Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Washington hôm 23/10 nhằm thảo luận về xung đột Armenia-Azerbaijan. (Nguồn: AFP) |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa tổ chức các cuộc họp ngoại giao riêng rẽ với các ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan và hôm 23/10 tại Washington nhằm thảo luận về cuộc giao tranh đang diễn ra giữa hai quốc gia này. Các cuộc gặp này tạo cơ hội cho Washington đánh giá ảnh hưởng của Iran tới cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan. Gần đây, Iran cũng đang phải đối mặt với sự phản đối của Azerbaijan vì ủng hộ Armenia.
Tác động tiêu cực đến an ninh Iran
Tuần trước, hầu hết các cuộc giao tranh tập trung ở các khu vực giáp biên giới với Iran. Azerbaijan đã chiếm lại các vùng lãnh thổ mà Armenia từng chiếm đóng kể từ cuộc chiến tranh 1992–1994. Ngày 22/10, Azerbaijan cho biết đã kiểm soát hoàn toàn biên giới giữa nước này với nước láng giềng Iran. Điều này tạo ra một thực tế chiến lược mới cho Iran. Báo chí Iran đã đưa tin về những lo ngại của Tehran rằng sự thay đổi ở biên giới sẽ có tác động tiêu cực đến an ninh của Iran.
Iran là một quốc gia đa sắc tộc, trong đó 50% dân số là người Ba Tư. Dân tộc thiểu số lớn nhất ở Iran là người Azerbaijan, chiếm khoảng 1/3 dân số Iran. Hầu hết người Azerbaijan của Iran sống ở các tỉnh - Đông Azerbaijan, Tây Azerbaijan và Ardebil – nơi giáp biên giới với Armenia và Azerbaijan đang xảy ra xung đột.
Gần đây, người Azerbaijan ở Iran đã biểu tình tại một số thành phố của Iran nơi họ chiếm đa số, trong đó có thành phố Tabriz và Urmiya, để yêu cầu Iran ngừng vận chuyển nguồn cung cấp sang Armenia. Các cuộc biểu tình này vẫn xảy ra bất chấp việc chính quyền Iran vừa qua đã bắt giữ hàng trăm người biểu tình, đồng thời Tehran cũng nỗ lực triển khai lực lượng an ninh, đặc biệt là ở Tabriz, nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn lan rộng.
Cuối tuần trước, hàng trăm người Azerbaijan ở Iran đã tập trung dọc biên giới tiếp giáp với các vùng lãnh thổ mới tái chiếm để cổ vũ cho các binh sĩ Azerbaijan. Cảnh tượng này gợi nhớ đến khoảng thời gian từ tháng 12/1989 đến tháng 1/1990 khi hai cộng đồng Azerbaijan gặp nhau lần đầu tiên sau gần một thế kỷ khi Liên Xô tan rã.
Hiện chính phủ Iran đang phải đối mặt với một phong trào phản đối mạnh mẽ từ chính người dân. Kể từ tháng 11/2017, trừ thời gian tạm lắng do ảnh hưởng của Covid-19, quốc gia Hồi giáo Iran đã trải qua một làn sóng biểu tình chưa từng có, những người biểu tình thậm chí còn thách thức sự tồn tại của chế độ. Nếu cuộc xung đột của hai nước láng giềng tiếp tục kích động người Azerbaijan ở Iran, sự bất ổn ở Iran sẽ còn dâng cao hơn nữa.
Sự ủng hộ của Iran với Armenia
Trước khi nổ ra chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan vào năm 1992, Iran có đường biên giới dài với Cộng hòa Azerbaijan và một đường biên giới nhỏ hơn với Armenia. Như những gì từng diễn ra trong lịch sử khi Armenia chiếm gần 20% lãnh thổ của Azerbaijan trong giai đoạn đầu của cuộc chiến từ năm 1992 đến 1994, trước tuần vừa qua, quân đội Armenia đã chiếm đóng hầu hết biên giới với Iran, sau khi đẩy người dân tộc Azerbaijan ra khỏi khu vực biên giới. Đây là một tình huống có lợi cho Tehran, quốc gia muốn giảm thiểu đường biên giới chung và sự liên hệ trực tiếp giữa người Azerbaijan ở Iran với người dân Cộng hòa Azerbaijan.
Iran đã hợp tác tốt với chính quyền Armenia, theo đuổi các dự án năng lượng chung và các hình thức phối hợp khác. Sự ưu ái của Iran đối với đường biên giới dài với Armenia được minh chứng bằng sự phản đối quyết liệt của Tehran đối với “Kế hoạch Goble” của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1992, trong đó đề nghị phân cho Armenia một hành lang trên bộ với Nagorno-Karabakh, đồng thời phân chia một hành lang trên bộ qua lãnh thổ Armenia (tách rời với Azerbaijan) cho Azerbaijan là Nakhchevan.
Các cuộc họp hôm 23/10 vừa qua báo hiệu sự sẵn lòng đóng một vai trò nào đó của Mỹ trong sự ổn định khu vực phía Nam Caucasus. Khi đánh giá các chính sách của mình đối với cuộc xung đột này, Washington nên cân nhắc rằng kết quả của xung đột sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi các cường quốc trong khu vực như Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Riêng đối với Iran, xung đột Armenia - Azerbaijan cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định trong nước và an ninh quốc gia của Iran. Và chính sách của Washington đối với cuộc xung đột cần lưu ý tới yếu tố này.
| Tập đoàn Walmart kiện Chính phủ Mỹ liên quan đến thuốc opioid TGVN. Vụ kiện này là cuộc chiến pháp lý mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau nhóm opioid tại Mỹ. |
| Sơn Long Quyền Thuật: Rồng thiêng trở về nguồn cội TGVN. Sơn Long Quyền Thuật, phái võ được phát triển và rất nổi tiếng ở Pháp, giờ lại được theo chân võ sư người Pháp ... |
| Xung đột Armenia-Azerbaijan: Tín hiệu mới từ Mỹ TGVN. Liên hợp quốc và Mỹ đang nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc xung đột bùng phát trở lại giữa Azerbaijan và Armenia. |