Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: CafeF) |
Xuất khẩu “tăng tốc”, cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong tháng 6/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,02 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
Cụ thể, về xuất khẩu, trong tháng 6/2022 ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước. Tính chung quý 2/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,7% so với quý 1/2022.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 49,26 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm 73,5%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,7%, giảm 0,2 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,8%, giảm 0,6 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3,1%, tăng 0,5 điểm phần trăm.
Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước đạt 32,37 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Tính chung quý II/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 97,6 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,3% so với quý 1/2022.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,23 tỷ USD, tăng 15,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 120 tỷ USD, tăng 15,6%.
Trong 6 tháng năm 2022 có 30 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44%, giảm 0,9 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 50%, tăng 1,1 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%, giảm 0,2 điểm phần trăm.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 61,3 tỷ USD.
Trong 6 tháng năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 35 tỷ USD, tăng 21,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 21,1 tỷ USD, tăng 39,5%; nhập siêu từ ASEAN 6,5 tỷ USD, giảm 10,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 463 triệu USD, giảm 39,9%.
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng Sáu ước tính xuất siêu 276 triệu USD. Tính chung 6 tháng năm 2022, xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,97 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,68 tỷ USD.
Oxford Economics: Việt Nam sẽ thành cứ điểm xuất khẩu nhờ "cú bứt tốc ngoạn mục"
Theo Oxford Economics, một trong những công ty tư vấn toàn cầu độc lập hàng đầu thế giới, việc Việt Nam chuyển đổi thành một trung tâm sản xuất toàn cầu trong thập kỷ qua đã giúp Việt Nam vượt trội hơn hầu hết các nền kinh tế vào năm 2020 và tăng cường hơn nữa thị phần xuất khẩu hàng điện tử và sản xuất toàn cầu.
Được hỗ trợ bởi nguồn vốn FDI mạnh mẽ, theo ước tính, Việt Nam sẽ chiếm khoảng 4% tổng lượng xuất khẩu hàng điện tử toàn cầu vào năm 2025. Con số này có thể còn cao hơn nếu các vấn đề liên quan tới hậu cần ở Việt Nam được cải thiện nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng hơn.
Thành tích xuất khẩu gần đây của Việt Nam cũng nhờ vào một số yếu tố mang tính thời điểm. Đặc biệt, việc ngăn chặn Covid-19 thành công đã giúp lĩnh vực sản xuất bình thường hóa nhanh hơn hầu hết các nước khác trong khu vực.
Như vậy, Việt Nam đã có thể tận dụng tối đa sự bùng nổ nhu cầu về máy tính, thiết bị điện tử và đồ nội thất liên quan đến làm việc tại nhà trên toàn cầu. Những điều kiện thuận lợi này có thể sẽ biến mất trong năm nay do việc nới lỏng các hạn chế chống dịch sẽ cho phép sản xuất ở các nước khác trở về bình thường.
Nghiên cứu tin rằng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tốt hơn hầu hết các nước khác trong khu vực trong năm nay và hơn thế nữa. Cụ thể, các tác giả kỳ vọng lĩnh vực sản xuất xuất khẩu của Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của thương mại thế giới trong năm nay.
Trên thực tế, Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu trong trung hạn, nhờ động lực lao động hấp dẫn, vị trí gần Trung Quốc và các chính sách thương mại và FDI thuận lợi. Do đó, ước tính tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa điện tử toàn cầu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, chiếm khoảng 4% xuất khẩu điện tử toàn cầu vào năm 2025.
Oxford Economic cho rằng, thị phần này có thể cao hơn nữa, nhưng có một yếu tố sẽ hạn chế xu hướng tăng trong thị phần xuất khẩu hàng điện tử toàn cầu của Việt Nam, ít nhất là trong vài năm tới: đó là các nút thắt nguồn cung xung quanh các cảng trọng điểm phục vụ các cụm công nghiệp. Các dự án để giảm bớt vấn đề này sẽ cần đến các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng ngay cả khi nguồn vốn được bảo đảm, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ mất nhiều thời gian.
Bất chấp Zero Covid, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc tăng 29 lần
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hết 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 771 triệu USD, tăng đột phá 91% so với cùng kỳ năm 2021. Hai sản phẩm chiếm tỉ trọng chi phối là cá tra (chiếm 48%) và tôm (chiếm 35%).
Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm đột phá với mức tăng gấp gần 29 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 108 triệu USD, cao gần bằng kim ngạch tôm chân trắng (119 triệu USD, tăng 61%).
Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm đột phá với mức tăng gấp gần 29 lần so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: VASEP) |
Tương tự, hết 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra tăng 124%, đạt 371 triệu USD. Trong đó, sản phẩm cá tra philê, cắt khúc đạt 297 triệu USD, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cá tra nguyên con tươi, đông lạnh tăng 58%, đạt gần 74 triệu USD.
Đạt được con số tăng trưởng này là do nhiều nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa, sản xuất đình trệ nên thiếu hụt nguồn cung thủy sản cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu.
Vì thế nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc gia tăng, thu hút rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang. Doanh nghiệp đã vượt qua những khó khăn như: nhiều cảng bị đóng cửa, khắt khe trong kiểm tra Covid-19 trên hàng đông lạnh.
Vì là loại thủy sản phổ biến và nguồn cung tôm từ Trung Quốc giảm trong 3 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên về dài hạn, thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Gạo Việt Nam "được giá"
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sau khi bị giảm giá mạnh tới 25 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, giảm 22 USD/tấn đối với gạo 25% tấm và giảm 10 USD/tấn đối với gạo 100% tấm, ngày 29.6.2022, giá gạo xuất khẩu của Pakistan đã xuống dưới 400 USD/tấn, chào bán với giá 398 USD/tấn, 384 USD/tấn và 378 USD/tấn (tính lần lượt gạo 5% tấm, 25% tấm và 100% tấm).
Sau 2 đợt điều chỉnh giảm, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng nhẹ trở lại từ 1-2 USD/tấn, trong đó, gạo 5% tấm và 25% tấm cùng tăng 2 USD/tấn, xuất khẩu với giá 409 USD/tấn (gạo 5% tấm và 403 USD/tấn (gạo 25% tấm). Gạo 100% tấm tăng 1 USD, bán ra với giá 394 USD/tấn.
Gạo Ấn Độ cũng ít bị điều chỉnh, tuy nhiên, quốc gia này chủ yếu xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp hoặc trung bình nên giá gạo không thể bứt phá. Hiện Ấn Độ đang xuất khẩu gạo với giá 343 USD/tấn (gạo 5% tấm), 328 USD/tấn (gạo 25% tấm) và 323 USD/tấn (gạo 100% tấm).
Như vậy, hiện tại giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu trong nhóm 4 quốc gia xuất khẩu gạo truyền thống, gồm: Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Trong thời gian qua giá gạo xuất khẩu của các nước trồi sụt thất thường thì giá gạo của Việt Nam ổn định và đang dẫn đầu trong 4 nước xuất khẩu gạo truyền thống.
Ngày 29/6/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 418 USD/tấn, gạo 25% tấm chào bán với giá 403 USD/tấn và gạo 100% tấm xuất khẩu với giá 383 USD/tấn.
Nhờ xuất khẩu ổn định, hiện tại giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan 8 USD/tấn; cao hơn gạo Pakistan 20 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 75 USD/tấn.