Hội nghị trực tuyến "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022". (Ảnh: Tâm An) |
Xúc tiến đưa vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ
Ngày 29/3, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022".
Hội nghị được tổ chức tại điểm cầu chính tại tỉnh Bắc Giang, 4 điểm cầu tại Đại sứ quán, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ và nhiều điểm cầu tại các doanh nghiệp, trung tâm thương mại trong nước, quốc tế…
Phát biểu Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, vải thiều Bắc Giang hiện đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, đang được bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia); được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ...
Tin liên quan |
Có ‘ngọn hải đăng’ EVFTA chỉ đường, vải thiều Việt ùn ùn vào EU |
Về thị trường tiêu thụ, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, Bắc Giang coi trọng cả thị trường trong và ngoài nước. Đối với thị trường Hoa Kỳ, tỉnh xác định đây là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn song cũng là thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
Để tháo gỡ những khó khăn này, ông mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam quan tâm hỗ trợ, giới thiệu, kết nối các doanh nhân Hoa Kỳ với các doanh nhân Việt Nam có chung hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản tìm hiểu, trao đổi, hợp tác, thu mua, nhập khẩu trái vải tươi cũng như các sản phẩm chế biến từ trái vải thiều và các nông sản có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Bà Hoàng Thị Thanh Nga, Tham tán công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, việc vải thiều sang được thị trường Hoa Kỳ không chỉ mang đến nguồn lợi kinh tế cho người nông dân mà giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ thưởng thức được sản phẩm đặc trưng của Việt Nam. Để rộng đường xuất khẩu, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa về thông tin cũng như kết nối, quảng bá tiềm năng, lợi thế của Bắc Giang đến các đối tác, địa phương tại Hoa Kỳ.
Bà Jolie Nguyễn, đại diện Công ty dịch vụ Lương Nguyễn cho biết: Để vào thị trường Hoa Kỳ sản phẩm cần có mã định danh FDA; tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, phụ gia, các chỉ tiêu kiểm định mẫu; tuân thủ yêu cầu kiểm định, chứng nhận bên thứ 3 (SGS…). Vì vậy, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thật đầy đủ, nhất là thị trường, định vị mình và đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường.
Ngoài ra, để bảo quản trái cây, doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình khu vực sơ chế tập trung và cần phải được bảo quản lạnh ngay từ đầu để giữ được giá trị, chất lượng của sản phẩm ngay từ đầu và suốt quá trình vận chuyển.
Theo đại diện Hội doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ, để thực hiện việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ, cần chung sức, chung lòng của chính quyền, doanh nghiệp và các công ty vận tải, hãng hàng không…
Nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ấn Độ
Chiều 31/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tổ chức Hội thảo “Kết nối kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ” lần thứ 2 với chủ đề: Cập nhật về thị trường xuất nhập khẩu hôm nay.
Theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam hiện nay, đối với Ấn Độ, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 18 trên toàn cầu và là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN, sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Đối với Việt Nam, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7, nguồn nhập khẩu lớn thứ 7 và thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trên toàn cầu.
Năm 2021, mặc cho tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ lần đầu tiên vượt mức 13 tỷ USD, đạt 13,2 tỷ USD (tăng 37% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 6,2 tỷ USD (tăng 20% so với cùng kỳ năm trước) và giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt gần 7 tỷ USD (tăng 57% so với cùng kỳ năm trước).
Riêng trong tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đã đạt trên 1,38 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt trên 713 triệu USD và giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt trên 674 triệu USD.
Nhận định về cơ hôi giao thương giữa Việt Nam và Ấn Độ, bà Sai Sudha Chandrasekaran, Trợ lý cấp cao kiêm Phó chủ tịch, Invest India, cho rằng, hệ thống một cửa quốc gia Ấn Độ, cũng như nền tảng kỹ thuật số tạo điều kiện áp dụng cho hơn 500 dịch vụ và phê duyệt quy định trên 32 Bộ / Ban ngành của Chính phủ Trung ương, 14 Quốc gia / UTs.
Về nền tảng kỹ thuật số hiện Ấn Độ đã tập hợp 16 Bộ lại với nhau để lập kế hoạch tổng hợp và phối hợp thực hiện các dự án kết nối cơ sở hạ tầng; Giảm thuế suất thuế doanh nghiệp xuống 15%, trở thành một trong những mức thuế cạnh tranh nhất trên thế giới; Hạn chế đấu thầu toàn cầu cho các giao dịch mua dưới INR 200 Cr trừ khi có phê duyệt cụ thể; Cung cấp ưu đãi mua hàng cho các nhà cung cấp cung cấp các mặt hàng có giá trị gia tăng trong nước tối thiểu 50%; Hạn chế tham gia vào quá trình đấu thầu của các nhà cung cấp cung cấp dưới 20% giá trị gia tăng trong nước.
Về hệ sinh thái khởi nghiệp, hiện Ấn Độ lớn thứ ba thế giới với 89 kỳ lân. Startup được công nhận được miễn thuế trong 3 năm; Tự chứng nhận theo 9 luật lao động và 3 môi trường; Sự nới lỏng trong mua sắm công; Hỗ trợ cho IPR...
Xuất khẩu thủy sản quý I tăng đột biến
Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 920 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong quý I đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với ngành hàng cá tra, quý đầu năm nay đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản.
Tin liên quan |
Xuất khẩu thủy sản - Điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt Nam-Australia |
Với tôm, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt trên 900 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ và chiếm 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản.
Ngoài tôm và cá tra, theo VASEP, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hải sản quý I đạt 878 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, cá ngừ đạt 234 triệu USD, tăng 55%; mực, bạch tuộc đạt 156 triệu USD, tăng 35%; nhuyễn thể và cua ghẹ lần lượt đạt 30 và 54 triệu USD, tăng lần lượt 23% và 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP dự báo, trong tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan với kim ngạch đạt khoảng trên 930 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ.
Thủy sản hiện chiếm 18% trong tổng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Mỹ đang dẫn đầu về nhập khẩu thủy sản Việt Nam với 23% thị phần năm 2021.
Hoàn thiện hồ sơ bưởi xuất khẩu vào Hoa Kỳ trước ngày 10/5
Cục Bảo vệ thực vật vừa có văn bản xin ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân góp ý cho chương trình xuất khẩu quả bưởi sang thị trường Hoa Kỳ.
Theo đó, sau nhiều vòng đàm phán và trao đổi về kỹ thuật, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) đã hoàn thành bản dự thảo “Chương trình xuất khẩu (Export Plan) về Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả bưởi xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ”.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu bưởi của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong thời gian tới, Cục BVTV đã đưa ra một số yêu cầu.
Trước tiên, các địa phương, hiệp hội, các tổ chức và cá nhân sản xuất, xuất khẩu quả bưởi sang Hoa Kỳ nghiên cứu kỹ và đóng góp ý kiến với dự thảo này. Các ý kiến đóng góp xin gửi về Cục BVTV (Phòng Hợp tác quốc tế & Truyền thông, điện thoại: 024.3857.0754; email: htqt.bvtv@mard.gov.vn) trước ngày 10/04/2022.
Sau đó, Sở NN- PTNT các tỉnh chỉ đạo các Chi cục Trồng trọt & BVTV rà soát các vùng trồng bưởi, đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan có nhu cầu xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ hoàn thiện hồ sơ đăng ký và gửi về Cục BVTV trước ngày 10/5/2022.
Văn bản của Cục BVTV thông tin thêm, quá thời gian trên, đơn vị được xin ý kiến không trả lời thì được coi như đồng ý với dự thảo Chương trình xuất khẩu.
Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu, nguồn cung phân bón có bị ảnh hưởng?
Theo Cục BVTV, thị trường phân bón thế giới vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, nay lại càng nặng nề hơn do căng thẳng Nga-Ukraine tác động mạnh đến thị trường phân bón thế giới về suy giảm nguồn cung và tăng giá.
Nguồn cung phân bón của Việt Nam bị ảnh hưởng khi Nga và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. (Nguồn: VnEconomy) |
Hai tháng đầu năm nay, Trung Quốc và Nga là hai nhà cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam, chiếm tổng cộng 50% tổng khối lượng phân bón nhập khẩu vào nước ta. Trong đó Trung Quốc chiếm 38% tỷ trọng và Nga chiếm 12% tỷ trọng.
Mặc dù vậy, các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc từ cuối năm ngoái và nguồn cung gián đoạn từ Nga sau khi xung đột với Ukraine nổ ra đang đặt ra thách thức lớn đối với ngành phân bón Việt Nam.
Trước những biến động nguồn cung và giá phân bón trên thị trường thế giới, Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị Bộ NN&PTNT đánh giá tình hình xuất khẩu, nhập khẩu phân bón để có các biện pháp ứng phó linh hoạt đối với một số mặt hàng phân bón chủ chốt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus, đặc biệt là phân Kali.
Cục cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, sớm bãi bỏ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón DAP, MAP nhập khẩu phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát thị trường phân bón, xử lý cá nhân, doanh nghiệp có hành vi đầu cơ tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
| Đổi thay nơi miền núi Lục Ngạn sau những lần 'đưa vải xuất ngoại' Với hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định, nhiều năm nay, vải thiều trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Giang, ... |
| Báo Đức: Việt Nam đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng xoài xuất khẩu Ngày 29/3, trang tin chuyên về rau quả của Đức fruchtportal.de đưa tin, Việt Nam có kế hoạch tăng gấp đôi lượng xoài xuất khẩu ... |