Xuất khẩu cá ngừ tính từ đầu năm đến ngày 21/12 lần đầu tiên chạm tới mốc 1 tỷ USD. (Nguồn: Báo Bình Dương) |
Xuất khẩu cá ngừ lập đỉnh, lần đầu tiên đạt mốc 1 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ tính từ đầu năm đến ngày 21/12/2022 đã lần đầu tiên chạm tới mốc 1 tỷ USD và dự kiến cả năm sẽ đạt 1,03 tỷ USD…
Xuất khẩu cá ngừ liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm qua: đạt 651 triệu USD năm 2018; đạt 730 triệu USD năm 2019; đạt 648 triệu USD năm 2020 và 733 triệu USD năm 2021. Trong ba quý đầu năm 2022, xuất khẩu cá ngừ càng đạt tăng trưởng cao tới 55% so với cùng kỳ năm trước và đạt 808 triệu USD trong 9 tháng.
Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Israel và Saudi Arabia là 5 thị trường nhập khẩu chính cá ngừ của Việt Nam tính theo quốc gia đơn lẻ.
Cụ thể trong 11 tháng, xuất khẩu cá ngừ sang Hoa Kỳ đạt 461 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 4, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm liên tục qua từng tháng cho đến nay. Lạm phát tại Hoa Kỳ đã giảm, tuy nhiên vẫn ở mức cao trong vòng 40 năm qua. Do đó, giá thực phẩm vẫn ở mức đắt đỏ vì thế đã kìm hãm sức mua của thị trường này trong những tháng cuối năm.
Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang Thái Lan vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, tăng 120% so cùng kỳ năm 2021. Thái Lan tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 6 của Việt Nam trong năm 2022.
Trong khi xuất khẩu cá ngừ sang Hoa Kỳ và các khu vực châu Á tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm và tăng trưởng chậm lại trong quý 4; thì xuất khẩu EU có những diễn biến ngược lại: khó khăn trong nửa đầu năm, tăng tốc trong 3 tháng cuối năm. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này trong 3 tháng trở lại đây tăng trưởng liên tục.
Trong đó, xuất khẩu cá ngừ sang EU trong tháng 10 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay, đạt gần 19 triệu USD, tăng 22% so với tháng 10/2021. Xuất khẩu cá ngừ trong tháng 11 vào EU đạt trên 20 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU đạt hơn 150 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường EU như Bỉ, Đức có xu hướng tăng mạnh, từ 10-33%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chính thức cán mốc 732 tỷ USD
Thông tin Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12 cho thấy, trong tháng 12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,82 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,66 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 89,5 tỷ USD, giảm 7,1% so với quý III/2022 và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%. Trong năm 2022 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).
Để đạt được con số này, thời gian qua, Bộ Công Thương và nhiều Bộ ngành khác đã nỗ lực tạo thuận lợi cho thương mại và cải cách hành chính để hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi nhất. Theo đó, Bộ Công Thương đã tăng cường chuyển giao cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ. Nếu như trước đây, phần lớn đều là doanh nghiệp phải đến các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương để được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) thì hiện nay, Bộ Công Thương đang đi theo xu hướng chuyển dịch dần sang cho doanh nghiệp tự chứng nhận nhằm giảm bớt thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tiến hành đẩy mạnh việc cấp C/O điện tử. Hiện nay trong ASEAN đã cấp C/O điện tử 100%. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang chủ động cấp C/O điện tử và trao đổi dữ liệu điện tử, công nhận dữ liệu điện tử để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi với rất nhiều đối tác, trong đó có Hàn Quốc, khối EAEU…
Đặc biệt, một trong những điểm sáng của hoạt động xuất khẩu năm 2022 là nhóm hàng nông sản đã có sự tăng trưởng ấn tượng ở nhiều nhóm hàng như cà phê, chè, tiêu, sắn, gạo…
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng trước, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 85,07 tỷ USD, giảm 5,8% so với quý III/2022 và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 125,79 tỷ USD, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 234,86 tỷ USD, tăng 7,5%. Trong năm 2022 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 06 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%).
WB: Xuất khẩu là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm 2022
Theo ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) có 4 yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.
Đầu tiên là động lực xuất khẩu, vốn rất mạnh từ trước đến nay, với xuất khẩu sản phẩm ngành chế biến và chế tạo là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng GDP. Đại diện WB cho rằng, xuất khẩu sẽ tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ hai là chỉ số tiêu dùng trong nước, được thể hiện qua sự phục hồi mạnh mẽ của doanh số bán lẻ, tăng 19,8% so với năm 2021 và tăng 15% so với năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Theo WB, xuất khẩu là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm 2022. (Nguồn: VnEconomy) |
Thứ ba là việc thu hút vốn đầu tư khi năm 2022, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 22,4 tỷ USD, tăng hơn 13,5% so với năm 2021, cao nhất trong vòng 1 thập kỷ qua.
Cuối cùng, cần xem xét thực tế là đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến Việt Nam trong năm 2021, đặc biệt là trong quý III của năm. Do đó, phát triển kinh tế mạnh mẽ trong năm 2022 cũng là kết quả của hiệu ứng xuất phát điểm thấp.
Ông Andrea Coppola nhận định, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn hơn đối với Việt Nam. Nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại trong những tháng tới do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ và suy thoái tại các nền kinh tế lớn, cũng như sự gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, lạm phát cao và rủi ro trong lĩnh vực tài chính có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
| Cải thiện thứ hạng, Việt Nam lọt top 30 nền kinh tế xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất; xuất khẩu thủy sản đạt kỷ ... |
| Xuất nhập khẩu chạm mốc gần 700 tỷ USD, thặng dư thương mại lên tới 10,68 tỷ USD; nguy cơ "đòn" phòng vệ thương mại ... |
| Lợi thế vàng cho xuất khẩu từ UKVFTA; xuất khẩu phân bón chính thức “chạm tay” tới con số 1 tỷ USD; xuất khẩu mạnh, ... |
| Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử vượt ngưỡng 100 tỷ USD; Mỹ thay đổi quy định, hàng Việt Nam "rơi vào tầm ngắm"... ... |
| Xuất khẩu ngày 23-25/12: Cơ hội cho hàng Việt tại thị trường mới Peru; xuất khẩu tôm khởi sắc Xuất khẩu tôm đạt hơn 4 tỷ USD; cơ hội cho hàng Việt tại thị trường mới Peru... là những tin nổi bật trong bản ... |