📞

5 năm phán quyết PCA về Biển Đông, lập trường của các nước đã 'xoay trục'

Thái Bình 09:25 | 27/07/2021
Lập trường của các bên sau 5 năm phán quyết về Biển Đông đã có nhiều sự thay đổi.
PCA ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines vào ngày 12/7/2016 tại The Hague, Hà Lan. (Nguồn: PCA)

Philippines từng gác lại phán quyết

5 năm trước, Bắc Kinh ngang nhiên phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague bởi phán quyết này cho rằng, những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không hề có nền tảng pháp lý.

Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thời điểm đó, nhận định, phán quyết đưa ra tại The Hague hồi tháng 7/2016 chỉ là "tờ giấy lộn" mà Trung Quốc sẽ không thừa nhận hay thi hành.

Trong khi đó, dù Mỹ tuyên bố phán quyết này là vô cùng "quyết đoán", song những đảm bảo an ninh mà nước này đưa ra cho Philippines lại không nhấn mạnh rằng, hiệp ước phòng thủ chung có bao trùm cả những vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.

Không có nhiều quyền lực để thực thi phán quyết có lợi cho Philippines, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - người đã nhậm chức sau chiến thắng vang dội vào tháng 5 cùng năm đó - đã đến Bắc Kinh vào tháng 10/2016 và tuyên bố Manila sẽ tạm gác lại phán quyết này.

Các nước đều đột ngột "xoay trục"

Cũng chính trong chuyến đi đó, ông Duterte tuyên bố rằng, "Mỹ đã thua" và chuyển sang nồng nhiệt đón nhận nguồn đầu tư và thương mại từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, giờ đây, sau nhiều năm căng thẳng liên tiếp leo thang ở Biển Đông - một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới - phán quyết lại có một ý nghĩa mới.

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm ra phán quyết ngày 12/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố hiệp ước phòng thủ chung của Washington với Manila bao hàm cả một cuộc tấn công ở Biển Đông.

Trong khi đó, Bắc Kinh đáp trả bằng cách một lần nữa gọi phán quyết này là một "tờ giấy lộn" và là "trò hề chính trị do Mỹ khởi xướng và thao túng để bôi nhọ và đàn áp Trung Quốc".

Nhà nghiên cứu Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam Singapore cho rằng, việc các nước viện dẫn phán quyết năm 2016 là điều "đặc biệt khó chịu" đối với Bắc Kinh, song "không thể đe dọa vị thế của Trung Quốc ở Biển Đông".

Ông nói: "Trong những năm qua, đặc biệt là với việc tạo ra các tiền đồn trên đảo nhân tạo cùng đà phát triển ổn định về năng lực quân sự và tuần duyên ở Biển Đông cũng như các khu vực xung quanh, Trung Quốc có vẻ thoải mái và tự tin hơn về vị trí của nước này trong khu vực...

Tôi cho rằng, Bắc Kinh sẽ duy trì lập trường đối với phán quyết năm 2016 và khó có thể lùi bước trước sức ép từ Mỹ hoặc chỉ vì mục tiêu tăng cường quan hệ với ASEAN".

Ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, cho rằng Trung Quốc khó có thể nhượng bộ đáng kể trong đàm phán về một quy tắc ứng xử, và áp lực của Mỹ sẽ chỉ khiến Trung Quốc "thận trọng hơn và miễn cưỡng thúc đẩy bộ quy tắc".

Trong tuyên bố được đăng tải trước lễ kỷ niệm phán quyết Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin khẳng định, phán quyết đã "giải quyết một cách rõ ràng tình trạng của các quyền lịch sử và các quyền hàng hải ở Biển Đông", và rằng Manila hoan nghênh "ngày càng có nhiều quốc gia tham gia ủng hộ phán quyết và những gì mà phán quyết đại diện".

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, chính quyền của Tổng thống Duterte, vốn vẫn tiếp tục hoài nghi Mỹ trong khi lại không ngừng vun đắp quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, có thể sẽ không thay đổi đáng kể lộ trình của mình.

Theo Chester Cabalza, Chủ tịch và người sáng lập Tổ chức Hợp tác An ninh và Phát triển quốc tế, bất chấp tuyên bố của Ngoại trưởng Antony Blinken gần đây về mối quan hệ Mỹ-Philippines, người ta vẫn nghi ngờ về sự chân thành của Mỹ trong việc giúp đỡ đồng minh này.

Tín hiệu rõ nét nhất là việc chính quyền của Tổng thống Duterte tiến hành xem xét Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) được hai bên ký từ năm 1999.

Chuyên gia Cabalza nói: "Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden... Bất cứ điều gì Washington làm vào lúc này đối với Manila đều thiếu giá trị, và ông Dutterte tìm thấy một số câu trả lời cho sự hoài nghi của mình từ Bắc Kinh.

Trung Quốc đang đi trước Mỹ một bước trong việc ‘lôi kéo’ Philippines, bất chấp chính sách đối ngoại đảo chiều và chính sách ôn hòa của Manila tại Biển Đông".

Biển Đông và chính quyền Philippines mới

Biển Đông cũng được coi là một vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới tại Philippines, nhất là sau tranh chấp tại Đá Ba Đầu.

Ngày càng có nhiều nhân vật trong giới quân sự, những người có xu hướng ủng hộ Mỹ hơn, bất bình về vấn đề này và không hài lòng với điều mà họ cho là sự nhượng bộ của ông Duterte khi không tận dụng hết phán quyết của tòa.

Để đối phó với áp lực trong nước, quân đội Philippines đã tăng cường hiện diện ở các vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền, và Tổng thống Duterte tuyên bố rằng, các tàu của Philippines ở gần quần đảo Trường Sa sẽ "không lùi một centimeter nào".

Tuy nhiên, bất chấp những thực tế trên, sự nhiệt tình của cử tri đối với ông Duterte không hề giảm sút dù ông không thể tái tranh cử tổng thống, và chỉ bóng gió nói đến khả năng đảm nhận cương vị phó tổng thống, trong khi con gái ông đang dẫn đầu các cuộc thăm dò với tư cách là ứng cử viên tổng thống tiềm năng.

Du Chí Dung - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thái Bình Dương, một viện nghiên cứu chính sách tại Trung Quốc - cho rằng, ông Duterte có rất ít lý do để thay đổi lập trường về Trung Quốc ở thời điểm này, vì Bắc Kinh chưa bao giờ công nhận phán quyết của tòa trọng tài.

Ông nói: "Washington không hài lòng với ông Duterte vì ông ấy đã phát triển quan hệ khá thân thiết với Trung Quốc, thay vì có lập trường cứng rắn chống lại nước này bằng phán quyết của tòa trọng tài... Tuy nhiên, Mỹ khó có thể kích động Duterte tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc, vì ông ấy cho rằng Philippines có thể hưởng lợi nhiều hơn từ quan hệ hữu nghị hơn là đối đầu với Trung Quốc".

Trong khi đó, Jeffrey Ordaniel, Giám đốc phụ trách các chương trình hàng hải tại Diễn đàn Thái Bình Dương, nhận định việc Tổng thống Duterte thay đổi quan điểm về Biển Đông ở thời điểm hiện tại sẽ chẳng khác nào thừa nhận sự thất bại của "chính sách xoa dịu".

Theo ông, những tuyên bố của Mỹ về phán quyết năm 2016 và hiệp ước quốc phòng sẽ gây "áp lực nhiều hơn đối với Trung Quốc, không nhất thiết khiến họ đảo ngược hướng đi, song sẽ phải suy nghĩ kỹ hơn trước khi leo thang căng thẳng với Manila".

Tuy nhiên, quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề này sẽ chỉ ngày càng mạnh mẽ hơn, ngay cả khi tân Tổng thống Philippines tỏ ra đối nghịch hơn với Bắc Kinh.

Giáo sư về chính sách David Denoon - làm việc tại trường Đại học New York, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - bình luận: "Phát biểu của ông Blinken tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Philippines là một phần trong nỗ lực tổng thể nhằm đảm bảo với Philippines và các đồng minh khác rằng, Mỹ là một đối tác an ninh đáng tin cậy và sẽ tôn trọng các cam kết trong hiệp ước...

Nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte sẽ sớm kết thúc, vì vậy những bình luận của Ngoại trưởng Mỹ có lẽ là nhằm báo hiệu sự ủng hộ lâu dài của Mỹ khi các ứng cử viên kế nhiệm ông Duterte dần lộ diện".

(theo SCMP)