📞

24 giờ ở Fukuoka

22:27 | 30/01/2014
Chỉ có 24 giờ đến với Fukuoka nhân chuyến công tác dài ngày tham gia chuỗi sự kiện Những ngày Việt Nam tại Nhật Bản 2013, nhưng vùng đất này đã cuốn hút tôi ngay từ giây phút đầu tiên.

Đặt chân xuống sân ga Hakata - ga đường sắt chính của thành phố Fukuoka vào lúc 8h sáng và kết thúc lịch trình vào 7h30 tối. Vậy là chúng tôi còn gần 5 giờ để tìm hiểu Fukuoka, trước hành trình tới Nagoya vào sớm hôm sau.

Fukuoka ở bờ biển phía bắc đảo Kyushu - một trong bốn đảo chính ở cực Nam của Nhật Bản. Thành phố có sự kết hợp hài hòa của vẻ đẹp thiên nhiên và sức quyến rũ của một đô thị truyền thống. Tuy nhiên, Fukuoka còn là một trung tâm thương mại nhộn nhịp, nơi khởi nguồn của những trào lưu thời trang, văn hóa lan ra khắp nước Nhật. Rất nhiều chuyến bay quốc tế từ nhiều quốc gia khác nhau khởi hành và hạ cánh nơi "cửa ngõ tới châu Á" này.

Tuy nhỏ hơn Tokyo về quy mô, nhưng nếu muốn tìm một nơi mua sắm và ẩm thực thì sức quyến rũ của Fukuoka không hề thiếu sự tràn đầy. Quả không hổ danh là một trong những nơi "dễ sống nhất thế giới", theo bình chọn của tạp chí uy tín Monocle.

Không chỉ có vậy, Fukuoka còn có một cuộc sống khác về ban đêm. Cởi bỏ vẻ hào nhoáng theo kiểu trung tâm thương mại, Fukuoka khoác lên mình tấm áo cổ truyền với rèm cửa và đèn lồng lung linh, ấm cúng.

Nếu Nhật Bản nổi tiếng về ẩm thực, thì Fukuoka thực sự là một trong những điểm đến với ẩm thực đường phố độc đáo. Theo con số không chính thức thì có khoảng 150 gian hàng ăn trên khắp đường phố nơi đây, được gọi là yatai. Yatai là những nhà hàng nhỏ xinh, thường được thu gọn lại vào buổi đêm trước khi mở bung vào sáng hôm sau.

Loanh quanh qua nhiều ngõ nhỏ, chúng tôi bước vào một quán ăn cũng nhỏ, cửa đóng kín, bên ngoài trang trí theo kiểu rèm che với hai màu đen và trắng, có cả đèn lồng như bất kỳ quán ăn cổ truyền nào. Bên trong phòng nhỏ, nhưng trang trí từ đèn lồng, gốm sứ và tường vách, cửa lùa đặc sệt một dạng quán ăn Nhật truyền thống. Một chiếc bàn thấp ở giữa và mọi người ngồi phệt xung quanh. Bát ăn, đũa và đồ dùng đều là đồ thủ công địa phương.

Món đặc sản đầu tiên được đưa ra là… cá mực sống. Cá mực còn tươi nguyên, thái ra từng miếng nhỏ, bày trên đá lạnh, chấm với thứ nước chấm đặc biệt của vùng. Từng nhiều lần thưởng thức Sashimi với cá hồi hay cá ngừ sống, nhưng đây là lần đầu tiên tôi biết có món cá mực ăn sống. Tôi còn được biết, ở Fukuoka, thịt gà sống và đầy đủ lục phủ ngũ tạng cũng là đặc sản để đãi khách.

Thưởng thức cùng các món sống không thể thiếu rượu Saké đã được hâm nóng. Thứ rượu nhè nhẹ với mùi thơm ngòn ngọt, giúp việc thưởng thức các đặc sản địa phương trở nên thật hoàn hảo. Điều đặc biệt là tất cả các món sống ở đây đều trở nên không tanh, rất dễ ăn, thậm chí rất ngon và theo lý thuyết là rất bổ dưỡng!

Chúng tôi buộc phải kết thúc hành trình khám phá vào lúc đã quá nửa đêm, nhưng các cửa hàng bên đường vẫn sáng đèn, đường phố xe cộ vẫn đi lại, mọi người vẫn đi mua sắm và thưởng thức ẩm thực xứ Fukuoka.

Trở về sau chuyến đi, tôi có ghé qua một số website hỏi về du học Fukuoka, liệu họ nên chọn Fukuoka hay những nơi vốn đã nổi tiếng như Tokyo, Osaka…

Fukuoka có rất nhiều trường đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp, trong đó có các trường có đẳng cấp hàng đầu Nhật Bản. Hiện rất nhiều du học sinh từ trên 60 quốc gia đến theo học và tham gia nghiên cứu chuyên ngành tại đây. Cố giáo sư, nhà nông học hàng đầu của Việt Nam Lương Định Của cũng đã lấy bằng tiến sỹ tại Đại học tổng hợp Kyushu - một trong những trường đại học quốc lập lớn nhất của Nhật Bản tại Fukuoka.

Dĩ nhiên, thư viện, viện bảo tàng, khu văn hóa, giải trí, thể dục thể thao… đều sẵn sàng phục vụ. Không phải tiêu tốn quá nhiều tiền bạc, Fukuoka vẫn đầy sự hấp dẫn và thích hợp cho du học sinh.

Thanh Trúc