Cục Hải quan các tỉnh tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên khoảng 10% trên tổng số lô hàng NK của tháng liền kề trước đó để kiểm tra thực tế hàng hóa.
Trường hợp xác định điều thô NK đúng khai hải quan, đúng xuất xứ của Campuchia, có các đặc điểm của hạt điều thô xuất xứ Campuchia thì thực hiện thông quan, giải phóng hàng hóa theo quy định.
Trường hợp qua kiểm tra thực tế hàng hóa, đối chiếu với các đặc điểm phân biệt mặt hàng điều thô, nếu phát hiện mặt hàng này NK khai có xuất xứ Campuchia, có C/O mẫu D hoặc mẫu S do cơ quan có thẩm quyền của Campuchia phát hành nhưng có những đặc điểm của hạt điều thô châu Phi thì gửi hồ sơ về Tổng cục Hải quan để tiến hành xác minh theo quy định.
Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn Cục Hải quan về một số đặc điểm phân biệt hạt điều thô có xuất xứ Campuchia với hạt điều có xuất xứ từ châu Phi.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/7, cả nước NK hơn 1,87 triệu tấn hạt điều nguyên liệu với kim ngạch hơn 2,82 tỷ USD, tăng tới hơn 174% về lượng và tăng gần 222% về kim ngạch so với cùng kỳ 2020.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2021, lượng NK nhiều nhất đến từ Campuchia với với 1 triệu tấn, kim ngạch gần 1,7 tỷ USD, tăng đến 422% về lượng và tăng tới hơn 587% về kim ngạch so với cùng kỳ 2020, chiếm đến gần 60% về lượng và 65% về kim ngạch NK điều cả nước trong cùng thời điểm.
Năm 2020, cả nước chỉ NK 1.450.463 tấn hạt điều với kim ngạch hơn 1,8 tỷ USD, giảm 11% về lượng và giảm 17,1% về kim ngạch so với năm 2019. Riêng thị trường Campuchia chỉ 216.330 tấn, kim ngạch gần 276 triệu USD.
Theo các chuyên gia, hiện hạt điều NK theo loại hình kinh doanh từ ASEAN có thuế NK 0%, trong khi nhập từ thị trường ngoài ASEAN có thuế 5%. Như vậy, có thể đặt nghi vấn các doanh nghiệp “mượn” đường Campuchia để trốn thuế NK của mặt hàng này.
Giá gạo xuất khẩu xuống thấp nhất 18 tháng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tháng 7 giữ ở mức 390 USD một tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Sang tháng 8, giá gạo XK tiếp tục giảm, đặc biệt trong phiên ngày 19/8, gạo loại 5% tấm đã xuống 385 USD một tấn, giảm 100 USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng chung xu hướng giảm, giá gạo XK của Ấn Độ trong tuần qua xuống mức thấp do cầu thị trường yếu. Hiện gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 352-356 USD, giảm thêm 29-31 USD so với đầu tháng 7.
Ngược xu hướng với giá gạo Việt và Ấn Độ, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 387-400 USD một tấn (tăng 5-7 USD/tấn so với một tuần trước), song vẫn là mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay của nước này.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật tuần (20-26/8): Tổng thống Nga thừa nhận lạm phát cao dù kinh tế phục hồi; thương mại điện tử Trung Quốc tăng phi mã |
Theo các doanh nghiệp XK gạo ở Cần Thơ và Tiền Giang, An Giang, dịch bệnh phức tạp đang khiến nhiều nhà máy đóng cửa, tạm ngưng sản xuất nên khả năng giao hàng của doanh nghiệp chậm lại.
Xuất khẩu tôm sang Nga tăng ấn tượng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 7/2021, XK tôm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 14% và tôm chiếm 44% tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam.
Đáng chú ý, nhờ ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), XK tôm sang nhiều thị trường vẫn giữ mức tăng trưởng cao. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang các thị trường và khối thị trường chính như CPTPP, EVFTA, Mỹ… đều tăng 2 con số từ 15% đến 34%.
Theo VASEP, CPTPP là khối thị trường XK lớn nhất của các doanh nghiệp tôm Việt Nam. 7 tháng đầu năm nay, giá trị XK tôm sang khối này đạt gần 582 triệu USD, tăng 15%, chiếm 27% tổng giá trị XK tôm.
Trong đó, Nhật Bản là thị trường NK tôm và sản phẩm tôm sú nói riêng lớn nhất với tổng giá trị XK đạt 350,4 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2021, XK tôm sang thị trường Australia tăng mạnh 75%, đạt 106,3 triệu USD. Riêng tháng 7/2021, giá trị XK tôm sang thị trường này đạt 17,6 triệu USD, tăng 48%.
Đối với EU, 7 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt hơn 320 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị XK tôm sang 3 thị trường NK chính trong khối gồm Đức, Hà Lan và Bỉ đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số.
Mỹ là thị trường NK đơn lẻ lớn nhất của tôm Việt Nam. Nhu cầu NK tôm của Mỹ từ Việt Nam khá ổn định kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ ngày càng cạnh tranh tốt hơn khi Ấn Độ (nguồn cung tôm lớn nhất của Mỹ) gặp nhiều rào cản do dịch bệnh Covid-19 gây ra. 7 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 584,6 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc giảm cộng với ảnh hưởng của Covid-19 nhưng XK tôm Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng nhẹ 2,5%.
Tính đến hết tháng 7/2021, xuất khẩu tôm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 14% và tôm chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. (Ảnh: KT) |
Nga tuy không phải là thị trường NK lớn, nhưng XK tôm Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng đến 87% tại thị trường này. Trung Quốc là thị trường NK tôm chính duy nhất của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm 19%.
VASEP: Trung Quốc nâng hàng rào thương mại nhập khẩu cá tra
VASEP cho biết, từ quý II/2021, giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc), vốn là thị trường cá tra lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm liên tiếp 0,8-11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân là từ cuối tháng 5, Trạm Giang - một trong những trung tâm trung chuyển lớn của Trung Quốc đã thông báo dừng NK thực phẩm đông lạnh từ các nước XK thuỷ sản lớn gồm Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan cùn 8 nước châu Á khác từ 20/6 đến 15/7 do nhiều thành phố như Quảng Châu, Phật Sơn, Thâm Quyến, Trạm Giang... có dấu hiệu nhiễm, lây lan Covid-19.
Theo VASEP, nửa đầu năm nay, nhu cầu NK cá tra của Trung Quốc từ Việt Nam vẫn lớn nhưng chính phủ nước này vẫn đưa ra nhiều chính sách nhằm giảm bớt nguồn thủy sản NK từ các nước.
Mặt khác, VASEP cũng cho biết, người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục lo lắng về việc nhiễm Covid-19 từ nguồn hàng thủy sản NK nên tăng tiêu dùng thủy sản nội địa. Do vậy, giá nhiều loại sản phẩm cá nuôi nước ngọt như: cá chép, cá trắm đen, trắm trắng, cá mè đã tăng 34%, thậm chí tới 50-100%.
VASEP cho rằng với tình hình như hiện nay, Trung Quốc chắc chắn sẽ nâng hàng rào thương mại thời gian tới. Thậm chí việc kiểm soát Covid-19 thông qua các cửa khẩu, cảng NK sẽ được siết chặt hơn.
Xuất khẩu cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này nhiều khả năng giảm tiếp trong quý III/2021.
| Kinh tế thế giới nổi bật tuần (20-26/8): Tổng thống Nga thừa nhận lạm phát cao dù kinh tế phục hồi; thương mại điện tử Trung Quốc tăng phi mã Mỹ suy giảm đà tăng trưởng; chuỗi cung ứng toàn cầu hứng đòn Covid-19; thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc tăng ... |
| Tiêu chuẩn Halal là ‘chìa khóa’ cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Trung Đông Trao đổi với TG&VN, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng Trung Đông là thị trường trung ... |