Xung đột giữa Armenia-Azerbaijan tiếp tục leo thang mức độ quyết liệt cho thấy cả hai phía dường như đều hạ quyết tâm giao tranh quân sự với nhau đến cùng và coi lần này là lần chung kết với nhau về vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh. Nhưng thực tế ấy cũng còn cho thấy vai trò và hiệu ứng của việc bên ngoài trung gian hoà giải vẫn còn quá ít ỏi hoặc chưa phát huy được tác dụng.
Nước nào sẽ đóng vài trò "lĩnh cứu hỏa" để giúp dập tắt ngọn lửa chiến sự giữa Armenia-Azerbaijan? (Nguồn: France 24) |
Bên ngoài nào làm trung gian hòa giải?
Cho tới nay trên phương diện này, Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) đã lập ra cơ chế bộ ba bao gồm Mỹ, Pháp và Nga để đảm trách vai trò trung gian hoà giải giữa Armenia-Azerbaijan với mục đích ngăn ngừa chiến tranh tái bùng phát và tìm kiếm giải pháp dứt điểm cuối cùng cho vấn đề Nagorno-Karabakh. Chỉ riêng việc thoả thuận ngừng bắn năm 1994 giữa Armenia-Azerbaijan từ đó đến nay không được hai bên thực thi đầy đủ và tuân thủ nghiêm chỉnh không thôi chứ chưa nói đến giao tranh quân sự xảy ra như hiện tại cũng đã đủ để cho thấy cơ chế bộ ba nói trên hữu danh vô thực.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có mưu tính riêng nhưng không hẳn hoàn toàn vô lý khi thẳng thừng bác bỏ đề nghị hoà giải của bộ ba này. Ông Erdogan cho rằng suốt mấy thập kỷ qua bộ ba này không làm nên trò trống gì thì bây giờ cũng sẽ chỉ vô tích sự.
Nhìn nhận một cách thực tế và khách quan, OSCE nói chung và bộ ba này hiện không thể dập tắt được hoả hoạn đang cháy dữ dội giữa Armenia-Azerbaijan. Cả hai đều chỉ có được ảnh hưởng từ "chính danh" chứ không có được cái uy từ thực lực. OSCE hiện vẫn tiếp tục đắm chìm trong rạn nứt nội bộ, vai trò và ảnh hưởng chính trị an ninh châu lục tiếp tục trượt dốc.
Mỹ hiện đâu còn tâm trạng và cả lợi ích thiết thực trước mắt nào để quan tâm tới chuyện Nagorno-Karabakh. Pháp xưa nay đâu có năng lực gì trên thực tế để giúp tháo gỡ nút thắt Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan. Còn Nga thì lại quá biết rằng không thể giải quyết được vấn đề Nagorno-Karabakh theo hướng Azerbaijan bị mất vĩnh viễn hay thu phục lại được vùng Nagorno-Karabakh bằng biện pháp quân sự nên duy trì thực trạng như thời gian vừa qua mới có lợi nhất cho Nga.
Cả Mỹ, NATO hay EU cũng đều không có cách nào hơn ngoài việc lên tiếng yêu cầu hai bên chấm dứt chiến sự và cùng nhau tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình. Rồi đến Liên Hợp Quốc cũng vậy. Chỉ còn lại hai anh lính cứu hoả là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ai có nhiều khả năng dập tắt đám cháy?
Câu hỏi được đặt ra ở đây là vậy thì ai sẽ cứu hoả được và làm cách nào để dập tắt đám cháy này. Armenia-Azerbaijan sẽ chẳng đồng thời nghe theo đề nghị của các tổ chức hay thể chế như LHQ, EU, NATO hay OSCE. |
Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn Azerbaijan và thù địch Armenia nên không thể đảm trách nổi vai trò trung gian hoà giải. Nhưng vì là quốc gia ở vùng láng giềng của hai nước này nên Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp các nỗ lực trung gian hoà giải thành công hoặc làm cho nó bị thất bại.
Nga có khả năng thực tế to lớn hơn cả nhưng một mình Nga cũng không thể thực hiện được thành công vai trò trung gian hoà giải bởi Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn có vai trò nên không để Nga thành công một mình. EU và NATO cũng vậy bởi nếu Nga trung gian hoà giải thành công thì vùng Nam Caucasus này sẽ tiếp tục là vùng ảnh hưởng sâu đậm của riêng Nga.
Trong bối cảnh tình hình như thế, việc Iran xuất hiện trong tư cách anh lính cứu hoả mới thật rất đáng được chú ý.
Iran có hơn 760 km biên giới chung với Azerbaijan và cũng có đoạn biên giới ngắn với Armenia, nguy cơ bị vạ lây bởi mối bất hoà giữa hai nước láng giềng này là rất thực tế. Iran không có căn cứ quân sự ở Armenia như Nga và cũng chẳng buôn bán vũ khí với Azerbaijan như Nga. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cùng theo đuổi tham vọng vươn lên thành cường quốc khu vực và lãnh đạo thế giới Hồi giáo nhưng không tranh giành ảnh hưởng ở vùng Nam Caucasus như giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trung gian hoà giải giữa Armenia-Azerbaijan giúp Iran vừa tránh bị vạ lây vừa có cơ hội tăng cường uy tín quốc tế, như vậy chẳng phải Iran vừa không thể không làm, vừa rất nên làm hay sao?
Câu hỏi được đặt ra ở đây là vậy thì ai sẽ cứu hoả được và làm cách nào để dập tắt đám cháy này. Armenia-Azerbaijan sẽ chẳng đồng thời nghe theo đề nghị của các tổ chức hay thể chế như LHQ, EU, NATO hay OSCE. Một mình Nga hay Iran cũng sẽ không thể thuyết phục được hai bên đi vào đàm phán hoà bình với nhau. Nhưng nếu một bên như Nga hay Iran hoặc ai đó nhân danh LHQ được tất cả các đối tác bên ngoài khác ủng hộ và giao phó sứ mệnh trung gian hòa giải thì cục diện và triển vọng sẽ lại có thể hoàn toàn khác.
Giải pháp cho lần giao tranh quân sự này, nếu như không muốn gọi đấy là chiến tranh, giữa Armenia-Azerbaijan chắc rồi sẽ là một thoả thuận ngừng bắn mới đi cùng với sự hình thành một cơ chế mới với nhiệm vụ giám sát việc thực thi ngừng bắn và khởi động quá trình tìm kiếm quy chế pháp lý cuối cùng cho vùng Nagorno-Karabakh sao cho không còn phải lo lại bùng phát chiến sự giữa Armenia-Azerbaijan một lần nữa.