Nguồn cung lương thực khan hiếm, tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. (Nguồn: Báo Lao động) |
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất thế giới do đâu?
Trong khi giá gạo Thái Lan liên tục hạ nhiệt thì gạo cùng loại của Việt Nam vẫn duy trì ổn định ở mức cao. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần này, giá gạo của Thái Lan đã tụt xuống khỏi ngưỡng 400 USD/tấn đối với cả 3 loại gạo 5%, 25% và 100% tấm. Trong khi đó, giá gạo của Việt Nam ổn định và đang ở mức cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay.
Cụ thể, ngày 28/7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang giao dịch ở mức 413 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 15 USD/tấn, hơn gạo Ấn Độ 70 USD/tấn, hơn gạo Pakistan 45 USD/tấn. Còn với gạo 25% tấm, gạo của Việt Nam ở mức 393 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại Thái Lan 4 USD/tấn, hơn gạo cùng loại Ấn Độ 65 USD/tấn và hơn gạo Pakistan 43 USD/tấn.
Với gạo 100% tấm, gạo của Việt Nam ở mức 383 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan lần lượt 11 USD/tấn, 55 USD/tấn và 35 USD/tấn.
Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho rằng, do ảnh hưởng xung đột giữa Nga-Ukraine nên thị trường lương thực thế giới đang biến động mạnh. Nguồn cung lương thực khan hiếm, tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, những năm gần đây, Việt Nam đã đổi mới cơ cấu giống lúa và tăng gạo dẻo, gạo thơm, gạo đặc sản như dòng lúa OM490, OM 6979, hạn chế sản xuất gạo tấm. Các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác ngày càng nhiều đã giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở nhiều thị trường “khó tính”.
Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước xuất khẩu truyền thống, nhưng người tiêu dùng thế giới vẫn chọn ký hợp đồng nhập khẩu gạo Việt.
Vài năm trở lại đây, dòng gạo thơm, gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25, Jasmine… đã đi được vào một số thị trường lớn như EU, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn, đặc biệt là tại các thị trường truyền thống như Đức, Italy, Ba Lan… Nhờ vậy, gạo Việt Nam có sức hút trên thị trường và có được giá tốt.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2022 khởi sắc
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2022 (ước đạt 30,32 tỉ USD) giảm 7,7% so với tháng trước nhưng đã tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỉ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,7%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7.2022 ước đạt 30,3 tỉ USD, giảm 6% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỉ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm nhiều nhất với 94%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sản xuất đang hồi phục và ổn định.
Đối với thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67,1 tỉ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 72,6 tỉ USD.
Với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa như vậy, trong khi cùng kỳ năm trước, cả nước phải nhập siêu tới 3,31 tỉ USD, thì 7 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa cả nước đã ước tính xuất siêu 764 triệu USD.
Để thương vụ tiếp sức cho doanh nghiệp xuất khẩu
Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan là sáng kiến vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại chủ trì tổ chức.
Ngay khi chủ trương này được đưa ra đã nhận được sự hưởng ứng và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng.
Theo đó, trong lĩnh vực nông sản, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định đây là hoạt động rất tốt. Việc các Thương vụ giao ban hàng tháng rất thiết thực, qua đó sẽ tháo gỡ được rất nhiều những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Chẳng hạn với ngành rau quả, hiện nay thông tin thị trường từ Thương vụ còn chưa nhiều và cũng chưa có cập nhật cụ thể nhu cầu, rào cản hay thuận lợi ở từng quốc gia. Do đó, thông qua Thương vụ chúng tôi muốn nhất là nắm rõ thị hiếu, tiêu chuẩn chất lượng của từng thị trường; đồng thời với những cuộc giao ban này Thương vụ cũng sẽ nắm được thông tin chuẩn xác hơn, sớm hơn từ chính các doanh nghiệp, để từ đó Bộ Công Thương đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Hoạt động giao ban Thương vụ diễn ra hàng tháng là rất tốt đối với ngành gỗ nói riêng và các ngành hàng xuất khẩu khác nói chung. (Nguồn: Cafe F) |
Trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) - nhận xét: Hoạt động giao ban Thương vụ diễn ra hàng tháng là rất tốt đối với ngành gỗ nói riêng và các ngành hàng xuất khẩu khác nói chung. Thông qua các buổi họp này, những thông tin về thị trường, về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá... sẽ được mang ra thảo luận - là một nguồn cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.
“Tuy vậy, tôi cho rằng nếu được thì những cuộc họp giao ban này nên mời thêm các Hiệp hội tham gia. Để từ đó các Hiệp hội nắm thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất những vấn đề mà doanh nghiệp của từng Hiệp hội quan tâm”- ông Phương đề xuất.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang chịu nhiều tác động của xung đột chính trị, biến động nguồn cung nguyên liệu và đứt gãy chuỗi cung ứng như hiện nay, việc Bộ Công Thương kịp thời chỉ đạo các đơn vị liên quan, cụ thể là Thương vụ vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp là rất tích cực.
Thông qua đó, các hiệp hội ngành hàng sẽ chủ động xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu và năng lực tham gia của doanh nghiệp; từ đó khai thác, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường để củng cố, phát triển sản xuất và đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu.
Năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam ước đạt hơn 75 nghìn tỷ đồng
Đây là thông tin trong báo cáo về xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam do Amazon vừa công bố.
Dự kiến trong năm 2022 và những năm sau, xuất khẩu qua thương mại điện tử tiếp tục tăng cao. Một điểm đáng chú ý nữa là 64% doanh số trong 75 nghìn tỷ đồng lại là từ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Chị Trương Cẩm Xuyến, Quản lý Phòng Xuất khẩu Công ty TNHH Tanisa, cho biết: "Để đưa sản phẩm của chúng tôi lên trang thương mại điện tử Amazon và Alibaba thì sản phẩm chúng tôi phải đạt được chất lượng xuất khẩu và nhà máy chúng tôi phải đạt được ISO và FDA tiêu chuẩn của Mỹ".
Nhiều doanh nghiệp cũng đã tiếp cận với các trang thương mại điện tử quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu bởi ngoài việc bán lẻ cho người tiêu dùng các nước thông qua trang thương mại Amazon, các doanh nghiệp còn có cơ hội ký kết các hợp đồng lớn với các nhà phân phối lớn qua trang thương mại điện tử Alibaba.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Kinh doanh Công ty SXTM Xuất nhập khẩu Cà phê Napoli, nói: "Đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử quốc tế giúp cho doanh thu của doanh nghiệp tăng lên 30% so với cùng kỳ năm ngoái".
Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, hàng hóa của các doanh nghiệp đã có mặt ở các sàn thương mại điện tư Amazon. JD.com, Alibaba, Shopee Global… chủ yếu là nông sản thành phẩm, thủ công mỹ nghệ, nội thất, gia dụng…. Đây là những sản phẩm do các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tạo ra.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), cho biết: "Cũng nhờ những doanh nghiệp thương mại cho nên nhanh chóng thúc đẩy các sản phẩm chưa đạt được tiêu chuẩn nâng tầm lên để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trực tuyến".
Theo các chuyên gia, việc tận dụng được các thị trường thương mại điện tử, đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được tiếp cận thị trường rộng lớn với sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường, đồng thời len vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo các truyền thống.