📞

Xuất khẩu ngày 27/2-1/3: Xuất khẩu hàng hóa sang Anh tăng 'khủng' nhờ UKVFTA, lô cà rốt đầu tiên của Hải Dương sắp sang Hàn Quốc

Gia Thành 08:13 | 01/03/2021
TGVN. Nhờ UKVFTA, xuất khẩu sang Anh bật tăng hơn 84%; lô cà rốt đầu tiên của Hải Dương sẽ sang Hàn Quốc ngày 4/3; xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa vượt mốc 300 triệu USD... là những tin đáng chú ý trong bản tin xuất khẩu ngày 27/2-1/3.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tháng 1/2021 đạt 598,07 triệu USD, tăng lần lượt 84,61% so với tháng 1/2020. (Nguồn: Vinanet)

Xuất khẩu sang Anh bật tăng hơn 84% nhờ UKVFTA

Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) vừa dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 657,35 triệu USD, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 598,07 triệu USD, tăng lần lượt 84,61% so với tháng 1/2020 và 56,51% so với tháng 12/2020. Đây là mức tăng trưởng thực sự ấn tượng trong bối cảnh xuất khẩu sang nhiều bạn hàng lớn gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Tín hiệu đầy lạc quan này càng có ý nghĩa khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa mới được áp dụng kể từ ngày 1/1/2021, hứa hẹn tiếp tục tạo ra động lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại trong thời gian tới.

Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản vẫn giữ vững mức tăng ổn định và tích cực trong tháng 1/2021.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 19,72 triệu USD, tăng 18,1%; mặt hàng rau quả đạt 1,04 triệu USD, tăng 148,6%, so với cùng kỳ năm 2020.

"Đây đều là những ngành hàng có nhiều cơ hội nâng cao giá trị xuất khẩu, tỷ trọng trong cơ cấu thị trường thông qua nhiều ưu đãi về thuế quan trong Hiệp định UKVFTA", đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho hay.

Tín hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản tháng 1/2021

Theo thống kê hải quan, tháng 1/2021 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 606 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mức tăng trưởng 23,4% được coi là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó thể hiện ở mức tăng xuất khẩu cá tra (+21,7%), cá biển khác (+46%), tôm chân trắng (32,5%), nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng 43%.

Đối với các thị trường xuất khẩu, kết quả trong tháng 1 cũng có tín hiệu tích cực với Mỹ (+25,6%), Nga (+72%), Đài Loan (+60%). Đặc biệt, XK sang các nước trong khối hiệp định CPTPP tăng 34%, trong đó sang Australia tăng 105%, Nhật Bản tăng 25%, Mexico tăng 68%.

Xuất khẩu sang các thị trường khác trong tháng 1/2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, nhưng mức tăng trưởng không được coi là tích cực vì năm trước tết Nguyên đán rơi vào tháng 1.

Điểm đáng chú ý trong tháng đầu năm, một số sản phẩm có tăng trưởng vượt trội như cá tra phile đông lạnh tăng 53% và là mã sản phẩm đứng đầu về giá trị xuất khẩu chiếm 17% tổng giá trị XK thủy sản. Tiếp đến là tôm chân trắng chế biến tăng 47% và chiếm 9% giá trị xuất khẩu.

Cùng với đó, tôm chân trắng tươi/đông lạnh bỏ đầu, block, PTO, PDTO, tăng 39% và chiếm 7,4%, chả cá, surimi, tăng 58% và chiếm 6,8%; tôm chân trắng lột vỏ, bỏ đầu PD tươi/đông lạnh, tăng 56% và chiếm 5,2%.

Nhiều sản phẩm khác cũng có mức tăng trưởng cao (41-84%), như: bạch tuộc đông lạnh (cắt/nguyên con); cá phile/cắt khúc đông lạnh (cá thu, cá đổng, cá cờ, cá kiếm, cá chẽm, cá saba, cá dũa…); cá chế biến, cá khô tẩm gia vị, cá tẩm bột...; mực ống, mực nang đông lạnh...

Dự kiến, lô cà rốt đầu tiên của Hải Dương sẽ sang Hàn Quốc ngày 4/3

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, ngày 27/2, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã liên hệ đặt mua cà rốt Hải Dương để chuẩn bị xuất khẩu đi Hàn Quốc.

Đây là một tín hiệu vui cho nông dân Hải Dương sau nhiều ngày lo lắng vì tiêu thụ cà rốt bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hai ngày nay, Công ty cổ phần nông sản xuất khẩu Tân Hương, trụ sở tại huyện Cẩm Giàng, liên tiếp nhận được nhiều đơn đặt hàng mua cà rốt để xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc công ty, cho biết, thị trường cà rốt đang sôi động trở lại. Giá cà rốt có chiều hướng tăng lên khoảng 10% so với trước Tết.

"Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhân lực của doanh nghiệp đang chỉ có khoảng 30% so với thời điểm bình thường nên chúng tôi chỉ thu mua cầm chừng, không dám nhận thêm đơn hàng của khách.”Hiện doanh nghiệp chỉ nhận sơ chế và đóng gói khoảng 700 tấn cà rốt để kịp giao cho khách vận chuyển xuất khẩu đi Hàn Quốc", ông Nguyễn Đức Điển nhấn mạnh.

Tương tự, những ngày qua, mặc dù có nhu cầu thu gom số lượng lớn nhưng Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cũng chỉ mới đặt mua được gần 220 tấn cà rốt của Cẩm Giàng.

Dự kiến ngày 4/3, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu những tấn cà rốt đầu tiên của năm 2021 sang Hàn Quốc.

Xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa vượt mốc 300 triệu USD

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), tháng 12/2020, hoạt động xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa duy trì đà tăng mạnh (65,1%) nhờ kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường lớn, nhất là thị trường Iraq tăng trưởng mạnh (79,2%).

Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sữa của Việt Nam đạt 302,7 triệu USD, tăng 10,5% so với năm 2019. Như vậy, đây là lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam vượt mốc 300 triệu USD.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng sản lượng sữa năm 2020 vẫn tăng trưởng tốt. Trong đó, sản lượng sữa tươi ước đạt 1.702,4 triệu lít, tăng 1% so với năm 2019. Sản lượng sữa bột ước đạt 131,6 nghìn tấn, tăng 9,1% so với năm trước.

Trong năm 2020, ngành sữa đạt tổng doanh thu 113.715 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2019 nhờ nguồn cung nguyên liệu sữa trong nước dồi dào, nhu cầu tiêu thụ sữa có xu hướng tăng, các doanh nghiệp sữa duy trì được hệ thống phân phối truyền thống và kịp thời thúc đẩy mạnh phân phối qua các kênh hiện đại.

Dự báo năm 2021, ngành sữa trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ tiêu thụ sữa gia tăng khi nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao được dự báo sẽ tăng mạnh do dân số trẻ và số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ở các đô thị tăng.

Xuất khẩu rau quả trong quý I/2021 vẫn nhiều khó khăn

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 1/2021 tăng trưởng trở lại, sau khi giảm liên tiếp kể từ tháng 9/2020.

Theo thông lệ hàng năm, thời điểm trước Tết Nguyên đán Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu hàng rau quả để phục vụ nhu cầu tiêu thụ tăng cao tại thị trường nội địa. Vì vậy, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc trong tháng 1/2021 đạt 182,92 triệu USD, tăng 24,4% so với tháng 12/2020, tăng 5,4% so với tháng 01/2020.

Tháng 1/2021 cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam có sự dịch chuyển rõ nét, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm xuống còn 59,1%, từ mức 61,7% trong tháng 01/2020. Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường như Thái Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, thị trường Đài Loan… tăng.

Triển vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn gặp nhiều khó khăn, mặc dù xuất khẩu trong tháng 1/2021 tăng trưởng khá. Trong tháng 2/2021, dịp nghỉ lễ Tết nguyên Đán kéo dài làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng rau quả. Làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam cũng ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu mặt hàng này.

Diễn biến dịch Covid-19 khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam, đặc biệt là khó khăn về việc thay đổi thị hiếu do thay đổi thói quen và thủ tục nhập khẩu siết chặt do dịch bệnh. Doanh nghiệp cần tăng cường giám sát chất lượng hàng hoá, tránh vi phạm quy định của các nước về tiêu chuẩn, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm để quá trình thông quan không bị ảnh hưởng.

(tổng hợp)