Bưởi da xanh của Việt Nam sẽ là loại trái cây thứ 7 được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ. (Nguồn: Báo Người Lao động) |
Bưởi da xanh sắp "lên đường" sang Mỹ
Bưởi da xanh sẽ là loại quả thứ 7 của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong thời gian tới. Nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nắm bắt cơ hội, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường khi đưa sản phẩm này vào Mỹ.
Tại phiên tư vấn xuất khẩu bưởi mới diễn ra do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở Houston (Mỹ) cho biết, nhóm hàng mã HS.08 bao gồm các mặt hàng có mã HS 080540 (gồm trái cây ăn được), trong năm 2021 Mỹ đã nhập khẩu trị giá trên 20,5 tỷ USD.
Mỹ là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng mã HS.08 của Mỹ (năm 2021 Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng mã HS.08 vào thị trường Mỹ đạt 1,12 tỷ USD). Trong nửa đầu năm 2022, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Houston, kim ngạch xuất khẩu nhóm HS.08 của Việt Nam vào Mỹ mới đạt khoảng 572 triệu USD.
Tin liên quan |
Xuất khẩu ngày 8-12/8: Nhãn tươi Hòa Bình 'lên đường' sang EU; nhóm hàng tỷ USD giảm tốc |
Xét về mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, cũng như thế mạnh về nông sản, hoa quả Việt Nam có thể khẳng định thị phần nhóm sản phẩm quả (bao gồm bưởi) xuất khẩu sang Mỹ chưa tương xứng với tiềm năng. Để mở rộng đầu ra cho trái cây, các cơ quan chức năng, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp liên quan đang tích cực quảng bá quả bưởi của Việt Nam để xuất khẩu.
Tin vui cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bưởi, nhất là tại các tỉnh trọng điểm trồng bưởi da xanh ở đồng bằng sông Cửu Long, đó là trong chuyến công tác của đoàn cán bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tới Mỹ mới đây, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, việc mở cửa thị trường cho quả bưởi của Việt Nam vào Mỹ đang được thúc đẩy tích cực và sẽ hoàn tất trong thời gian sớm nhất. Theo đó, bưởi da xanh của Việt Nam sẽ là loại trái cây thứ 7 được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Houston khuyến nghị, để quả bưởi Việt Nam vào thị trường Mỹ, trước tiên doanh nghiệp phải thông qua Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để các cơ quan này hướng dẫn (trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn, chất lượng và các vấn đề liên quan). Trong đó, FDA đóng vai trò giám sát và đánh giá chất lượng thực phẩm, dược phẩm có phù hợp với tiêu chí nhập khẩu vào Mỹ hay không. Tiếp cận hướng dẫn từ hai cơ quan này là việc trước tiên doanh nghiệp Việt Nam phải làm khi xuất khẩu bưởi sang Mỹ.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, muốn xuất khẩu trái cây (bao gồm quả bưởi) vào thị trường Mỹ, sản phẩm phải đáp ứng được ba tiêu chuẩn chính, gồm vùng trồng phải đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho cơ quan có chức năng nông nghiệp tại Việt Nam cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải nắm rõ quy trình xuất nhập khẩu đối với từng sản phẩm cụ thể, từng lô hàng, kiểm soát tốt chi phí từng công đoạn. Nên thông qua các nhà xuất khẩu, nhà môi giới có kinh nghiệm để kết nối với hệ thống cung ứng để thuận lợi hơn trong việc tìm cách đưa hàng vào thị trường Mỹ.
Xuất khẩu cá tra sang ASEAN "khởi sắc"
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 9/2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN ước đạt hơn 152 triệu USD, chiếm gần 8% tổng xuất khẩu cá tra đi các thị trường.
ASEAN là một trong những khối thị trường chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam, và đang có xu hướng gia tăng nhập khẩu sản phẩm này.
Với tăng trưởng đột phá và liên tục trong những năm gần đây, tính đến nay, tỷ trọng của thị trường ASEAN đã gần tương đương với EU trong tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Những thị trường có trọng số lớn trong khối ASEAN gồm Thái Lan, Philippines và Singagore.
Trong đó riêng Thái Lan hiện đang chiếm tới 3,6% giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang thị trường này tính đến hết quý III/2022 đạt trên 70 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu cá tra sang Thái Lan tăng 165%.
Đột phá nhất trong tháng 9 là thị trường Philippines, với mức tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ và do vậy, tới cuối quý III, xuất khẩu cá tra sang thị trường này tăng 92% đạt trên 25 triệu USD, chiếm 1,3% tổng xuất khẩu cá tra.
Đứng thứ 2 về tiêu thụ cá tra Việt Nam trong khối ASEAN là Singapore với trên 28 triệu USD trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 56% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu cá tra sang Singapore tăng gấp hơn 3 lần.
Malaysia cũng chiếm tỷ trọng tương đương Philippines trong tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu cá tra trên 26 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 114%. Trong tháng 9, xuất khẩu cá tra sang thị trường này cũng tăng mạnh 138%.
Tuy chiếm tỷ trọng khiêm tốn, nhưng các nước khác trong khối ASEAN như Campuchia, Indonesia, Lào đều có xu hướng gia tăng mạnh mẽ nhập khẩu cá tra của Việt Nam, mới mức tăng trưởng gấp 3 tới 23 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Bối cảnh của năm 2022, chi phí vận tải tăng mạnh là một bất lợi cho ngành hàng xuất khẩu cá tra vì giá bán không cao so với các loài thuỷ hải sản khác, nên những thị trường có vị trí địa lý gần như các nước ASEAN cũng là một sự lựa chọn phù hợp của một số doanh nghiệp cá tra.
Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, ASEAN có xu hướng chiếm lĩnh tỷ trọng xuất khẩu cá tra nhiều hơn, có thể vượt qua thị trường EU trong thời gian tới.
WSJ: Guồng máy xuất khẩu của Việt Nam đang tăng tốc
Theo bài viết trên tờ WSJ, Việt Nam đã chiếm một số thị phần xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc, nhưng cường quốc xuất khẩu mới nổi vẫn còn nhiều việc phải làm.
Các quốc gia Đông Nam Á đang trở thành sự thay thế hấp dẫn cho Trung Quốc khi thế giới vẽ lại bản đồ thương mại của nước này. Nhưng họ cần phải tự vươn mình nếu muốn thu hút nhiều hơn nữa chuỗi cung ứng công nghệ. Việt Nam là một trường hợp điển hình.
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 3 nhờ việc xuất khẩu mạnh mẽ hơn sang Mỹ. Kết quả này dựa trên sự phục hồi mạnh mẽ trong tiêu dùng cá nhân và và hiệu ứng cơ sở thấp (sự biến đổi bất ngờ về số liệu lạm phát thàng tháng).
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, chính sách Zero Covid của Trung Quốc và xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu tăng cao. Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi lớn do ở gần Trung Quốc và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Hiện tại, Việt Nam đang có cơ hội để tiến xa hơn trong chuỗi giá trị từ lắp ráp, đóng gói và kiểm nghiệm. Nhưng cường quốc xuất khẩu của Đông Nam Á sẽ cần những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để đạt được điều đó, một nhiệm vụ không hề nhỏ.
Xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam đã tăng lên 101,53 tỷ USD vào năm 2020 từ 3,01 tỷ USD vào năm 2008 (tăng hơn 30 lần), theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Dữ liệu của Goldman Sachs cho thấy tỷ trọng nhập khẩu công nghệ của Mỹ trực tiếp từ Trung Quốc đã giảm 10% kể từ năm 2017, chủ yếu do xuất khẩu điện thoại di động từ Trung Quốc chậm lại.
Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất: Việt Nam đã tăng 6% thị phần nhập khẩu công nghệ của Mỹ so với cùng kỳ, phần lớn là từ các nhà sản xuất điện tử tới từ Hàn Quốc như Samsung.
Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vũ khí hóa thương mại với Trung Quốc có thể đã khởi động quá trình này, nhưng đại dịch dường như cũng đóng một vai trò quan trọng. Nhiều công ty đang tìm cách thiết lập chuỗi cung ứng đáng tin cậy hơn bằng cách đa dạng hóa các nhà máy. Việt Nam hiện có sự góp mặt của Samsung, Intel, Foxconn và LG.
Việt Nam cũng đã là nơi sản xuất một phần nhỏ sản lượng toàn cầu của Apple, là một trong những quốc gia đang có được cái nhìn sâu hơn từ công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ như là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc.
Các thương hiệu công nghệ lớn như Samsung đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. (Nguồn: Reuters) |
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ và ngày càng trở nên sâu sắc. Trong một lưu ý gần đây, Oxford Economics cho biết mặc dù họ kỳ vọng xuất khẩu của Đông Nam Á sẽ tăng lên, nhưng việc phá vỡ sự phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ đòi hỏi sự phụ thuộc với ngành công nghiệp Trung Quốc phải giảm đáng kể - và có rất ít bằng chứng về điều này. Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu vào trung gian của nước ngoài.
Chuyển dịch từ lắp ráp trước đây để trở thành một địa điểm chính để sản xuất các sản phẩm tiên tiến sau đó được sử dụng ở nơi khác là việc khó khăn hơn nhiều. Ở mức tối thiểu, nó có thể đòi hỏi một lực lượng lao động có trình độ hơn và đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng. Trung Quốc hiện tại có cơ sở hạ tầng điện và giao thông hàng đầu, đội ngũ kỹ sư trong đó nhiều người trong số họ được đào tạo ở nước ngoài, vẫn là những lợi thế của quốc gia tỷ dân.
Xuất khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm với nền kinh tế Mỹ đang mất dần sức hút. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của đất nước vẫn còn tươi sáng. Điều đó sẽ đặc biệt đúng nếu nguồn thu từ xuất khẩu được tái tái đầu tư thành cơ sở hạ tầng, con người và những thứ khác — và nếu quan hệ Trung-Mỹ vẫn căng thẳng.
Xuất khẩu xi măng giảm 28% so với cùng kỳ
Số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng cho thấy, trong tháng 9, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng 7,6 triệu tấn. Con số này giảm khoảng 1,26 triệu tấn so với tháng liền kề trước đó và giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 5,4 triệu tấn (VICEM tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn); xuất khẩu ước đạt khoảng 2,2 triệu tấn. Tính chung 9 tháng năm 2022, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng 72,93 triệu tấn, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Thực tế thị trường tiêu thụ sản phẩm xi măng cho thấy trong khi tiêu thụ trong nước khoảng 47,31 triệu tấn, tăng 5% cùng kỳ năm 2021 nhưng xuất khẩu sản phẩm xi măng giảm mạnh, khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2021 (VICEM tiêu thụ khoảng 15,9 triệu tấn); xuất khẩu ước đạt khoảng 24,71 triệu tấn.
Theo Vụ Vật liệu xây dựng, tồn kho cả nước 9 tháng 2022 khoảng 5,9 triệu tấn tương đương khoảng 25 đến 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clanhke.
Trong tháng 9, giá bán xi măng tương vẫn duy trì ở mức đương tháng 8, xuất khẩu giảm mạnh.
Các chuyên gia trên lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng, hiện nay Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sản phẩm xi măng lớn, chiếm khoảng 50% sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam. Trong bối cảnh quốc gia này vẫn hạn chế mở cửa để chống dịch Covid-19 thì việc xuất khẩu sản phẩm xi măng được dự báo sẽ còn gặp khó khăn.
Cùng với đó, các nhà máy xi măng đang rất khó khăn trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cao, đặc biệt là giá than, chiếm trên 60% giá thành sản xuất, buộc các nhà máy phải điều chỉnh kế hoạch, sản lượng sản xuất.
| Bị chặn nguồn cung chip, Trung Quốc cáo buộc Mỹ lạm dụng các biện pháp về thương mại Trung Quốc cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ nhắm vào các nhà sản xuất chip của nước này là ... |
| Quảng Ninh gỡ được 6/7 cảnh báo 'thẻ vàng' IUU, nỗ lực 'xóa sổ' tiêu chí cảnh báo cuối cùng Trong 4 năm qua, để 'gỡ thẻ' vàng IUU, Quảng Ninh đã triển khai rất nhiều biện pháp, hành động quyết liệt chống khai thác ... |
| Việt Nam chưa có thông tin về việc có gỗ Nga trong sản phẩm gỗ xuất sang Mỹ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hiện chưa có thông tin về một số sản phẩm gỗ Việt Nam ... |
| Giá USD tăng nóng, doanh nghiệp 'méo mặt' vì tỷ giá Giá USD bán ra tại một số ngân hàng đã tăng gần 5% từ đầu năm khiến các doanh nghiệp bắt đầu "ngấm đòn" tỷ ... |
| Gấp rút gỡ ‘thẻ vàng’ IUU trong năm 2022, tạo động lực cho xuất khẩu thủy sản Việc Ủy ban châu Âu (EC) tới Việt Nam vào cuối tháng 10/2022 để kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về IUU, ... |