Trong suốt 75 năm hình thành và phát triển (28/8/1945-28/8/2020) ngành Ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp vệ quốc vĩ đại và sự phát triển mạnh mẽ của dân tộc và đất nước, góp phần nâng cao vị thế của non sông, đất nước ta không chỉ trong khu vực mà cả trên trường quốc tế, đúng như ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Sánh ngang với các cường quốc năm châu”.
Từ góc nhìn của một nhà ngoại giao trẻ, tôi xin mạn phép đưa ra 2 dấu ấn đậm nét của Ngành, mà có lẽ rất nhiều nhà ngoại trẻ đều tự hào khi nghĩ về.
Một là ngoại giao vệ quốc. Ngành ngoại giao được thành lập trong bối cảnh đất nước đang phải giương mình chống chọi với thù trong giặc ngoài, vào thời điểm đó, hơn lúc nào hết Bộ Ngoại giao cần phải được thành lập để phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta.
Sự ra đời của ngành Ngoại giao đã tạo góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, và các quốc gia tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Mặt trận ngoại giao đã mở ra ánh sáng cho cả thế giới thấy được tính chính nghĩa trong cuộc chiến vệ quốc của cả một dân tộc.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27/1/1973. (Nguồn: Lưu trữ Bộ Ngoại giao) |
Giai đoạn từ năm 1945-1975, đất nước chứng kiến nhiều vị lãnh đạo ngành Ngoại giao xuất sắc như Hồ Chí Minh, Hoàng Minh Giám, Ung Văn Khiêm… trong số đó có cố Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh - người đã vinh dự đại diện cho đất nước ta ký Hiệp định Paris vào năm 1973 chấm dứt chiến tranh và mang lại hòa bình toàn vẹn cho Tổ quốc.
Giai đoạn từ năm 1979-1991, đất nước ta một lần nữa rơi vào thế bị bao vây, cô lập của các thế lực thù địch với cái lý do gọi là “Việt Nam xâm lược Campuchia”. Điều này là hoàn toàn vu khống, một sự bất công đối với một dân tộc luôn nêu cao ngọn cờ chính nghĩa, sẵn sàng hy sinh xương máu để gìn giữa hòa bình của khu vực và thế giới.
Đối mặt với thách thức này, cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã cùng với các nước bạn Lào, Campuchia và các nước bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới đấu tranh với Mỹ, Trung Quốc, các nước ASEAN… giành lại công bằng và tính chính nghĩa cho không chỉ dân tộc ta, mà còn giúp tạo nền tảng cho nước bạn Campuchia hồi sinh và phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Hai là ngoại giao phát triển đất nước. Sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết, dưới sự chỉ đạo tài tình và sáng suốt cả Đảng và Nhà nước, ngành Ngoại giao đã tạo những dấu ấn đậm nét khi dần phá thế bao vậy cô lập, trong đó có việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, gia nhập ASEAN, WTO…, từng bước đưa đất nước hội nhập với khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh thế và lực của ta ngày càng được củng cố và trước những yêu cầu, thách thức mới, ngành Ngoại giao một lần nữa phát huy vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời quảng bá hình ảnh tốt đẹp, thân thiện của dân tộc ta ra toàn thế giới.
Việt Nam được các nước trên thế giới và khu vực tin tưởng bầu vào các vị trí quan trọng, có ý nghĩa định hình và thúc đẩy các cơ chế giải quyết các vấn đề mang tính toàn cẩu. Việt Nam vinh dự 2 lần đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu rất cao, đặc biệt là nhiệm kỳ 2020-2021 với 192/193 phiếu.
Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với 192/193 số phiếu. |
Ngoài ra, Việt Nam nhiều lần đảm nhiệm các vị trí cao trong Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc, IPU, AIPA, APPF… Ở khu vực, Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN lần đầu tiên vào năm 2010 và hiện đang là Chủ tịch ASEAN 2020.
Có thể nói, năm 2020 là một năm đại thành công của ngành Ngoại giao Việt Nam bởi dù phải đối mặt với rất nhiều thách thức, kể cả thách thức truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19, nhưng Việt Nam tiếp tục nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế với những đề xuất, sáng kiến nổi bật trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN.
Trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của nền tảng khoa học kỹ thuật trên toàn cầu, ngành Ngoại giao đã đi tắt, đón đầu khi mạnh dạn áp dụng các ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào các sự kiện quan trọng, góp phần duy trì và tăng tính kết nối giữa không chỉ Việt Nam với các nước, mà giữa các khu vực trên thế giới. Các hội nghị trực tuyến liên tiếp được Việt Nam chủ trì tổ chức, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra vào tháng 6/2020 với sự tham dự của các nước thành viên ASEAN, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát.
Với bề dày lịch sử hào hùng của Ngành, tôi tin tưởng chắc chắn rằng ngành Ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển mình theo dòng chảy của thời cuộc, để luôn là người tiên phong trong công cuộc bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc.
Là một nhà ngoại giao Việt Nam đang công tác tại đất nước chùa tháp, tôi nguyện hết sức mình để trở thành cầu nối cho mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” của hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam - Campuchia anh em, để xứng đáng với những xương máu mà cha ông đã hy sinh cho mối quan hệ thiêng liêng này.
Lễ tuyên ngôn độc lập của Việt Nam trong mắt những người bạn Mỹ TGVN. Cách đây tròn 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng ... |
Nền ngoại giao toàn diện Việt Nam trong hội nhập quốc tế TGVN. Trên chặng đường lịch sử 75 năm, Ngoại giao Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của ... |
Ngoại giao Việt Nam đồng hành cùng đất nước TGVN. Trong chặng đường dài kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ngoại giao Việt Nam đã được tôi luyện ... |