Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth và Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus tại lễ động thổ Trung tâm Y học cổ truyền toàn cầu của WHO tại Jamnagar, bang Gujarat ngày 19/4. (Nguồn: INN) |
Ngày 19/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus và Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth đã cùng dự lễ khởi động Trung tâm Y học cổ truyền toàn cầu của WHO (GCTM) tại thành phố Jamnagar, bang Gujarat, Ấn Độ.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nhấn mạnh, Trung tâm sẽ giúp các quốc gia khai thác sức mạnh của khoa học để củng cố y học cổ truyền, tập trung vào dấu hiệu, dữ liệu, tính bền vững và đổi mới.
Ông Tedros Ghebreyesus chia sẻ: “Hệ thống y học cổ truyền có thể giúp các quốc gia tiến tới bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế an toàn, chất lượng và hiệu quả". GCTM sẽ là một "dự án toàn cầu thực sự" giúp mang lại lợi ích của dược phẩm truyền thống cho mọi người trên thế giới.
Theo người đứng đầu WHO, GCTM sẽ chứng tỏ là một “phương tiện đắc lực” để tăng cường đóng góp của y học cổ truyền trong hệ thống y tế quốc gia. Điều này vốn chưa được thực hiện đầy đủ trong bối cảnh có nhiều thách thức phải đối mặt do thiếu dữ liệu và bằng chứng hệ thống cũng như thiếu cơ chế và hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu.
WHO đặt mục tiêu giúp các quốc gia tích hợp y học cổ truyền vào hệ thống y tế hiện đại, đặc biệt ở tuyến y tế đầu. Theo Tiến sĩ Ghebreyesus, “trong một thế giới lý tưởng, y học cổ truyền sẽ là một lựa chọn được cung cấp bởi một hệ thống y tế hoạt động hiệu quả lấy con người làm trung tâm, cân bằng giữa dịch vụ chữa bệnh với chăm sóc dự phòng, hài hòa với môi trường tự nhiên".
Lễ động thổ Trung tâm Y học cổ truyền toàn cầu của WHO tại thành phố Jamnagar, bang Gujarat, Ấn Độ. (Nguồn: PTI) |
Trong khi đó, Thủ tướng Narendra Modi phát biểu cho hay, GCTM “là sự ghi nhận những đóng góp và tiềm năng của Ấn Độ" trong lĩnh vực y học cổ truyền.
Thủ tướng đã đặt ra 5 mục tiêu cho Trung tâm: xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống tri thức truyền thống sử dụng công nghệ; tạo ra các tiêu chuẩn quốc tế để kiểm tra và chứng nhận các loại thuốc cổ truyền; phát triển như một nền tảng để các chuyên gia toàn cầu về y học cổ truyền cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; huy động nguồn tài trợ cho các nghiên cứu trong lĩnh vực y học cổ truyền; và phát triển các phác đồ điều trị tổng thể các bệnh cụ thể để bệnh nhân có thể hưởng lợi từ cả y học cổ truyền và hiện đại.
Ông Modi nhấn mạnh, "Ấn Độ coi mối quan hệ đối tác này như một trách nhiệm to lớn trong việc phục vụ toàn thể nhân loại".