Còn nhiều dư địa cho nông sản hữu cơ của Việt Nam. (Nguồn: VnEconomy) |
Xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam đạt trên 300 triệu USD/năm
Chia sẻ tại Diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến" ngày 28/9, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triên thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết sau 3 năm thực hiện Đề án Nông nghiệp hữu cơ, tính đến nay sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã đạt trên 174 ngàn ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63 ngàn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100 ngàn ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12 ngàn ha.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp nhận định: "Hiện nay, nông sản hữu cơ của Việt Nam đến được thị trường châu Âu nhiều nhất. Theo thống kê chính thức của EU, doanh số bán lẻ của nông sản ở thị trường EU đạt 45 tỷ Euro. Đức là thị trường lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ hai thế giới với 11,97 tỷ Euro doanh thu bán lẻ. Thị trường hữu cơ châu Âu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8,0%/năm".
Nói về cơ hội cho nông sản hữu cơ chế biến vào thị trường Australia, TS. Nguyễn Văn Kiền, Giảng viên Đại học quốc gia Australia, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH Mekong Organics thông tin, gạo là mặt hàng có cơ hội tốt nhất nhờ nhu cầu gạo hữu cơ vượt xa nguồn cung.
“Các sản phẩm trái cây, rau quả chế biến hưởng lợi thế quy định thuận lợi, trong khi các mặt hàng như hạt điều, macca vào thị trường này cần được xử lý cacbon dioxide. Các mặt hàng cá, tôm, các loại thảo mộc và gia vị khô như húng quế, quế... nếu đạt chứng nhận hữu cơ sẽ có triển vọng phát triển tốt tại thị trường này”, ông Kiền nhận định.
Theo TS. Kiền, thông qua mạng lưới đào tạo do Công ty TNHH Mekong Organics tổ chức trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy chứng nhận và thương mại nông sản phẩm hữu cơ Việt Nam-Australia”, cho thấy khá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thực hiện chứng nhận hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Gỡ vướng cho doanh nghiệp "vượt rào" kỹ thuật các thị trường FTA
Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp thực hành xuất khẩu bền vững vào các thị trường FTA, sáng 28/9 Trung tâm Hội nhập quốc tế phối hợp với Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) tổ chức Hội nghị “Phổ biến các tiêu chuẩn quy định về thực thi cam kết về các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch dịch động thực vật (SPS) trong Hiệp định EVFTA”.
Theo ông Huỳnh Minh Vũ - Phó giám đốc Trung Tâm hội nhập quốc tế, bên cạnh các kết quả đạt được, năm 2022, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP, UKVFTA) đang được thực thi, hàng rào thuế quan sẽ dần dỡ bỏ, các quốc gia nhập khẩu có xu hướng gia tăng sử dụng các rào cản phi thuế quan (NTM) như là công cụ hợp pháp để bảo vệ thị trường trong nước.
Trong đó, các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) thường được xem là những “rào cản” cho các quốc gia xuất khẩu.
Tin liên quan |
Một năm thực thi EVFTA: Điều cần thiết là đưa lời nói thành hành động |
Ông Trịnh Bá Cường, Tổng thư ký FFA cho biết, hiện nay việc các nước đặt ra các yêu cầu kỹ thuật, quy định về SPS, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) rất khắt khe. Đây chính là thách thức lớn đối với xuất khẩu Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến, nhất là các thị trường yêu cầu rất cao như thị trường EU.
Thực tế, thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có dư lượng hóa chất nông nghiệp vượt quá mức quy định đã bị Liên minh châu Âu (EU) thu hồi hoặc cảnh báo.
"Điều này đồng nghĩa với việc nếu không đáp ứng được những yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS), sản phẩm của chúng ta không thể đi được vào các thị trường đối tác hoặc nếu có thể đi vào thì sẽ bị ngăn chặn do không đạt tiêu chuẩn, thậm chí có thể bị trả lại, tiêu hủy, gây ra nhiều tổn thất cho doanh nghiệp lẫn hệ thống sản xuất trong nước", ông Cường thông tin.
Do đó, doanh nghiệp Việt cần hiểu rõ các yêu cầu và chỉ cần đáp ứng được thì sẽ mở ra cơ hội rất lớn trong xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang các thị trường này. Một khi đã xuất khẩu được vào EU-một thị trường có yêu cầu cao, tạo sự lan tỏa và dễ dàng xuất khẩu vào các thị trường khác.
Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp thực hành xuất khẩu bền vững vào các thị trường FTA, tại hội nghị ông Lê Thanh Hòa – Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) đã chia sẻ các các cam kết về SPS trong Hiệp định EVFTA; lưu ý cho doanh nghiệp ngành hàng nông thủy sản khi xuất khẩu vào thị trường EU; hướng dẫn doanh nghiệp theo dõi, cập nhật các thông báo, quy định SPS trong hoạt động xuất khẩu.
Bà Phan Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung Tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng đã cập nhật các tiêu chuẩn, quy định của thị trường EU với hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc thực vật; những lưu ý về an toàn thực phẩm với sản phẩm nhập khẩu…
Khối FDI xuất siêu hơn 23 tỉ USD, góp mặt trong toàn bộ nhóm hàng xuất khẩu lớn
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau 8 tháng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỉ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ giúp Việt Nam tăng cơ hội thu hút đầu tư mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
Bộ Công Thương cho biết, đáng chú ý, cùng thời gian trên, cả nước có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 63,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là lực đẩy chính dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành, khi đem về khoảng 215,39 tỉ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85,88% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Nhiều mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tới 2 con số, như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,6%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 30,6%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 49,3%; giày dép các loại tăng 5,6%...
Tuy vậy, theo đánh giá của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp FDI góp mặt trong toàn bộ các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó ưu thế gần như tuyệt đối ở 2 nhóm hàng lớn nhất là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Đơn cử, điện thoại và linh kiện chiếm đến 99,73%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 98,33%.
Ngoài ra, doanh nghiệp FDI cũng chiếm tỉ trọng cao hơn doanh nghiệp trong nước ở các nhóm hàng lớn khác là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…
Qua thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, với 250,8 tỉ USD thu về từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 8 tháng thì khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 66,14 tỉ USD (chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 184,66 tỉ USD chiếm tới 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, trong 8 tháng, khu vực kinh tế trong nước chi 85,58 tỉ USD để nhập khẩu hàng hóa, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 161,26 tỉ USD.
Việc khối FDI tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu cho thấy nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ giúp Việt Nam tăng cơ hội thu hút đầu tư mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đây được coi là động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng trong năm 2022 và những năm tới.
Trung Quốc lại khóa 1 cửa khẩu với Việt Nam
Theo thông báo từ phía Trung Quốc, cửa khẩu Bắc Phong Sinh-Lý Hỏa sẽ dừng hoạt động từ ngày 28/9 đến hết ngày 7/10/2022. Dự kiến, từ ngày 8/10, cặp cửa khẩu này sẽ mở cửa trở lại.
Trước đó, ngày 26/9, sau 7 tháng tạm dừng hoạt động, cặp cửa khẩu Bắc Phong Sinh-Lý Hỏa đã được thông quan trở lại. Trong 2 ngày thông quan 26 và 27/9, chỉ có 2 xe hàng tạp của doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu này.
Cửa khẩu Bắc Phong Sinh lại bị đóng vì lý do Covid -19. (Nguồn: VnEconomy) |
Cửa khẩu này đã phải tạm dừng hoạt động từ ngày 24/2/2022 do phía Trung Quốc triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, dịp này Trung Quốc bắt đầu bước vào những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 1/10 nên phía nước bạn siết chặt hơn thường lệ.
Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. 8 tháng năm 2022, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường của Việt Nam, dự báo cả năm 2022 chiếm 33,4%. Đây là tỷ trọng tăng lên và lớn hơn nhiều so với các thị trường lớn thứ 2 trở xuống (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Thái Lan,…).
Đáng chú ý, riêng 2 địa phương có biên giới tiếp giáp với Việt Nam là tỉnh Vân Nam (48,0 triệu người) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (48,8 triệu người) mang lại cơ hội trực tiếp cho Việt Nam khai thác thương mại qua biên giới.
14 mặt hàng đạt quy mô lớn nhập khẩu lớn từ Trung Quốc (trên 1 tỷ USD). Lớn nhất là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; vải; điện thoại và linh kiện; sắt thép; sản phẩm chất dẻo, hóa chất; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép; dây điện và dây cáp điện...
Trong các mặt hàng này, có những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu của Việt Nam như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, vải.
Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác thị trường Trung Quốc. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.
Bên cạnh đó, Việt Nam-Trung Quốc có đường biên giới trải dài tạo lợi thế về logistics và tập quán giao thương lâu đời. Đến nay, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc có 76 cửa khẩu, lối mở, gồm: 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 21 cửa khẩu phụ và 42 lối mở, điểm thông quan. Hệ thống này mang lại lợi thế lớn về logistics cho hoạt động thương mại Việt Nam-Trung Quốc.
| Khai mạc Tuần hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu tại UAE Tiếp nối các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế, Đại sứ quán Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ... |
| Việt Nam là nước ASEAN xuất khẩu sang Bắc Âu nhiều nhất; 7 doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường ... |
| Xuất khẩu bất ngờ “giảm tốc”, thâm hụt thương mại 845 triệu USD; mực, bạch tuộc "đắt hàng"; gạo, cá Việt vào châu Âu tăng ... |
| Bộ Ngoại giao lên tiếng về thông tin nâng giá gạo xuất khẩu Là nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng quy luật thị trường, các quy định của Tổ chức ... |
| Nửa đầu tháng 9, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt 526 tỷ USD Đến nửa đầu tháng 9, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đã vượt 526 tỷ USD; xuất siêu 4,64 tỷ USD. |