Nhờ thế mà tôi đã có thể sống và làm việc ở đó trong suốt 3 năm trời trong cảnh xa quê hương, gia đình, liên lạc hầu như chỉ trông chờ vào bưu điện, nhưng phải mất 2 tháng để gửi/nhận một lá thư. Bù lại, tôi được biết thêm những hiện tượng thiên nhiên mới lạ: những cánh đồng trơ trọi úa vàng trong suốt mùa khô bỗng trở nên xanh tươi khắp lượt chỉ sau ngày đầu mùa mưa; sự tương phản của những sắc màu rực rỡ của cây cỏ, hoa lá, chim, thú...; và những con người bản xứ luôn cho thấy một sự khác biệt bất ngờ giữa vẻ bề ngoài và tâm hồn bên trong của họ.
“Thuỵ Sĩ của châu Phi”
Là những người Việt Nam đầu tiên đến Zimbabwe, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy một nước châu Phi mới giành độc lập mà có các cơ sở hạ tầng khá hiện đại, hệ thống phân phối thuận tiện và các ngành dịch vụ đều vận hành trôi chảy. Đó là một nền kinh tế đang phát triển hài hòa và ổn định.
Chính quyền mới của Zimbabwe đã lựa chọn đúng “giải pháp tình thế” nhằm đạt mục đích chính là duy trì thành quả kinh tế của đất nước. Với chế độ chính trị đã nằm trong tay lực lượng cách mạng do người bản xứ lãnh đạo, Tổng thống Mugabe và những người cộng sự đã tỏ rõ sự tự tin để có thái độ khoan dung đối với cộng đồng người da trắng vốn đang nắm giữ phần lớn nguồn lực của nền kinh tế đất nước. Bên cạnh việc tranh thủ vai trò xây dựng của cộng đồng da trắng, chính quyền mới tạo mọi điều kiện, khuyến khích người da đen bản xứ tham gia vào guồng máy sản xuất, đặc biệt là các trí thức và chuyên gia được đào tạo ở nước ngoài về.
Rõ ràng từ cuối những năm 1980, ở Zimbabwe đang hình thành mô hình xã hội “đa sắc tộc” mà trong đó cộng đồng người da trắng bắt đầu cảm thấy yên tâm ở lại chung sống và làm ăn lâu dài, trong khi người da đen bản xứ cũng có cơ hội làm kinh tế và tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục tốt hơn bất cứ lúc nào trước đó. Phải chăng đó là bí quyết thành công của Zimbabwe khiến dư luận thế giới đã một thời ngưỡng mộ “mô hình độc lập Zimbabwe”?
Có lẽ vì thế mà giới ngoại giao đoàn sở tại đã ví Zimbabwe là “Thụy Sĩ của châu Phi”, và một số cán bộ ngoại giao các nước châu Âu sau khi mãn nhiệm đã quyết định chuyển gia đình sang định cư tại Harare theo kiểu “đất lành chim đậu”.
Nhưng...
Những ngày tươi đẹp đó đã không được dài lâu khi vào cuối những năm 1990, chính quyền tuy vẫn do ông Mugabe đứng đầu nhưng đã bắt đầu phạm một số sai lầm vốn khá phổ biến đối với nhiều quốc gia mới độc lập khác. Hai trong số các sai lầm đó là, dưới danh nghĩa “cải cách ruộng đất” nhiều cán bộ và cựu chiến binh ZANU (PF) đã tước đoạt đất đai và cơ sở sản xuất của của người da trắng để làm giàu cho bản thân. Và điều này tất nhiên đã dẫn đến sự phản kháng không chỉ của cộng đồng da trắng mà của nhân dân nói chung. Những đợt “ra đi” tái diễn, ồ ạt nhất vào năm 2000, gây nên tình trạng chảy máu chất xám và chảy máu vàng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế bình thường của đất nước. Tình hình chính trị - xã hội cũng ngày càng trở nên xáo trộn. Sai lầm thứ hai, năm 2005, Chính phủ thực hiện chương trình cưỡng bức xóa nhà ổ chuột, mà thực tế đã đẩy 18% dân số ra khỏi chỗ ở của họ. Việc này làm tăng thêm bất bình và bất an trong cộng đồng da đen bản xứ.
Cùng với những sai lầm tương tự khác, hai sai lầm trên là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng khủng hoảng kinh tế chính trị như ngày nay. Uy tín của đảng cầm quyền ZANU (PF) và cá nhân nhà lãnh đạo Mugabe suy giảm nghiêm trọng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng, sản xuất đình đốn, hàng hóa khan hiếm, vật giá leo thang và “siêu lạm phát” (khoảng 230 triệu % vào năm 2008). Đồng đôla Zimbabwe (ZWD) một thời khá ổn định ở mức trên dưới 5 ZWD ăn 1 USD, từ năm 2007 liên tục mất giá nhanh chóng.
Có tin, mới đây Chính phủ đã chính thức tuyên bố thay thế đồng bạc quốc gia bằng đồng USD. Nhân dân là những người phải hứng chịu mọi hậu quả, đặc biệt là nạn đói cùng dịch tả đang hoành hành trên khắp đất nước này.
Xét trên mọi khía cạnh, có thể nói cuộc khủng hoảng kinh tế -chính trị ở Zimbabwe hoàn toàn không phải là điều xa lạ, nhất là trong điều kiện chung của châu Phi. Song, với trường hợp cụ thể của Zimbabwe, có một cái gì đó thật đáng tiếc, hay nói cách khác là có thể tránh được..
Dù sao chúng ta vẫn hy vọng Zimbabwe sớm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và phục hồi những thành quả tốt đẹp đã từng đạt được cách đây không lâu.
Trần Kinh Nghị