10 ‘bóng hồng’ ngoại giao có tầm ảnh hưởng trên thế giới |
Dưới đây là 10 “bóng hồng” tiêu biểu và những thành tựu vĩ đại của họ cho nền ngoại giao quốc tế.
Bà Diana Abgar (1859-1937)
Bà Diana Abgar là một nhà văn và một nhà hoạt động nhân đạo người Armenia. Bà là nữ Đại sứ Armenia đầu tiên, đồng thời là một trong những người phụ nữ đầu tiên công tác trong ngành ngoại giao trong thế kỷ XX. Bà Abgar thông thạo nhiều thứ tiếng, bao gồm tiếng Armenia, tiếng Anh, tiếng Hindi, tiếng Ba Tư, tiếng Nhật và tiếng Trung.
Sau khi kết hôn và chuyển đến Nhật Bản cùng chồng, bà Abgar đã đấu tranh và giúp đỡ nhiều người Armenia di cư đến Mỹ khi thảm họa diệt chủng Armenia xảy ra năm 1915.Bà được bổ nhiệm làm Lãnh sự danh dự tại Nhật Bản vào năm 1920.
Bà Rózsa Schwimmer (1877-1948)
Bà Rózsa Schwimmer là người Hungary theo chủ nghĩa hòa bình, nữ quyền.
Là người đồng sáng lập nên Hiệp hội Nữ quyền Hungary, bà Schwimmer cũng cho ra đời một số ấn phẩm và nổi tiếng khắp châu Âu với tư cách là một diễn giả xuất sắc về lĩnh vực nữ quyền.
Khi Thế chiến I nổ ra, bà Schwimmer đã tìm nhiều cách vận động chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình. Bà cũng là người đồng sáng lập Đảng Phụ nữ Hòa bình vào năm 1915.
Bà Schwimmer từng được Thủ tướng Mihály Károlyi bổ nhiệm làm Đại sứ Hungary tại Thụy Sỹ năm 1918 và được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm 1948.
Bà Eleanor Roosevelt (1884-1962)
Bà Anna Eleanor Roosevelt là một nhà chính trị, nhà ngoại giao và là phu nhân của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. Bà Roosevelt từng vận động chồng bổ nhiệm thêm nhiều nữ giới vào các vị trí cấp liên bang. Bà cũng đã sắp xếp hàng trăm cuộc họp báo cho các nữ phóng viên vào thời điểm mà phụ nữ thường bị cấm tham gia các cuộc họp báo của Nhà Trắng.
Sau khi Liên hợp quốc (LHQ) được thành lập, bà Eleanor Roosevelt được bổ nhiệm vào Phái đoàn đầu tiên của Mỹ tại LHQ. Sau đó, bà trở thành Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền LHQ.
Bà Roosevelt trở thành lãnh đạo đầu tiên của Ủy ban Tổng thống về Địa vị của Phụ nữ từ năm 1961 cho đến khi qua đời.
Bà Gabriela Mistral (1889-1957)
Bà Gabriela Mistral (tên thật là Lucila Godoy Alcayaga) là một nhà thơ, nhà giáo dục và nhà ngoại giao người Chile. Bà là phụ nữ Mỹ Latin đầu tiên giành được Giải thưởng Nobel Văn học vào năm 1945.
Từ năm 1924, bà Mistral bắt đầu sự nghiệp ngoại giao tại Chile. Năm 1926, bà đến châu Âu với tư cách là một đặc phái viên chính thức.
Bà Mistral từng là Đại sứ Văn hóa Mỹ Latin, Lãnh sự danh dự của Chile tại Bồ Đào Nha, Brazil, Tây Ban Nha, Italy và Mỹ.
Bà Alva Myrdal (1902-1986)
Bà Alva Reimer Myrdal là một nhà xã hội học, chính trị gia, nhà ngoại giao và người ủng hộ việc giải trừ vũ khí hạt nhân người Thụy Điển.
Bà là một thành viên lâu năm của Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển. Sau Thế chiến II, bà Alva Myrdal hoạt động tích cực trong các vấn đề quốc tế. Bà là nhà điều hành chủ chốt Ủy ban Phát triển xã hội LHQ (1949-1950); là Chủ tịch của Tiểu ban Khoa học xã hội của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) (1950-1955).
Năm 1955, bà Myrdal trở thành nhà ngoại giao nữ Thụy Điển đầu tiên được bổ nhiệm làm Đại sứ. Năm 1961, bà trở thành Đặc phái viên về giải trừ quân bị của Ngoại trưởng Thụy Điển.
Năm 1962, với tư cách Trưởng Phái đoàn Thụy Điển, bà Myrdal tham dự Hội nghị Giải trừ quân bị Geneva. Tại đây, bà tích cực vận động để thúc giục các siêu cường giải trừ vũ khí, phản đối chạy đua hạt nhân, đồng thời ủng hộ các khu phi hạt nhân ở châu Âu.
Bà được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1982.
Bà Suzanne Borel (1904-1995)
Bà Marie Nancy Suzanne Borel là nhà ngoại giao nữ đầu tiên của Pháp.
Năm 1930, bà vượt qua kỳ thi tuyển dụng của Bộ Ngoại giao Pháp (trước năm 1928 không cho phụ nữ dự tuyển).
Mặc dù là nhà ngoại giao nữ đầu tiên của Pháp, bà Borel không coi mình là một nhà nữ quyền mà tự nhận mình “chỉ đơn giản là một phụ nữ có ý thức về sự công bằng, người cảm thấy rằng phụ nữ có khả năng hơn những gì mà trí tuệ thông thường ngụ ý, và công bằng chỉ xuất hiện khi cho phụ nữ một cơ hội”.
Bà Margaret Meagher (1911-1999)
Bà Blanche Margaret Meagher là một nhà ngoại giao, giáo viên người Canada. Từng là giáo viên trung học cơ sở trước Thế chiến II, bà Meagher đã vượt qua kỳ thi tuyển dụng và cùng 12 người khác trở thành những nhà ngoại giao nữ đầu tiên của Bộ Ngoại giao Canada. Bà Meagher trở thành người nữ Đại sứ Canada đầu tiên khi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Israel năm 1958.
Ngoài ra, bà cũng từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Cao ủy của Canada tại Cyprus, Kenya và Uganda; Đại sứ Canada tại Thụy Điển…
Bà Shaista Suhrawardy Ikramullah (1915-2000)
Bà Shaista Suhrawardy Ikramullah là một chính trị gia, tác giả và nhà ngoại giao gốc Pakistan-Bengali.
Bà là phụ nữ châu Á và Hồi giáo đầu tiên của Đại học London nhận được bằng Tiến sĩ.
Năm 1947, bà Ikramullah từ Ấn Độ di cư đến Pakistan và trở thành một trong hai phụ nữ được bầu vào Quốc hội lập hiến, cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới của quốc gia.
Nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy quyền của các nhóm tôn giáo thiểu số và phụ nữ, bà Ikramullah được bổ nhiệm vào Phái đoàn Pakistan tại LHQ và được chọn vào các ủy ban soạn thảo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng.
Bà Ikramullah cũng từng là Đại sứ Pakistan tại Morocco.
Bà Sadako Ogata (1927-2019)
Bà Sadako Ogata là một giáo sư và nhà ngoại giao Nhật Bản.Sau khi trở thành phụ nữ Nhật Bản đầu tiên là đại diện tại LHQ (1976), bà Ogata tiếp tục trở thành đại diện Nhật Bản tại Ủy ban Nhân quyền LHQ (1982-1985).
Năm 1991, bà trở thành người Nhật Bản và học giả đầu tiên được chọn làm Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR).
Trong suốt nhiệm kỳ, bà Ogata đã đóng góp vào các hoạt động nhân đạo ở Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Rwanda, Nam Tư cũ và nhiều quốc gia khác, cứu sống vô số người tị nạn.
Bà Angela King (1938-2007)
Bà Angela Evelyn Vernon King là một nhà ngoại giao, người thúc đẩy quyền phụ nữ gốc Jamaica.
Tham gia Ban Thư ký LHQ (1966), bà King hoạt động tích cực vì sự tiến bộ của phụ nữ; trở thành thành viên sáng lập Nhóm vì Quyền Bình đẳng cho Phụ nữ (GERWUN) và là Chủ tịch Ban Chỉ đạo cấp cao của Ban Thư ký về Cải thiện Địa vị của Phụ nữ.
Bà cũng là người giám sát Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ (DAW) và lãnh đạo Mạng lưới Liên cơ quan về Phụ nữ, Giới và Bình đẳng (IANWGE).
Bà King từng giữ chức vụ Trưởng Phái đoàn Quan sát viên LHQ tại Nam Phi (UNOMSA), và trở thành một trong hai người phụ nữ lãnh đạo một phái bộ của LHQ.
Các hoạt động ngoại giao và nỗ lực vận động của bà đối với Hội đồng Bảo an đã dẫn tới việc thông qua Nghị quyết 1325 về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh năm 2000.
Tổng thư ký LHQ Kofi Annan từng bổ nhiệm bà King làm Cố vấn đặc biệt về các vấn đề giới và sự tiến bộ của phụ nữ vào năm 1997.