Xuất khẩu ngày 9-12/3: Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản. (Nguồn: CT) |
Xuất khẩu cao su bật tăng mạnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khối lượng xuất khẩu cao su 2 tháng đầu năm 2021 đạt 320.000 tấn với 516 triệu USD, tăng 89,9% về khối lượng và gấp 2,1 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng khá mạnh sau một thời gian dài kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này đi xuống.
Bên cạnh sự gia tăng về khối lượng xuất khẩu thì giá cao su cũng có sự tăng trở lại mạnh. Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 1/2021 đạt 1.608 USD/tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 72,7%, 4,6% và 2,7%.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT dự báo, giá cao su tiếp tục tăng do yếu tố mùa vụ. Bên cạnh việc nguồn cung giảm do yếu tố mùa vụ, cao su được kỳ vọng tăng giá khi giá cao su giao dịch trên thị trường thế giới đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Osaka (OSE) diễn biến tăng mạnh trong tháng qua, đặc biệt trong những ngày cuối tháng.
Với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD mỗi năm, ngành cao su đã trở thành một trong những ngành hàng nông lâm nghiệp xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, yêu cầu phát triển bền vững đang là bài toán đối với ngành sản xuất tiềm năng này…
Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm giảm hơn 31%
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, sản lượng xuất khẩu gạo tháng 2 ước đạt 290.000 tấn trị giá 160 triệu USD, nâng tổng sản lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021 lên 638.000 đạt 352 triệu USD, giảm 31,4% về khối lượng và giảm 18,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Cục trên, xuất khẩu gạo giảm do thời điểm đầu năm chưa phải là dịp cao điểm nhập khẩu vì thương nhân thường mua dự trữ trước dịp Tết. Mặt khác, nguồn cung gạo trong nước cũng ở mức thấp do việc thu hoạch vụ Đông Xuân chưa vào chính vụ, giá lúa gạo đang ở mức cao khiến thương nhân thu mua và đối tác nước ngoài đều có tâm lý chờ giá gạo giảm.
Việc thiếu hụt container rỗng đẩy giá cước vận chuyển tăng cao cũng khiến hoạt động xuất khẩu gạo có nhiều hạn chế.
Cũng theo cơ quan trên, tình hình xuất khẩu gạo sẽ được cải thiện tích cực hơn bởi cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 là thời điểm nông dân thu hoạch vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, nguồn cung lúa gạo dồi dào có thể khiến giá lúa gạo trong nước giảm.
Mặt khác, việc Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu gạo với mức giá cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng gây áp lực lên giá gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Tin liên quan |
Tín dụng doanh nghiệp thời Covid-19: Nhà băng thừa tiền, thương nhân vẫn gặp khó |
Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản cho biết, nhập khẩu tôm của Nhật Bản năm 2020 đạt 219 nghìn tấn, trị giá 242,8 tỷ Yen (tương đương 2,292 tỷ USD), giảm 6,3% về lượng và giảm 12,5% về trị giá so với năm 2019.
Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản trong năm 2020, đạt 55,05 nghìn tấn, trị giá 64,4 tỷ Yen (tương đương 608 triệu USD), giảm 5,3% về lượng và giảm 7,6% về trị giá so với năm 2019. Mặc dù giảm, nhưng thị phần tôm của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản lại tăng so với năm 2019.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, ước tính, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 2/2021 đạt 137 nghìn tấn, trị giá 400 triệu USD, giảm 17,2% về lượng và giảm 20% về trị giá so với tháng 2/2020.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 259,1 nghìn tấn, trị giá 1,011 tỷ USD, tăng 5,5% về lượng, nhưng giảm 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thúc đẩy xuất khẩu sang Thụy Điển nhờ EVFTA
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2021, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Điển đạt khoảng 160,89 triệu USD; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Điển đạt khoảng 132 triệu USD, tăng 99,94% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thụy Điển đạt 28,89 triệu USD, tăng 11,98% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện, quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Bắc Âu chiếm tỷ lệ khá nhỏ, chỉ khoảng 2,5 tỷ USD, do đó tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào thị trường này là rất lớn.
Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã từng bước xóa bỏ các rào cản, mở rộng cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường Bắc Âu tiềm năng nói chung, Thụy Điển nói riêng.
Hiệp định EVFTA nêu rõ, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong thời hạn 5 năm. Nhờ đó, từ chỗ vắng bóng trên thị trường Thụy Điển, gạo Việt Nam đã xuất hiện và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường này với kim ngạch xuất khẩu tăng gần 10 lần, từ mức khoảng 100 nghìn USD các năm trước đây lên hơn 1 triệu USD.
Ngoài gạo, một số mặt hàng chủ lực khác của Việt Nam cũng có nhiều triển vọng thâm nhập thị trường Thụy Điển như đồ gỗ, trái cây nhiệt đới đông lạnh, nước cốt dừa, rau đông lạnh, hàng dệt may, giày dép...
Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm giảm hơn 31%. (Nguồn: Thương trường) |
Gia hạn thời hạn điều tra chống bán phá giá sợi dài làm từ polyester
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 864/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia (Vụ việc AD10).
Trước đó, ngày 6/4/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BCT về việc Điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương, việc điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá được kết thúc trong 12 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra (tức ngày 6 tháng 4 năm 2021). Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, Bộ Công Thương có quyền gia hạn thời hạn điều tra thêm 6 tháng.
Để có thêm thời gian xem xét, làm rõ những vấn đề phát sinh về lượng thông tin, dữ liệu cần xử lý, căn cứ theo thực tiễn vụ việc và để đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, ngày 11/3, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 864/QĐ-BCT gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia thêm 6 tháng, theo đó thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 6/10 năm nay.
Xét chọn doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2020
Với mục tiêu ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam năm 2020 trong việc nỗ lực vượt qua khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế, Bộ Công Thương vừa đề nghị các bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai Chương trình xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2020”.
Theo đó, Bộ Công Thương thông báo về Chương trình xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2020 đến các doanh nghiệp trực thuộc và hướng dẫn các doanh nghiệp kê khai đơn đăng ký xét chọn theo quy định.
Ngoài ra, Bộ sẽ triển khai việc xét chọn theo Quy chế xét chọn Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín ban hành kèm theo Quyết định số 911/QĐ-BCT ngày 12/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan hải quan, thuế, môi trường để xác nhận tại thời điểm xét chọn doanh nghiệp không bị cưỡng chế ngừng làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, không nợ đọng thuế, không vi phạm pháp luật về môi trường. Tiêu chí xét chọn về kim ngạch xuất khẩu tối thiểu đối với từng nhóm hàng, tính từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 /2020.
Kết quả xét chọn đề nghị gửi về Bộ Công Thương (thông qua Cục Xuất nhập khẩu) theo địa chỉ số 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội muộn nhất là ngày 20/4/2021.