Nhiều doanh nghiệp kín đơn hàng xuất khẩu đầu năm
Với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9,5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022 là năm bản lề quan trọng. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm nay, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu. Còn phía doanh nghiệp chủ động tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, sản xuất và xuất khẩu những lô hàng giá trị.
Chỉ trong tháng đầu năm 2022, Công ty TNHH Máy Thép Việt đã xuất khẩu được 14 tỷ đồng giá trị hàng hóa. Phấn khởi hơn là đơn hàng đã ký kín công suất đến hết tháng 7, nên doanh nghiệp kỳ vọng cả năm sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 30%, doanh thu khoảng 80 triệu USD.
Trong tháng đầu năm 2022, Công ty TNHH Máy Thép Việt đã xuất khẩu được 14 tỷ đồng giá trị hàng hóa. (Nguồn: VTV) |
"Việt Nam đã mở cửa và các nước cũng mở cửa nên việc xuất nhập khẩu khá là ổn định. Thị trường truyền thống là Indonesia và năm nay mở rộng thêm thị trường ở Mexico, Australia", ông Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Máy Thép Việt, cho biết.
Cũng ký được những hợp đồng xuất khẩu giá trị ngay từ đầu năm với doanh thu xuất khẩu ước đạt 90 tỷ ngay trong tháng 1, Công ty CP Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex đặt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2022 tăng 25% so với năm ngoái.
"Doanh nghiệp sẽ chuẩn bị về nguồn nhân lực, đảm bảo nguồn nhân lực đầy đủ cho tất cả các xưởng để có thể xuất được đơn hàng trong Tết cũng như qua Tết. Về mặt nguyên liệu, doanh nghiệp sẽ chủ động ký hợp đồng với tất cả các nhà cung cấp để có thể đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu, xuất những đơn hàng mình đã nhập", ông Văn Anh Tuấn, Công ty CP Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex, chia sẻ.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp thuộc ngành hàng cần ưu tiên để hỗ trợ khoảng 50% kinh phí tham gia sàn thương mại điện tử. Đồng thời Sở sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ trong nước thông qua các hội chợ và kênh phân phối khác.
"Chúng tôi sẽ thực hiện một loạt các hội nghị kết nối giao thương với thị trường nước ngoài và trong đó tập trung vào các thị trường chúng ta có lợi thế về thuế suất, đặc biệt là những thị trường mà chúng ta đã tham gia các hiệp định FTA. Đặc biệt, chúng tôi sẽ khai thác các văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại TP Hồ Chí Minh", Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Khắc Hiếu nhận định.
Cũng theo Sở Công Thương, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ để gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời khai thác tối đa lợi thế tại các thị trường truyền thống mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do như: Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Phía các cơ quan hành chính công phục vụ xuất khẩu cũng sẽ nâng cấp dịch vụ công trực tuyến, cùng chung tay xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu của phía Nam.
Tin mừng cho người trồng hoa đầu năm mới
Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Mông thôn) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã tổ chức lễ công bố biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới đối với hoa cắt cành xuất khẩu sang Australia.
Australia là thị trường truyền thống với sản phẩm hoa xuất khẩu của Việt Nam suốt 23 năm qua và tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây. Hằng năm, Việt Nam xuất khẩu sang Australia gần 30 triệu cành hoa/lá trang trí, đạt doanh thu 5,2 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, từ ngày 31-6-2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có hiệu lực quy định các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Glyphosate không được sử dụng, buôn bán, nhập khẩu. Vì vậy, xuất khẩu hoa sang Australia bị ngưng trệ do nước này không chấp nhận tiệt mầm cành hoa bằng hoạt chất khác ngoài Glyphosate.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và tránh gây đứt gãy trong chuỗi cung ứng hoa cắt cành xuất khẩu sang Australia, Cục Bảo vệ thực vật đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất hoa cắt cành để hoàn thành thí nghiệm tìm kiếm hoạt chất thay thế Glyphosate cho phép và đáp ứng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
"Cục Bảo vệ thực vật nỗ lực đàm phán và trao đổi thông tin với Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước của Austrlia. Nhờ vậy, hai bên đã đạt được thỏa thuận về hoạt chất thay thế là Metsulfuron methyl để xử lý cho hoa cắt cành xuất khẩu vào Australia chỉ sau 6 tháng thử nghiệm và tiến hành các thủ tục cần thiết", Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương cho biết.
Đại diện Hiệp hội Hoa Đà Lạt, đại diện Công ty Đà Lạt Hasfarm, cho biết việc Australia chấp nhận biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật mới đối với hoa cắt cành xuất khẩu sang nước này là "tin rất mừng" với doanh nghiệp, người trồng hoa trong dịp cuối năm và đón năm mới.
Theo bà Hương, việc Australia phê duyệt sử dụng hoạt chất Metsulfuron methyl thay thế Glyphosate từ ngày 1/3 sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu hoa cắt cành sang các thị trường khác và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.
Nhập khẩu phân bón cao gấp 3 lần xuất khẩu
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2021 là năm chứng kiến lượng phân bón xuất khẩu tăng cao kỷ lục, đạt 1,35 triệu tấn, trị giá gần 560 triệu USD, tăng 16,4% về lượng, tăng 64,2% về trị giá. Giá xuất khẩu phân bón cũng tăng 41,2% so với năm 2020, đạt 413 USD/tấn.
Campuchia là thị trường tiêu thụ phân bón của Việt Nam nhiều nhất, chiếm tới 40,2% trong tổng lượng và chiếm 37,4% trong tổng trị giá xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 544.443 tấn, tương đương trên 209,18 triệu USD, tăng 29,2% về lượng, tăng 59% về trị giá.
Ngoài Campuchia, thì Việt Nam còn xuất khẩu phân bón sang thị trường Hàn Quốc 97.789 tấn, tương đương 70,84 triệu USD, giá trung bình 724,4 USD/tấn, tăng mạnh 379% về lượng, tăng 2.001% về trị giá.
Mặc dù xuất khẩu ghi nhận tăng mạnh, giá cũng tăng so với cùng kỳ do mặt bằng giá phân bón thế giới năm qua có nhiều đợt điều chỉnh tăng, nhiều thị trường khan hiếm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhưng ở chiều nhập khẩu cũng chứng kiến sự gia tăng chóng mặt. Tính tổng cộng cả năm 2021 nhập khẩu phân bón của cả nước đạt 4,54 triệu tấn, trị giá 1,45 tỷ USD, tăng 19,4% về khối lượng, tăng 52,6% về trị giá. Giá nhâp khẩu trung bình các loại phân bón trong năm qua tăng 27,8% về giá so với năm 2020
Trong đó, Trung Quốc là thị trường chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng lượng và chiếm 42% trong tổng trị giá nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 2,02 triệu tấn, trị giá 610,29 triệu USD, tăng 27,3% về lượng, tăng 65,6% về trị giá.
Các doanh nghiệp trong nước cũng nhập một lượng lớn phân bón từ nhiều thị trường Đông Nam Á, với 504.838 tấn, trị giá 190,44 triệu USD, tăng 37,2% về lượng, tăng 117,4% về trị giá. Tiếp đến thị trường Nga, với 386.193 tấn, trị giá 143,53 triệu USD, tăng 7,9% về lượng, tăng 30,3% trị giá.
Với mức chi ngoại tệ nhập phân bón tăng rất mạnh trong năm qua đã đưa nhập siêu phân bón của cả nước lên gần 900 triệu USD.
Chi phí phân bón hiện chiếm 21-25% trong tổng chi phí sản xuất nông nghiệp. Việc phụ thuộc nguồn cung lớn từ nhập khẩu trong nhiều thời điểm khiến nông dân lao đao.
Xuất khẩu cao su lập kỷ lục mới về kim ngạch
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam – CTCP (mã GVR) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2021. Theo đó, doanh thu quý này của Tập đoàn đạt gần 9.680 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ năm trước, luỹ kế cả năm đạt 26.390 tỷ đồng, tăng gần 25%.
Biên lợi nhuận gộp được duy trì ở mức trên 26%, cả năm đạt 29,2% cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước (21,8%). Doanh thu tài chính quý 4 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, đạt 264 tỷ đồng giảm 83,8%, luỹ kế cả năm doanh thu tài chính đạt 812 tỷ đồng giảm 72,6% so với năm trước.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 1,97 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 39% về trị giá so với năm 2020. Xuất khẩu cao su năm 2021 đã ghi nhận 2 dấu ấn quan trọng về kim ngạch xuất khẩu. Đó là quay trở lại mốc 3 tỷ USD sau 10 năm, đồng thời vượt qua mức kỷ lục của năm 2011 là 3,233 tỷ USD.
Điều này đồng nghĩa với việc xuất khẩu cao su trong năm 2021 đã lập một kỷ lục mới về kim ngạch trong lịch sử ngành cao su Việt Nam.
Việc xuất khẩu cao su của Việt Nam năm qua tăng trưởng cao là do các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Cộng hòa Czech, Canada... tăng nhập khẩu cao su của Việt Nam.
Tài xế chờ làm thủ tục trước khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Cửa khẩu Tân Thanh thông quan trở lại
Sau hơn 1 tháng tạm dừng, ngày 25/1, cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - chuyên xuất khẩu trái cây, nông sản của Việt Nam qua Trung Quốc đã chính thức thông quan trở lại.
Tân Thanh - Pò Chài là cặp cửa khẩu có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam. Trước mắt, hai bên sẽ thực hiện phương thức giao nhận xe trên đường biên giới, lái xe mặc quần áo bảo hộ và đeo găng tay, khẩu trang theo quy định.
Trước đó, do phát hiện SARS-CoV-2 trên vỏ bao bì và lái xe vận chuyển hàng hóa, phía Trung Quốc tạm dừng thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài từ ngày 18-12-2021.
Tính đến sáng 25/1, chỉ còn 266 xe hàng hóa ở 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma, trong đó chủ yếu là ở Hữu Nghị và Tân Thanh.
Riêng tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh có hơn 100 xe hàng hóa, đa số là nông sản khô như bột sắn, sắn lát và một lượng ít trái cây từ các tỉnh phía Nam.
Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn hy vọng sau khi được thông quan trở lại, các xe nông sản còn tồn ở khu vực cửa khẩu sẽ được giải phóng trước Tết Nguyên đán, nhất là các xe chở nông sản tươi.