Nagorno Karabakh từ gần 3 thập kỷ nay vốn đã bao hàm ba trong số những đặc điểm về chính trị an ninh, địa lý chính trị và quan hệ quốc tế ở châu Âu trong khoảng thời gian ấy là hệ luỵ của sự tan rã của Liên Xô, là ly khai lãnh thổ và là chạy đua thiết lập khu vực ảnh hưởng.
Ở đây và vì vùng lãnh thổ này từng xảy ra cuộc chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan, đã từng chứng kiến không ít lần đụng độ quân sự giữa hai bên, nhưng mức độ giao tranh vũ trang như đã và đang xảy ta từ mấy ngày nay thì không thấy kể từ sau khi hai bên đạt được thoả thuận ngừng bắn vào năm 1994. Vùng lãnh thổ này vốn thuộc chủ quyền của Azerbaijan nhưng tự tuyên bố độc lập, tức là ly khai Azerbaijan, sau khi Liên Xô tan rã.
Binh lính Azerbaijan tại khu vực xảy ra tranh chấp. Mức độ giao tranh vũ trang giữa hai bên như đã và đang xảy ta từ mấy ngày nay thì không thấy kể từ sau khi hai bên đạt được thoả thuận ngừng bắn vào năm 1994. (Nguồn: AFP/Asia Times) |
Nagorno Karabakh. Bốn bên trong cuộc chơi
Nhân tố tôn giáo và quá khứ lịch sử đóng vai trò rất quyết định trong chuyện này. Đa số dân ở Azerbaijan theo đạo Hồi, còn đa số dân ở Armenia và vùng Nagorno Karabakh theo đạo Thiên chúa. Giữa Armenia và Azerbaijan dai dẳng mối bất hòa do Nagorno Karabakh ly khai Azerbaijan và Armenia ủng hộ Nagorno Karabakh.
Về địa lý, Armenia ở giữa Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ. Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia quan hệ tồi tệ bao nhiêu - hai bên không thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau và đóng cửa biên giới chung - thì giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan lại thắm thiết bấy nhiêu. Thổ Nhĩ Kỳ xưa nay và trong chuyện xung khắc hiện tại luôn đứng về phía Azerbaijan. Nga có căn cứ quân sự ở Armenia nhưng cũng duy trì quan hệ hợp tác quân sự với cả Azerbaijan lẫn Thổ Nhĩ Kỳ. Cho nên không có gì khó để có thể nhận thấy đối với Armenia và Azerbaijan, chuyện Nagorno Karabakh chỉ là chuyện kiểm soát vùng lãnh thổ này trong khi đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, chuyện Nagorno Karabakh là chuyện ảnh hưởng đối với và quan hệ với Armenia và Azerbaijan, là chuyện kiểm soát cả vùng Caucasus và là chuyện chính trị an ninh khu vực. Bốn bên này chơi đồng thời hai ván cờ khác nhau nhưng lại liên quan mật thiết với nhau ở Nagorno Karabakh.
Nagorno Karabakh. Tại sao lại lúc này?
Thoả thuận ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan có từ năm 1994 nhưng cả trong lẫn ngoài khu vực đều biết rằng giao tranh quân sự giữa hai bên vẫn có thể tái bùng phát bất cứ khi nào. Câu hỏi được đặt ra bây giờ vì thế chỉ là tại sao giao tranh lại bùng phát vào thời điểm hiện tại và chuyện Nagorno Karabakh tới đây sẽ ra sao.
Giao tranh dữ dội như vậy tái bùng phát bởi bản chất của cả hai cuộc chơi ấy cũng như mưu tính chiến lược của cả bốn bên không hề thay đổi nhưng tương quan lực lượng giữa các bên với nhau đã thay đổi làm cho hiện trạng lâu nay bị phá vỡ.
Azerbaijan muốn thu lại Nagorno Karabakh. Armenia muốn duy trì việc vùng lãnh thổ này ly khai Azerbaijan. Thổ Nhĩ Kỳ chủ trương vừa tranh thủ Azerbaijan vừa gia tăng áp lực đối với Armenia và vừa tạo dựng cũng như chơi lâu dài con chủ bài chiến lược này trong quan hệ với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi mục tiêu tạo nên vùng ảnh hưởng rộng lớn ở xung quanh, thể hiện uy quyền của cường quốc khu vực.
Cứ xem: Syria, Iraq, Libya, Địa Trung Hải và bây giờ Azerbaijan chẳng phải là chiến lược nhất quán của Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan hay sao? Chẳng phải Azerbaijan đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ hay sao?
Nga cần duy trì quan hệ tốt với cả Armenia và Azerbaijan để duy trì yên bình ở vùng Caucasus. Giao tranh vũ trang bùng phát và leo thang mức độ quyết liệt giữa Armenia và Azerbaijan khiến Nga khó xử. Đối với Nga, vùng Nagorno Karabakh thuộc về ai, do ai quản lý, tự trị hay lệ thuộc không quan trọng và quyết định bằng việc cuộc xung đột ở nơi này vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cả hai bên và khả năng can thiệp để vãn hồi hoà bình của Nga.
Chiến sự tái bùng phát vì vấn đề Nagorno Karabakh luôn có tác động rất mạnh mẽ tới diễn biến tình hình nội trị ở Armenia và Azerbaijan, bởi Azerbaijan biết chắc chắn được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và Armenia tin tưởng được Nga ủng hộ, bởi EU quá bận rộn với chính mình, bởi NATO không với tới được khu vực, bởi Tổ chức An ninh và hợp tác ở châu Âu (CSCE) hiện như rắn không đầu, bởi Mỹ gần như không quan tâm đến trong bối cảnh ngay trước ngày bầu cử tổng thống và bởi Nga hiện phải căng mình ứng phó với NATO và EU. Chiến sự bùng phát vì giải pháp quân sự lại được coi trọng trong giải quyết vấn đề này sau khi qua rất nhiều năm rồi mà không đạt được giải pháp chính trị hoà bình.
Giữa Armenia và Azerbaijan dai dẳng mối bất hòa do Nagorno Karabakh ly khai Azerbaijan và Armenia ủng hộ Nagorno Karabakh. |
Vai trò của các "bên thứ ba"
Sau nhiều năm, Azerbaijan nay mạnh hơn Armenia về nhân lực, tiềm lực kinh tế và quân sự, lại được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn như đồng minh chính trị và quân sự thực thụ. Nhưng Azerbaijan không thể đánh bại được Armenia trong cuộc chiến tranh mới và Armenia cũng không thể chiến thắng Azerbaijan. Muốn duy trì cuộc chiến, cả hai đều phải dựa cậy vào đồng minh bên ngoài. Nga sẽ không để cho Azerbaijan đánh bại Armenia và cũng không giúp Armenia đánh thắng Azerbaijan bởi lợi ích chiến lược hiện tại cũng như lâu dài của Nga không phải là phân định thắng thua trong mối bất hoà này mà là duy trì hiện trạng lâu nay ở khu vực.
Đối với lợi ích chiến lược và địa chính trị của Nga, vấn đề Nagorno Karabakh không giống như những vấn đề Abkhazia và Nam Osetia hay miền đông Ukraine. Nga đồng hành với Thổ Nhĩ Kỳ thật đấy trong cuộc chơi ở Syria nhưng Nga sẽ không để cho Thổ Nhĩ Kỳ thành công trong cuộc chơi với Azerbaijan và Armenia. Thổ Nhĩ Kỳ không dễ dàng chơi con bài Nagorno Karabakh bằng Nga và không thể hiệu quả bằng Nga.
Chiến sự bùng phát giữa Azerbaijan và Armenia cho thấy thoả thuận ngừng bắn giữa hai bên năm 1994 trên thực tế không còn giá trị nữa. Hai bên còn tiếp tục giao tranh với nhau nhưng rồi sẽ đi vào thoả hiệp ngừng bắn mới hoặc sẽ làm sống lại thoả thuận ngừng bắn cũ. Quan hệ song phương xấu thêm đi và vấn đề Nagorno Karabakh vẫn chờ có được giải pháp chính trị hoà bình.