Trước tình hình một số vụ bạo hành trẻ em liên liên tục xảy ra gần đây, ngày 22/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em để nghe các bộ, ngành hữu quan báo cáo, trao đổi, phân tích, làm rõ nguyên nhân cũng như xác định giải pháp khắc phục, phòng ngừa, giảm thiểu các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên giải trình về công tác "Tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em” được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, ngày 22/2 tại Nhà Quốc hội. (Nguồn: TTXVN) |
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì và chỉ đạo phiên giải trình.
Tham dự Phiên giải trình có các đại biểu Quốc hội là Thường trực của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban: Văn hóa, Giáo dục; Tư pháp; Xã hội; Tài chính-Ngân sách; Khoa học-Công nghệ; các bộ, ngành, cơ quan giải trình và phối hợp giải trình; đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức quốc tế.
Số vụ việc bạo hành trẻ em vẫn ở mức cao
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã kịp thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các ban, bộ, ngành, tổ chức quốc tế có liên quan chuẩn bị nội dung, chương trình phiên giải trình.
Đây là hoạt động thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với những vấn đề cử tri, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm; cũng là tiếp tục thực hiện các văn bản, chỉ thị của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Quốc hội.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trong những năm qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực. Các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp và mạng lưới cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em từ trung ương đến địa phương, cơ sở.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã gây tổn thất nặng nề trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam; việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, đi kèm với áp lực kinh tế và đời sống khó khăn tăng lên đối với các gia đình, dẫn đến bạo lực gia tăng với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em - "những chủ nhân tương lai của đất nước".
Thời gian qua, dư luận xã hội rất bức xúc và đau lòng khi các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về các vụ việc bạo hành trẻ em gây hậu quả rất nghiêm trọng. Báo cáo của các cơ quan gửi tới Quốc hội cho thấy các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em tuy đã giảm nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn ở mức cao. Điều đó cho thấy, những việc chúng ta đã và đang thực hiện chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn là chưa đủ.
Trẻ em bị bạo lực nhiều nhất bởi người thân trong gia đình
Báo cáo tóm tắt về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, trong đó có nhóm quyền được bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 2 nghị định; 4 quyết định và 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 2 thông tư, 3 quyết định và 2 công điện của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em.
Với trách nhiệm là cơ quan điều phối, phối hợp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham gia với các bộ, ngành trung ương trong xây dựng chính sách, pháp luật và văn bản đôn đốc, hướng dẫn thực hiện quyền bảo vệ trẻ em. Các cơ quan thông tin, truyền thông, mạng xã hội quan tâm đến công tác bảo vệ trẻ em. Những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em gây ra bởi người quen, thành viên trong gia đình trở thành vấn đề xã hội bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, theo dõi, đánh giá.
Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan chức năng cấp trung ương và chính quyền một số địa phương trong chỉ đạo, giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em đã từng bước củng cố niềm tin của người dân, tạo sự ủng hộ từ dư luận xã hội, đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội có sự phối hợp, hợp tác tốt trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến quyền trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được trên, báo cáo của Bộ trên nêu rõ tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 mặc dù giảm 1,6% về số vụ nhưng diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, trong năm 2021, trên toàn quốc phát hiện 1.914 vụ xâm hại trẻ em, với 2.198 đối tượng, xâm hại 1.987 em, giảm 31 vụ so với năm 2020; song tại 19 tỉnh, số vụ lại tăng trên 15% và 15 tỉnh, thành phố, số vụ tăng dưới 15%. |
Công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức, như trong năm 2021, theo báo cáo của Tổng đài 111, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 72,84%, tăng 5,3% so với năm 2020.
Từ đó, để xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội như vụ mẹ đẻ bạo hành con gái 6 tuổi ở Hải Dương; vụ bé gái 8 tuổi bị "người tình" của bố bạo lực ở Thành phố Hồ Chí Minh dẫn tới tử vong; vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị "cha dượng" bạo hành, đóng đinh vào đầu; vụ người bố dùng dao cứa cổ 2 con…
Việc thông tin, thông báo, tố giác các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại thực hiện chưa tốt, vẫn còn một nhiều người thờ ơ, vô cảm, không thông tin, thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ trẻ em.
Các kênh thông tin, truyền thông, bao gồm cả truyền thông đại chúng, mạng xã hội vẫn còn vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em và tập trung đưa quá nhiều, khai thác chi tiết về một số vụ việc, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác bảo vệ trẻ em đã đạt được trong thời gian qua.
Việc phối hợp cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời; mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em một số nơi, một số thời điểm bị gián đoạn, ảnh hưởng đến cung cấp, kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em và gia đình các em.
Năm 2021, nhiều hoạt động có sự tham gia của trẻ em chưa được tổ chức hoặc nhiều tỉnh, thành phố không thể tổ chức được do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Tổng đài 111, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 72,84%, tăng 5,3% so với năm 2020. |
Một số nguyên nhân của những tồn tại trên là công tác chỉ đạo về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đầu tư nguồn lực cho công tác trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại một số địa phương, trường học, cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mức; sự xuống cấp về đạo đức của một nhóm xã hội, xuất hiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trong một bộ phận người dân…
Các đại biểu đã đề xuất giải pháp cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm, vai trò của gia đình, của ông, bà, cha, mẹ và các thành viên khác trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em; đưa nội dung về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, văn hóa cơ sở, du lịch và cho đối tượng là các già làng, trưởng bản; tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực học đường trong các nhà trường sau đại dịch Covid-19, chú trọng công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trường học để giải quyết những vấn đề sang chấn, áp lực tâm lý đối với trẻ em sau thời gian dài học tập trực tuyến, đẩy mạnh xây dựng môi trường an toàn, thân thiện trong các nhà trường.
| Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội Chiều 10/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường ... |
| UNICEF: Cần có những hành động quyết liệt để bảo vệ trẻ em Theo UNICEF, năm 2021 đã xảy ra 'hàng loạt những vụ vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là ở các nước đang xảy ra ... |