Lô gạo Việt đầu tiên vào Anh theo UKVFTA, nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc tăng mạnh… là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 26-29/1. (Nguồn: JFP) |
Phép màu UKVFTA chạm đến gạo Việt
Những tấn gạo thơm Việt Nam đầu tiên nhập khẩu vào Anh theo Hiệp định thương mại tự do Anh-Việt Nam (UKVFTA) đã chính thức được bày bán trên thị trường London ngày 26/1.
Hiện nay, Anh đang áp dụng mức thuế nhập khẩu gạo thơm (Jasmin) là 17,4%. Tuy nhiên, theo UKVFTA, gạo thơm Việt Nam chất lượng cao vào thị trường này được miễn thuế nhập khẩu. Ưu đãi này sẽ khiến gạo Việt Nam có sức cạnh tranh tốt với các nước khác cũng xuất khẩu gạo thơm sang Anh như Thái Lan.
Theo dự báo của Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường, nhờ UKVFTA, xuất khẩu gạo thơm Việt Nam chất lượng cao vào thị trường Anh năm 2021 sẽ tăng gấp tới chục lần so với năm 2020.
Lô hàng 60 tấn gạo thơm thượng hạng được doanh nghiệp Long Dan tại Anh nhập của Vinaseed hiện đã bày bán tại chuỗi siêu thị Long Dan với giá bán lẻ 15,5 Bảng/10 kg (tương đương 465.000 VND/10kg).
Ông Cường cho biết, Long Dan là doanh nghiệp nhập khẩu đầu tiên, sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp nhập gạo Việt Nam theo UKVFTA; bày tỏ tin tưởng gạo Việt sẽ tăng thị phần tại Anh trong năm 2021.
Kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm
Ngày 26/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hội cá nước lạnh tỉnh Lào Cai về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm.
Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đã phối hợp với địa phương thu mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở (Hà Nội) và chợ Bình Điền (TP. HCM). Kết quả, có 8/11 mẫu cá tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản.
Cá tầm thuộc phụ lục II Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được cơ quan CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc.
Tuy nhiên, hiện nay có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.
Tin liên quan |
Đại hội XIII của Đảng: Kinh tế Việt Nam 2016-2020 với vị thế và cơ đồ hoàn toàn mới |
Để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả hành vi gian lận thương mại trong việc nhập khẩu cá tầm dùng làm thực phẩm và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc Danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường; Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường kiểm tra việc lưu thông, vận chuyển, kinh doanh cá tầm trên thị trường nhằm ngăn chặn việc trà trộn cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người nuôi và người tiêu dùng trong nước.
Chuyên gia Thái Lan đánh giá cao chiến lược gạo của Việt Nam
Ngày 25/1, tờ Bangkok Post đăng tải nhận định của chuyên gia Thái Lan Suwathchai Songwanich, Phó Chủ tịch điều hành Ngân hàng Thái Lan, đánh giá cao chiến lược gạo của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đã có một động thái khá bất ngờ khi bắt đầu nhập khẩu ngũ cốc từ Ấn Độ. Chuyên gia Thái Lan đánh giá rằng, việc Việt Nam nhập khẩu gạo Ấn Độ rẻ hơn là để đáp ứng nhu cầu trong nước trong khi tiết kiệm được sản lượng đang có mức giá cao nhất trong nhiều năm cho thị trường xuất khẩu.
Lý do là Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA), mở ra cánh cửa vào thị trường châu Âu đầy tiềm năng. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết gần đây cũng sẽ mở ra nhiều thị trường hơn cho gạo giá cao.
Vị chuyên gia nhận định, đang ở vị thế tốt để tận dụng những cơ hội này, Việt Nam đã nỗ lực cải thiện chất lượng và chủng loại gạo. Ngoài việc sản xuất ra nhiều loại gạo thơm chất lượng cao, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã và đang phát triển các giống lúa gạo hướng đến xu hướng thị trường, chẳng hạn như gạo trắng mềm, cũng như tổ chức lại phương thức sản xuất, cải thiện an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng, và tăng năng suất.
Những nỗ lực này đã dẫn đến năng suất cao hơn, nhận diện thương hiệu tốt hơn và được toàn cầu khen ngợi, chẳng hạn như giành được giải loại gạo ngon nhất tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới năm 2019 và đứng thứ hai sau Thái Lan vào năm ngoái.
Ba Lan là cửa ngõ để hàng Việt vào EU
Với hơn 38 triệu dân, Ba Lan là thị trường lớn nhất trong số các quốc gia thành viên mới của Liên minh châu Âu (EU) và lớn thứ 6 trong EU. Việc gia nhập EU vào năm 2004 đã dẫn đến những cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho quốc gia này.
Thông qua cửa ngõ thị trường Ba Lan, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam cũng có thêm cơ hội xuất khẩu vào EU, khai thác các lợi thế từ EVFTA.
Tại hội thảo “Triển vọng xuất khẩu hàng hóa vào EU thông qua “cửa ngõ” Ba Lan khi EVFTA có hiệu lực” diễn ra sáng 28/1, ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết, Ba Lan là một thị trường quan trọng và năng động nằm ở trung tâm của Trung Âu.
| Báo Nhật bàn về câu chuyện bứt phá ngoạn mục của Việt Nam và ‘câu thần chú’ vượt qua đại dịch |
Tính đến nay, GDP của Ba Lan đạt khoảng 595,858 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 10 trong EU. Ba Lan cũng là quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 23 và nhập khẩu hàng hóa đứng thứ 20 thế giới. Ba Lan nhập khẩu hàng hóa chủ yếu từ EU 54,6%, Trung Quốc 12,3%, Liên bang Nga 6,5%, Mỹ 3,2% và Vương quốc Anh 2,2%...
Việc EVFTA chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã đem lại nhiều lợi thế và cơ hội đẩy mạnh giao thương giữa Việt Nam và Ba Lan. Điều này được minh chứng qua kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2020 đạt 2,115 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2019. Xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt gần 1,774 tỷ USD, tăng 18,4%, là quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 19 vào quốc gia châu Âu.
Ô tô nhập từ Trung Quốc gia tăng, từ Thái Lan, Indonesia giảm mạnh
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, các DN kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 105.201 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch 2,35 tỷ USD. So với năm 2019, ô tô nhập khẩu về Việt Nam năm 2020 giảm 35.100 xe, tương đương 24,5%. Kim ngạch nhập khẩu giảm 25,6% so với năm 2019.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong số hơn 105.000 ô tô nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2020, ô tô xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia vẫn chiếm đa số, nhưng nhìn chung vẫn sụt giảm so với năm 2019.
Cụ thể, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã nhập khẩu 52.674 ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan, giảm 29% so với năm 2019.
Ô tô nhập khẩu từ Indonesia về Việt Nam trong năm qua cũng chỉ đạt 35.043 xe, giảm 25% so với năm 2019.
Tuy nhiên, trong năm 2020, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh với hơn 7.400 chiếc. Ngoài các dòng xe thương mại, ô tô 9 chỗ trở xuống sản xuất ở Trung Quốc cũng tạo được sự chú ý khi vào thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, các DN tại Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 2.400 xe ô tô các loại từ Nhật Bản, 1.530 xe từ Mỹ và 1.280 xe từ Hàn Quốc. Các thị trường khác như Đức, Nga, Anh… đều xuất khẩu chưa đến 1.000 xe vào Việt Nam trong năm 2020.
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2020 doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 1% trong khi xe nhập khẩu giảm 17% so với năm 2019.