📞

Xuất khẩu ngày 7-9/7: Quả vải 'cưỡi' máy bay Vietnam Airlines đi muôn nơi; xuất khẩu rau quả có thể xác lập kỷ lục mới

Vân Chi 19:16 | 10/07/2023
Gần 90 tấn quả vải "cưỡi" máy bay Vietnam Airlines đi theo đường xuất khẩu; gạo Việt Nam được giá; xuất khẩu rau quả có thể xác lập kỷ lục mới... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 7-9/7.
Gần 90 tấn quả vải tươi xuất khẩu đi các nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức) và châu Á (Nhật Bản, Malaysia, Lào, Campuchia) trong tháng 5, 6 và đầu tháng 7/2023 qua những chuyến bay của Vietnam Airlines. (Nguồn: Vietnam Airlines)

Gần 90 tấn quả vải "cưỡi" máy bay Vietnam Airlines đi xuất khẩu

Theo thông tin từ Vietnam Airlines, hãng hàng không này ghi nhận đã vận chuyển gần 90 tấn quả vải tươi xuất khẩu đi các nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức) và châu Á (Nhật Bản, Malaysia, Lào, Campuchia) trong tháng 5, 6 và đầu tháng 7/2023. Đối với thị trường nội địa, Vietnam Airlines đã vận chuyển gần 1.300 tấn.

Ngoài đường bộ, đường biển và đường sắt, nhu cầu xuất khẩu vải quốc tế bằng đường hàng không năm 2023 dự kiến tăng 50% so với năm 2022.

Với kinh nghiệm nhiều năm vận chuyển hàng vải quả trong nước và quốc tế, Vietnam Airlines có kế hoạch phục vụ nguồn hàng nông sản này từ rất sớm.

"Hãng đã chủ động phối hợp cùng các doanh nghiệp, bà con nông dân địa phương khảo sát thị trường trước khi vào vụ vải tại các vùng vải lớn miền Bắc như: Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh ngay cuối tháng 4/2023. Việc khảo sát nhằm mục đích đánh giá tình hình thu hoạch vải quả của bà con nông dân, xác định nhu cầu vận chuyển vải quả qua đường hàng không đi nội địa và quốc tế để xây dựng chính sách và phương án phục vụ phù hợp", Vietnam Airlines cho biết.

Thông qua chính sách hỗ trợ tối đa hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, Vietnam Airlines đã hợp tác cùng các công ty xuất khẩu vải quả và công ty giao nhận hàng hóa để xây dựng chính sách giá ưu đãi và luôn ưu tiên tải hàng hóa cho nguồn hàng này.

Đồng thời, công tác phục vụ và giám sát hàng hóa tại sân bay được các đơn vị đặc biệt chú trọng, tận dụng tối đa ưu thế chuỗi logistic hàng không toàn diện và đồng bộ của Vietnam Airlines. Hàng hóa được bảo quản kho lạnh với nhiệt độ theo yêu cầu, được ưu tiên nhập hàng nhanh, chất xếp ưu tiên trên chuyến bay để vải quả đến nơi đúng kế hoạch, bảo đảm khi đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được chất lượng tươi ngon.

“Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tỉnh thành, địa phương và các doanh nghiệp, đưa nông sản và thương hiệu Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế”, đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.

Gạo Việt Nam "được giá"

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm do lo ngại về nguồn cung, trong khi nhu cầu cao giúp giá gạo của Thái Lan và Việt Nam duy trì ở gần mức cao nhất trong hai năm.

Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được chào bán ở mức 412-420 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 409-416 USD/tấn vào tuần trước.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Mumbai cho biết, nhu cầu đã tăng cao hơn nhưng giá vẫn tăng do nguồn cung hạn chế và chính phủ Ấn Độ tăng giá thu mua gạo từ nông dân.

Giá gạo toàn cầu, hiện ở mức cao nhất trong 11 năm, dự kiến tăng thêm sau khi Chính phủ Ấn Độ tăng giá thu mua gạo từ nông dân, trong bối cảnh hiện tượng thời tiết El Nino có nguy cơ làm giảm sản lượng của các nước sản xuất lúa gạo chủ chốt.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 500-510 USD/tấn, không đổi so với một tuần trước.

Một thương nhân tại TP. Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn mạnh, và ước tính nhu cầu gạo toàn cầu có thể tiếp tục tăng cho đến cuối năm nay.

Một quan chức cấp cao của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo của cả nước năm nay sẽ vượt 6,5 triệu tấn, nhưng vẫn dưới mức 7,1 triệu tấn của năm ngoái.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy 95.200 tấn gạo đã được bốc dỡ tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ ngày 1-12/7, với phần lớn gạo được chuyển đến châu Phi, Indonesia và Philippines.

Còn giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng không đổi so với tuần trước, giao dịch ở mức 515 USD/tấn. Theo một thương nhân có trụ sở tại Bangkok, nhìn chung, giá gạo duy trì ở mức cao do nhu cầu mạnh mẽ từ Indonesia, Philippines, Malaysia và một số quốc gia châu Phi do lo ngại hạn hán khiến nhu cầu dự trữ tăng lên.

Các quan chức Bộ Nông nghiệp Bangladesh cho hay, sản lượng gạo vụ Hè của nước này sẽ vượt mục tiêu 21,5 triệu tấn trong năm nay. Bangladesh đang cố gắng kiềm chế giá gạo trong nước đang tăng cao bất chấp sản lượng và dự trữ dồi dào.

Xuất khẩu rau quả có thể xác lập kỷ lục mới

Xuất khẩu rau quả đang là điểm sáng của ngành nông nghiệp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, ngành hàng này đã mang về gần 2,8 tỷ USD, bằng 81,8% của cả năm 2022. Nếu không có gì thay đổi, kỷ lục mới của năm nay sẽ sớm được xác lập.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 14 trên thế giới về sản xuất cây ăn trái với tổng diện tích trên 1,2 triệu hecta.

Với kim ngạch của 6 tháng đầu năm nay, nước ta hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 4 tỷ USD cho cả năm và thậm chí xác lập kỷ lục mới cho ngành hàng này. (Nguồn: Cafe F)

Diện tích trồng mới hàng năm tăng liên tục, trung bình hơn 62.000 hecta/năm ở khu vực miền Nam, tập trung vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: thanh long, sầu riêng, mít, xoài, bưởi… giúp nước ta có vị trí đứng thứ 9 về xuất khẩu rau quả trên thị trường thế giới.

Giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam bắt đầu vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2013 và liên tục nhiều năm gần đây vượt mức 3 tỷ USD mỗi năm. Với kim ngạch của 6 tháng đầu năm nay, nước ta hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 4 tỷ USD cho cả năm và thậm chí xác lập kỷ lục mới cho ngành hàng này.

"Chúng ta còn vùng sầu riêng lớn ở Tây Nguyên, hứa hẹn mang về con số lớn. Như vậy khả năng đạt 5 tỷ USD trong năm nay nằm trong tầm tay. Kim ngạch bùng nổ là nhờ thị trường Trung Quốc với đóng góp lớn nhất là sầu riêng. Kim ngạch sầu riêng năm nay sẽ vượt 1 tỷ USD, khả năng đạt 1,5 tỷ USD", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết.

(tổng hợp)