📞

Xuất khẩu ngày 5-8/1: 160 tấn tôm đầu tiên ‘xuất ngoại’ năm 2021; lần đầu tiên Việt Nam mua gạo Ấn Độ; người Nga thích hạt tiêu Việt

Hoàng Nam 07:55 | 08/01/2021
TGVN. Xuất khẩu lô tôm đầu tiên của năm 2021, Việt Nam mua gạo của Ấn Độ do giá gạo nội địa tăng cao, Nga tăng nhập khẩu hạt tiêu Việt… là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 5-8/1.
Tin xuất khẩu ngày 5-8/1: Năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam ước đạt 288 nghìn tấn, trị giá 665 triệu USD, tăng 1,2% về lượng so với năm 2019. (Nguồn: Cooky)

Xuất khẩu lô tôm đầu tiên năm 2021

Lễ xuất khẩu lô tôm đầu tiên năm 2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang tổ chức sáng 5/1. Lô hàng gồm 160 tấn tôm đông lạnh được xuất sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Trong năm qua, dịch bệnh Covid-19; hạn mặn khốc liệt cùng với các hiện tượng bão, lũ liên tiếp đã gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Vượt qua khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng sản xuất thủy sản năm 2020 vẫn tiếp tục duy trì.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,05% so với năm 2019, tổng sản lượng đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8%; riêng tổng sản lượng tôm nuôi đạt 900.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,4 tỷ USD.

Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cũng đã đóng góp nhiều kết quả quan trọng cho kết quả chung của ngành với tổng sản lượng tôm chế biến xuất khẩu đạt 55.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 580 triệu USD.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác để mở rộng thị trường xuất khẩu tôm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, năm 2021, các cơ quan, đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người nuôi tôm thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp; tăng cường sự hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực đã tạo nhiều kỳ vọng cho tôm Việt Nam xuất sang thị trường này nhiều hơn khi thuế giảm mạnh. Do đó, việc xuất khẩu lô hàng tôm đầu tiên năm 2021 là tín hiệu vui, mở đầu thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản nói chung và sản phẩm tôm nói riêng.

Nga tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam

Năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 288 nghìn tấn, trị giá 665 triệu USD, tăng 1,2% về lượng, nhưng giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nga chiếm 74,7% trong 10 tháng năm 2020, cao hơn so với 68,56% thị phần trong 10 tháng năm 2019.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, theo ước tính, xuất khẩu hạt tiêu tháng 12/2020 đạt 23 nghìn tấn, trị giá 62 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 2,5% về trị giá so với tháng 11/2020, so với tháng 12/2019 tăng 38% về lượng và tăng 54,4% về trị giá. Năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 288 nghìn tấn, trị giá 665 triệu USD, tăng 1,2% về lượng, nhưng giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tháng 12/2020 ước đạt mức 2.696 USD/tấn, tăng 2,2% so với tháng 11/2020 và tăng 11,9% so với tháng 12/2019. Năm 2020, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu ước đạt mức 2.313 USD/tấn, giảm 7,9% so với năm 2019.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 218,8 nghìn tấn, trị giá 460,38 triệu USD, tăng 3,3% về lượng, nhưng giảm 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu đen sang nhiều thị trường chính tăng, như: Trung Quốc, Mỹ, Anh, Ai Cập,…; ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu đen sang thị trường Ấn Độ, Đức, Iran, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ giảm.

Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nga cho hay, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 10 tháng năm 2020 đạt 8,14 nghìn tấn, trị giá 19,66 triệu USD, giảm 1,0% về lượng và giảm 5,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Nga trong 10 tháng năm 2020 đạt mức 2.415 USD/tấn, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Nga giảm từ nhiều thị trường cung cấp chính, nhưng tăng từ Việt Nam, Brazil, Ba Lan, Đức.

Cụ thể, nhập khẩu hạt tiêu của Nga từ Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 đạt 6,1 nghìn tấn, trị giá 15,54 triệu USD, tăng 7,9% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nga chiếm 74,7% trong 10 tháng năm 2020, cao hơn so với 68,56% thị phần trong 10 tháng năm 2019.

Xuất khẩu lâm sản là cứu tinh của ngành nông nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tổng cục Lâm nghiệp, chiều 6/1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng kim ngạch xuất khẩu lâm sản đã vượt kế hoạch, đạt 13,17 tỷ USD, và là cứu tinh trong nhiệm vụ xuất khẩu của cả ngành nông nghiệp trong năm 2020..

Theo ông Cường, năm 2020 ngành lâm nghiệp phải đối mặt với đại dịch Covid-19, đặc biệt là quý I và quý II khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy. Bên cạnh đó là tác động của biến đổi khí hậu, sự dị thường của thời tiết suốt từ đầu năm đến cuối năm. Cạnh tranh thương mại toàn cầu khiến xuất khẩu gỗ và đồ gỗ phải cạnh tranh với 2 nước có thị phần lớn nhất là Hàn Quốc và Mỹ.

"Bằng sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống ngành, lâm nghiệp đã có được kết quả trên 8 nhóm công tác như trồng 230.000 ha rừng, tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%, kim ngạch xuất khẩu không những duy trì mà vượt kế hoạch đạt 13,17 tỉ USD, đây là cứu tinh trong nhiệm vụ xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2020", ông Cường nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng chỉ ra những tồn tại, nút thắt để ngành lâm nghiệp giải quyết trong thời gian như tỉ lệ che phủ rừng ở 3 khu vực trọng điểm là Tây Bắc, Tây Nguyên và rừng ven biển chưa yên tâm.

"Sớm hoàn thành chương trình phát triển rừng giai đoạn 2021-2025 để tổ chức triển khai trong 5 năm tới. Đề án 1 tỷ cây xanh mà Thủ tướng phát động cần làm nhanh, khẩn trương lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để triển khai", ông Cường yêu cầu.

Năm 2021, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu duy trì ổn định tỉ lệ che phủ rừng 42% và nâng cao chất lượng rừng, giảm tối thiểu 10% số vụ vi phạm, 20% diện tích rừng bị thiệt hại.

Tổng sản lượng khai thác gỗ khoảng 32 triệu m³ và giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 14 tỷ USD. Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 2.800 tỷ đồng.

Lần đầu tiên Việt Nam mua gạo của Ấn Độ

Ngày 4/1, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết, lần đầu tiên, quốc gia này xuất khẩu gạo sang Việt Nam. Như vậy, Việt Nam, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, đã bắt đầu nhập khẩu ngũ cốc từ đối thủ Ấn Độ sau nhiều thập kỷ khi giá nội địa tăng cao nhất trong 9 năm do nguồn cung trong nước hạn chế.

Việc mua bán này nhấn mạnh nguồn cung ở châu Á bị thắt chặt, có thể nâng giá gạo vào năm 2021 và thậm chí buộc những người mua gạo truyền thống từ Thái Lan và Việt Nam chuyển sang Ấn Độ - nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.

Các thương nhân Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm cho các chuyến hàng tháng 1 và tháng 2/2021 với giá khoảng 310 USD/tấn theo phương thức giao hàng lên tàu (FOB). Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán khoảng 500-505 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với giá của Ấn Độ là 381-387 USD/tấn.

Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi và cho các nhà máy bia. Nguồn cung giảm và việc Philippines tiếp tục mua đã nâng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao nhất trong 9 năm.

Số liệu sơ bộ từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản lượng lúa của Việt Nam năm 2020 giảm 1,85%, xuống 42,69 triệu tấn, tương đương khoảng 21,35 triệu tấn gạo. Xuất khẩu gạo của Việt Nam vào năm 2020 được dự báo sẽ giảm 3,5% xuống còn 6,15 triệu tấn.

Đại diện Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ dự đoán Việt Nam có thể nhập khẩu nhiều hơn miễn là vẫn còn chênh lệch giá.

(tổng hợp)