Đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam tới nhà máy sản xuất tháp tuabin gió của CS Wind tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Xuất khẩu tourbin điện gió Made in Vietnam sang Hàn Quốc
Đại diện nhà máy CS Wind Việt Nam (khu công nghiệp Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, cuối tháng 4 này, 10 tháp tourbin điện gió với công suất 10MW do đơn vị sản xuất sẽ được xuất khẩu sang Hàn Quốc phục vụ cho dự án điện gió Jeonnam 1 (99MW) - dự án quy mô thương mại đầu tiên của Hàn Quốc- nằm ngoài khơi tỉnh Jeonnam phía Tây Nam nước này. Theo kế hoạch, dự án đi vào vận hành trong năm 2024, cung cấp năng lượng xanh cho khoảng 60.000 hộ gia đình tại Hàn Quốc.
Lô tháp tourbin chế tạo lần này nằm trong gói hợp đồng cung ứng của CS Wind cho Công ty Siemens Gamesa Renewable Energy (Siemens Gamesa), trong hợp đồng của Siemens Gamesa cung cấp tuabin gió cho Dự án điện gió ngoài khơi Jeonnam 1.
Jeonnam 1 là liên doanh giữa Tập đoàn SK E&S - một trong những tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc và Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) - nhà đầu tư lớn nhất thế giới tập trung đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời là nhà phát triển dự án điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới.
Ông Radoslaw Rams, Giám đốc Quản lý dự án ngoài khơi khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Siemens Gamesa nhận định, nhà máy sản xuất tháp tuabin CS Wind Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cho các dự án điện gió ngoài khơi của Siemens Gamesa, không chỉ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn trên toàn cầu.
"Việc lựa chọn CS Wind Việt Nam cho Jeonnam 1, dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của chúng tôi tại Hàn Quốc, thể hiện sự tin tưởng của chúng tôi vào năng lực của CS Wind trong việc cung cấp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, được cải tiến và tinh chế nhằm phù hợp với đặc thù của thị trường mới. Chúng tôi rất mong tiếp tục hợp tác với CS Wind trong dự án này cũng như các dự án khác trong tương lai", theo ông Radoslaw Rams.
Còn ông Stuart Livesey, đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có vị thế thuận lợi phát triển chuỗi cung ứng nội địa phục vụ cho các dự án điện gió ngoài khơi trong nước, và có tiềm năng trở thành trung tâm xuất khẩu các hạng mục như móng tuabin, tháp tuabin, trạm biến áp ngoài khơi và các linh kiện khác phục vụ các dự án điện gió ngoài khơi trong khu vực.
Cùng với những chính sách sắp tới của chính phủ nhằm khuyến khích và khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi, Ông Stuart Livesey nhận định, Việt Nam có cơ hội có được lợi ích kinh tế - xã hội to lớn từ việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa, tự chủ sản xuất năng lượng xanh nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Cây gia vị Việt Nam tăng kỷ lục, hơn 170% xuất khẩu sang Ấn Độ
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam đã tăng kỷ lục trong tháng 3 với 998 tấn, thu về 5,4 triệu USD, tăng 79% về sản lượng. Trong đó xuất khẩu sang thị trường chính là Ấn Độ chứng kiến mức tăng 178% về sản lượng so với tháng trước, đạt 645 tấn, chiếm tỷ trọng gần 65%.
Prosi Thăng Long là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất trong tháng 3 với 203 tấn, tăng 99%.
Lũy kế trong quý I/2024, xuất khẩu hoa hồi đạt 13,3 triệu USD với 2.435 tấn, giảm 27% về sản lượng và kim ngạch giảm 38%. Xét theo thị trường, Việt Nam xuất khẩu hoa hồi sang Ấn Độ nhiều nhất trong quý I với 1.376 tấn, giảm 39%, chiếm tỷ trọng 56,5%. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với 212 tấn, chiếm 8,7% tỷ trọng và giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2023, Việt Nam thu về 83 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi, sản lượng đạt 16.136 tấn, tăng mạnh 26% về lượng. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 499 tấn, chiếm 57% tỷ trọng.
Hồi là một cây nhỡ cao 2-6m, hình dáng toàn cây thon hình quả trám, xanh tốt quanh năm, thân mọc thẳng, cành dễ gẫy. Lá mọc gần thành chùm 3-4 lá ở đầu cành, có cuống, phiến lá nguyên, dài 8-12cm, rộng 3-4cm, vò nát có mùi thơm. Cây hồi nếu được trồng và chăm sóc tốt sẽ cho hoa sau 4 năm trồng.
Cây hồi thường cho hoa từ tháng 3, tháng 5, đến tháng 7, tháng 9 hoa hồi bắt đầu chín và người dân có thể thu hoạch. Thông thường một cây đại hồi có tuổi đời từ 5 năm trở lên mới được lấy quả, mỗi năm cũng chỉ được thu hoạch 2 vụ nên hoa hồi đã hiếm lại càng quý hơn.
Năng suất từ năm thứ 5-6 là 0,5 -1 kg/cây. Từ năm thứ 20 trở đi cây sẽ cho năng suất ổn định lên tới 40 – 50kg/cây. Nếu cây hồi được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật thì sẽ cho năng suất cao và ổn định, kéo dài thời gian thu hoạch lên tới 80 năm.
Việt Nam có diện tích trồng hồi khoảng 40.000 ha, tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn.
Xuất nhập khẩu đạt gần 145 tỷ USD, cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất siêu
Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2024 (từ ngày 1/3 đến ngày 15/3/2024) đạt 31,58 tỷ USD, tăng 11,1% (tương ứng tăng 3,17 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 02/2024.
Tin liên quan |
Xuất siêu bật tăng kỷ lục, cao nhất kể từ năm 2014 đến nay |
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 3/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/3/2024 đạt 144,99 tỷ USD, tăng 17,7%, tương ứng tăng 21,79 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 99,21 tỷ USD, tăng 14,5% (tương ứng tăng 12,55 tỷ USD).
Trong kỳ 1 tháng 3 năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 560 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 5,57 tỷ USD.
Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 3 năm 2024 đạt 16,07 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 1,34 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 02/2024.
Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 3/2024 tăng so với kỳ 2 tháng 2/2024 ở một số nhóm hàng sau: hàng dệt may tăng 231 triệu USD, tương ứng tăng 21,8%; gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 202 triệu USD, tương ứng tăng 49,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 164 triệu USD, tương ứng tăng 28,5%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác tăng 159 triệu USD, tương ứng tăng 9%...
Như vậy, tính đến hết 15/3/2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 75,28 tỷ USD, tăng 19,6% tương ứng tăng 12,34 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, một số nhóm hàng tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 3,45 tỷ USD tương ứng tăng 36,8%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 1,04 tỷ USD, tương ứng tăng 13,3%; hàng dệt may tăng 660 triệu USD, tương ứng tăng 11,4%... so với cùng kỳ năm 2023.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 3/2024 đạt 11,4 tỷ USD, tăng 5% tương ứng tăng 543 triệu USD so với kỳ 2 tháng 2/2024.
Tính đến hết ngày 15/3/2024, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 54,46 tỷ USD, tăng 15,8%, tương ứng tăng 7,41 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 71,7% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2024 đạt 15,51 tỷ USD, tăng 13,4% (tương ứng tăng 1,83 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2024.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 3/2024 tăng so với kỳ 2 tháng 2/2024 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 283 triệu USD, tương ứng tăng 18,3%; xăng dầu các loại tăng 208 triệu USD, tương ứng tăng 80,4%; hạt điều tăng 114 triệu USD, tương ứng tăng 92,4%...
Như vậy, tính đến hết 15/3/2024, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 69,71 tỷ USD, tăng 15,7% (tương ứng tăng 9,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,05 tỷ USD, tương ứng tăng 25,6%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 1,09 tỷ USD, tương ứng tăng 14,8%; sắt thép các loại tăng 750 triệu USD, tương ứng tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang thị trường Chile trong 2 tháng đầu năm nay tăng gấp 3 lần. (Nguồn: VnEconomy) |
Một nước trong CPTPP tăng nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam
Chile, một trong số các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), đang có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam trong 3 năm trở lại đây.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, quốc gia Nam Mỹ này đã nhập khẩu gần 3 triệu USD các sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2023, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 4 cho Chile sau Thái Lan, Ecuador và Trung Quốc, chiếm thị phần hơn 9%. Trong khi xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và Thái Lan sang thị trường tăng trưởng liên tục trong 3 năm qua, xuất khẩu của Ecuador và Trung Quốc lại có xu hướng giảm.
Năm nay, Chile tăng nhập khẩu cả cá ngừ đóng hộp và thịt/loin cá ngừ đông lạnh từ Việt Nam. Đặc biệt, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay tăng gấp 3 lần.
Hiện có 10 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang quốc gia Nam Mỹ này. Trong đó, Trinity Vietnam, Havuco và Nha Trang Bay là 3 doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất cá ngừ sang thị trường này, chiếm 76% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023.
Dự kiến, Việt Nam với lợi thế về thuế nhập khẩu theo cam kết trong Hiệp định CPTPP sẽ là thế mạnh để cho các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại thị trường này. Do đó, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Chile sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những tháng tới.
(tổng hợp)
| Trung Quốc không còn là 'phao cứu sinh' cho ngành sản xuất rượu vang toàn cầu Ngành công nghiệp rượu vang của Australia vui mừng đón tin Trung Quốc sẽ gỡ bỏ thuế chống bán phá giá, mở cửa trở lại ... |
| Nghịch lý cà phê xuất khẩu: Càng bán càng lỗ Giá cà phê nguyên liệu tăng cao khiến doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào khó khăn, thậm chí thua lỗ nặng, vì phải mua giá ... |
| Loạt nông sản Ukraine đối mặt với hạn chế cứng rắn từ EU, kết quả chính thức sẽ có trong ngày mai (9/4) Theo AFP, ngày 8/4, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí về những hạn chế ... |
| Xuất khẩu ngày 4-10/3: Nhờ EVFTA, cá ngừ tươi, đông lạnh và khô vào EU tăng phi mã; 'cửa sáng' cho hàng dệt may từ thị trường Brazil Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Australia; xuất khẩu cá ngừ tươi, đông lạnh và khô sang thị trường ... |
| Xuất khẩu ngày 18-24/3: 30 lô sầu riêng xuất Trung Quốc nhiễm cadimi từ đâu? Hoa Kỳ mua nhiều nhất nông- lâm - thủy sản Việt Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu nông- lâm - thủy sản Việt Nam lớn nhất; 30 lô sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị ... |