📞

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Đốm lửa nhỏ, nguy cơ lớn

20:00 | 16/04/2016
Xung đột ở Nagorno-Karabakh giữa Armenia - Azerbaijan khiến tình hình an ninh khu vực nói riêng và quốc tế nói chung càng phức tạp hơn.

Cuộc xung đột ở Nagorno - Karabakh phản ánh thực tế rằng, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều mâu thuẫn về lãnh thổ, sắc tộc, tôn giáo vốn bị kìm nén trong trật tự hai cực đã có cơ hội bùng phát. Mặc dù một thoả thuận ngừng bắn đã đạt được ngày 5/4, song chặng đường tiến tới giải quyết dứt điểm tranh chấp còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cuộc xung đột này cũng còn nhiều vấn đề liên quan cần được làm rõ.

Nhiều mâu thuẫn lịch sử

Xung đột hiện nay giữa Azerbaijan và Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh không phải bây giờ mới có, mà nó có nguồn gốc từ những mâu thuẫn về lãnh thổ, sắc tộc, tôn giáo mang tính lịch sử. Phần đông cư dân ở Nagorno-Karabakh là người Armenia và theo đạo Kitô, trong khi người Azerbaijan theo Hồi giáo. Sau Cách mạng tháng Mười Nga, hai nước giành được độc lập và cùng tuyên bố chủ quyền đối với vùng Nagorno-Karabakh. Năm 1920, khi hai nước trở thành các nước cộng hòa trong Liên bang Xô Viết, các nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó đã quyết định Nagorno-Karabakh được hưởng quy chế khu tự trị và nằm trong nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Azerbaijan. Mâu thuẫn tồn tại âm ỉ khi người dân ở đây có nguyện vọng sáp nhập với Armenia, thoát khỏi sự chi phối của người Azerbaijan. Dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Liên Xô, tình hình dịu đi trong một thời gian dài.

Đến khi Liên Xô suy yếu vào cuối thập niên 1980 và sụp đổ vào năm 1991, mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo tại Nagorno - Karabakh trỗi dậy trở lại. Vùng tự trị này tuyên bố độc lập với Azerbaijan và muốn sáp nhập vào lãnh thổ Armenia. Tình trạng bạo lực nhằm vào dân thường của hai tộc người đối địch gia tăng ở Nagorno-Karabakh. Đã có nhiều cáo buộc về người Armenia thảm sát người Azerbaijan và ngược lại. Chiến tranh giữa Nagorno-Karabakh (được Armenia hậu thuẫn) và Azerbaijan nổ ra trong giai đoạn 1992 - 1994, với kết quả là hàng chục ngàn người thiệt mạng, hàng trăm ngàn người mất nhà cửa, đồng thời Azerbaijan đánh mất quyền kiểm soát đối với vùng này.

Theo thoả thuận ngừng chiến giữa ba bên Azerbaijan, Armenia và Nagorno-Karabakh được ký kết vào tháng 5/1994, một khu phi quân sự được thiết lập ở vùng tranh chấp. Nước “Cộng hòa Nagorno-Karabakh” (NKR) tự phong cũng tồn tại từ đó dù không được cộng đồng quốc tế công nhận. Liên hợp quốc vẫn công nhận chủ quyền của Azerbaijan đối với toàn bộ vùng Nagorno-Karabakh, trong khi Armenia không công nhận chính phủ NKR song vẫn đứng sau ủng hộ. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) do Nga, Mỹ và Pháp làm đồng chủ tịch, xung đột vẫn thường xuyên xảy ra. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức nhiều cuộc gặp để giải quyết vấn đề, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.

Giờ nghỉ trước trận chiến mới

Đầu tháng Tư, xung đột tại Nagorno - Karabakh bùng phát trở lại và được đánh giá là đụng độ dữ dội nhất giữa hai bên kể từ năm 1994. Cả Azerbaijan và Armenia đổ lỗi cho nhau về cuộc giao tranh này.

Hãng thông tấn Azertag ngày 3/4 dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết quân đội Azerbaijan đã bị công kích bằng súng cối 60mm, 82mm, 120mm, pháo hạng nặng và súng phóng lựu, tổng cộng tới “130 lần” trong ngày. Quân đội Azerbaijan khẳng định, hỏa lực của đối phương được bắn đi từ các ngọn đồi trong các khu vực thuộc lãnh thổ Armenia.

Trong khi đó, Reuters dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Armenia khẳng định: “Đối phương đã sử dụng xe tăng, pháo binh và không quân để xâm nhập sâu vào phòng tuyến của quân đội phòng vệ Nagorno-Karabakh và chiếm các vị trí chiến thuật”. Sau 4 ngày giao tranh, có hơn 30 người của hai bên thiệt mạng và khoảng 200 người bị thương.

Trước các diễn biến leo thang xung đột, Nga, Mỹ và một số quốc gia khác đã kêu gọi các bên ngừng bắn để tránh gây mất ổn định khu vực. Trước áp lực của cộng đồng quốc tế, Armenia và Azerbaijan ngày 5/4 tuyên bố đạt được thỏa thuận ngừng bắn, theo đó các bên cam kết tôn trọng cam kết, giữ nguyên hiện trạng và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Tuy nhiên, thoả thuận mong manh này có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào. Bởi lẽ, giữa hai bên còn rất nhiều bất đồng, ngay trong cách đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân trực tiếp của loạt đụng độ trong các ngày 2-3/4 vừa qua. Hai quốc gia đã đưa ra các "kịch bản" trái ngược, cùng tố cáo lẫn nhau là bên nổ súng trước.

Phía Azerbaijan nêu rõ mặc dù hai bên đã ký một lệnh ngừng bắn, điều này không có nghĩa là Azerbaijan từ bỏ ý định khôi phục “chủ quyền” đối với vùng Nagorno-Karabakh. Đồng thời, Baku khẳng định không ngại “đáp trả” ngay lập tức nếu thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được bị phía Armenia vi phạm. Trong khi đó, Armenia cũng kiên quyết bảo vệ cộng đồng người Armenia tại đây, thậm chí tuyên bố nếu chiến sự tại khu vực xung đột không ngừng lại và phát triển theo chiều hướng chiến tranh toàn diện, Armenia sẽ công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nagorno-Karabakh.

Trong cuộc xung đột hiện nay, Azerbaijan mong muốn thay đổi trong khi phía Armenia có xu hướng duy trì hiện trạng. Theo quan điểm của Azerbaijan, vùng Nagorno-Karabakh về pháp lý và lịch sử là hoàn toàn thuộc về họ, lại được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan. Cho đến nay, Chính phủ Azerbaijan chủ trương trao quyền tự trị mức độ cao cho Nagorno-Karabakh để đổi lại việc khu vực này được đặt dưới quyền kiểm soát của Azerbaijan và là một bộ phận lãnh thổ của nước này. Khi mâu thuẫn chưa được giải quyết, có thể nói, thoả thuận ngừng bắn tạm thời chỉ được xem là giờ nghỉ giải lao để hai bên tiếp tục trận chiến mới.

Đấu trường Nga - Thổ Nhĩ Kỳ

Xung đột Nagorno - Karabakh đang cho thấy sự can thiệp và ảnh hưởng của các quốc gia bên ngoài, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Trong khi tất cả các đối tác bên ngoài đều kêu gọi Azerbaijan và Armenia kiềm chế và tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn thì Thổ Nhĩ Kỳ công khai đứng hẳn về phía Azerbaijan và tuyên bố ủng hộ Baku đến cùng. Ankara có mối liên hệ gần gũi về văn hóa và ngôn ngữ với Azerbaijan và là đồng minh chủ chốt của Baku. Cả Thủ tướng và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đều chính thức lên tiếng ủng hộ Azerbaijan trong vấn đề Nagorno-Karabakh và thể hiện rõ lập trường phải khôi phục chủ quyền của Azerbaijan đối với khu vực này. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ không có mối quan hệ ngoại giao với Armenia do tranh cãi về các vụ thảm sát người Armenia thời đế chế Ottoman mà phía Armenia coi là diệt chủng. Để ủng hộ Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa hoàn toàn tuyến biên giới chung với Armenia, cản trở không nhỏ những mối quan hệ thương mại và kinh tế của Armenia với bên ngoài.

Trong khi đó, đối với Armenia, Nga lại là một đồng minh thân cận. Từ sau cuộc chiến 1988-1994, khi Armenia kiểm soát trên thực tế vùng Nagorno - Karabakh, Nga đã đặt căn cứ quân sự tại đây, đồng thời hậu thuẫn Armenia về chính trị lẫn quân sự. Trong xung đột Armenia-Azerbaijan, có thể thấy Moscow nghiêng về phía Armenia nhiều hơn.

Trong bối cảnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang mâu thuẫn, xung đột ở Nagorno-Karabakh có thể xem như phép thử về sức mạnh và ảnh hưởng của mỗi bên nhằm khẳng định chiến thắng với bên kia. Tuy nhiên, một điểm cần chú ý là cách tiếp cận hết sức thực dụng của Nga trong vấn đề này. Hiện nay, Nga đang cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải tích cực. Việc ngừng bắn hôm 5/4 cũng đạt được tại Moscow sau cuộc gặp gỡ giữa đại diện quân đội Azerbaijan và Armenia. Tuy nhiên, bất chấp quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan căng thẳng do chiến sự tại Nagorno - Karabakh, Nga khẳng định vẫn tiếp tục bán vũ khí cho cả hai quốc gia này. Theo lý giải của Thủ tướng Nga Medvedev trên RIA Novosti ngày 9/4, nếu Nga không làm như vậy, khoảng trống trong việc cung cấp vũ khí sẽ ngay lập tức có nước khác lấp vào và gây nguy cơ đe doạ phá vỡ cán cân lực lượng tại khu vực.

Tạm thời, xung đột Nagorno-Karabakh có thể được các bên kiểm soát để không bùng phát và lan rộng, song về lâu dài, nếu không có giải pháp thoả đáng, giao tranh ở điểm nóng này có thể nhanh chóng leo thang dẫn tới những hậu quả khôn lường. Sự bùng phát xung đột giữa hai nước Armenia và Azerbaijan vừa qua cũng cho thấy thế giới đang đứng trước rất nhiều nguy cơ an ninh đòi hỏi các bên liên quan phải nỗ lực giải quyết để đem lại một nền hoà bình mong muốn.