Ngày 29/9/1972, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Kakuei Tanaka và Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Ân Lai đã ký Tuyên bố chung bình thường hóa quan hệ ngoại giao. (Nguồn: Mainichi Japan) |
Ước nguyện xưa và nỗi lòng nay
Để đánh dấu kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ, Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí phát hành một bộ tem đặc biệt vào đúng ngày 29/9, ngày Tuyên bố bình thường hóa quan hệ song phương được ký kết cách đây tròn 50 năm.
Bộ tem thể hiện hình ảnh chú gấu trúc dễ thương được vẽ bằng mực đen (loại mực chuyên được sử dụng để viết thư pháp) đang cầm ngọn trúc kèm với hoa anh đào (quốc hoa của Nhật Bản) và hoa mẫu đơn (quốc hoa của Trung Quốc).
Chú gấu trúc đầu tiên được đưa tới Nhật Bản vào năm 1972, là biểu tượng cho sự kiện bình thường hóa quan hệ giữa 2 quốc gia Đông Bắc Á này.
Ngày 29/9/1972, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Kakuei Tanaka và Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Ân Lai đã ký Tuyên bố chung, trong đó nêu rõ: “Hiện thực hóa nguyện vọng của người dân 2 nước về việc chấm dứt chiến tranh và bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật sẽ đi vào lịch sử quan hệ song phương, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới của mối quan hệ này”.
Không giống như bầu không khí cách đây 50 năm, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều không lên kế hoạch tổ chức kỷ niệm ngày đáng nhớ này một cách rầm rộ vào năm nay. Quốc tang cựu Thủ tướng Abe Shinzo được cử hành vào ngày 27/9, chỉ 2 ngày trước sự kiện kỷ niệm chính thức, gần như “chiếm sóng” toàn bộ truyền thông Nhật Bản. Tuy nhiên, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trực tiếp đến Nhật Bản tham dự lễ quốc tang cũng là một hoạt động gây nhiều chú ý.
Nhưng đó chỉ là những lý do bề nổi. Có những nguyên nhân sâu xa đang tạo ra bầu không khí nguội lạnh nhất định trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản. Xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng ở Eo biển Đài Loan khiến dư luận Nhật Bản thay đổi đáng kể mức độ quan tâm đối với các sự kiện liên quan đến quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản.
Xung đột tại Ukraine khiến người dân Nhật Bản lo lắng rằng cuộc sống bình yên này có thể bị phá hủy bất kỳ lúc nào, đồng thời quan ngại về một tình huống xấu có thể xảy ra ở Eo biển Đài Loan, tác động trực tiếp đến an ninh của Nhật Bản.
Mặt khác, tại Trung Quốc, tiếng nói chỉ trích Nhật Bản ngày càng gia tăng kể từ cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản hồi năm ngoái. Đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo Nhật Bản “cần thận trọng trong các bước đi và không nên 'nhặt hạt dẻ trong đống lửa'”. Mức độ thể hiện lập trường của Trung Quốc đối với Nhật Bản đã khiến cho tình cảm của người dân Trung Quốc đối với Nhật Bản giảm sút đáng kể.
Trong bầu không khí đó, ngày 17/8 vừa qua một cuộc hội đàm giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Nhật Bản và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được tiến hành, kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, bức ảnh được hai bên công bố trên báo chí không có hình ảnh quốc kỳ đằng sau, chỉ có 2 cây xanh cùng 2 quan chức Trung Quốc, Nhật Bản không bắt tay. Tất cả tạo ra cảm giác trống vắng và lạnh lẽo.
Rõ ràng, quan hệ Nhật-Trung đang ở ngã ba đường và đầy khó khăn. Quan hệ giữa 2 nước sẽ ổn thỏa hơn nếu vẫn giữ được cách nhìn và cách tiếp cận trên cơ sở hướng tới ổn định quan hệ song phương phù hợp với tình hình mới.
Quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản đứng trước nhiều khó khăn. (Nguồn: China Daily) |
Một “vách ngăn mềm" kiềm chế xung đột
50 năm kể từ khi 2 nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, đã có những thay đổi lớn ở nhiều cấp độ, trên cả lĩnh vực chính tị, kinh tế, xã hội ở mỗi nước.
Giai đoạn từ những năm 1970-1980, “tình hữu nghị Nhật Bản-Trung Quốc” là mục tiêu hướng tới của quan hệ song phương. Đặc biệt là những năm 1980, Trung Quốc với nhu cầu khổng lồ về vốn và công nghệ tiên tiến từ các nước phương Tây đã đặt quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính sách đối ngoại, thậm chí coi trọng hơn cả Mỹ và các nước châu Âu.
Suốt 5 thập kỷ, quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc đã có những bước chuyển rõ rệt, nhưng dường như có sự tách biệt giữa chính trị và giao lưu nhân dân. Hẳn còn rất ít người Nhật Bản nhớ đến bộ phim Mikan no taikyoku, ra mắt năm 1982 với sự hợp tác của các nhà sản xuất Nhật Bản và Trung Quốc và đã trở thành "cơn sốt" tại Trung Quốc. Sau bộ phim, dư luận nhân dân 2 nước đều kỳ vọng về tương lai tốt đẹp, vượt qua những dư âm sót lại của chiến tranh và hướng tới hòa giải dân tộc. Nhiều người Nhật Bản thời đó đã vô cùng yêu mến đất nước Trung Quốc.
Nhìn vào lịch trình các sự kiện trong năm kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ có thể thấy rõ điều đó. Các cuộc thi hùng biện bằng tiếng Trung, cuộc thi tìm hiểu về Nhật Bản, giao lưu học sinh, sinh viên Nhật-Trung, triển lãm thư pháp, hòa nhạc... được 2 bên phối hợp tổ chức đã gợi nhớ lại bầu không khí của những năm 1980.
Các loại hình giao lưu đa dạng theo phong cách “gấu trúc và hoa anh đào” đang phát huy vai trò quan trọng đối với tổng thể quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc, vốn chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố chính trị và an ninh. Ngay cả khi không nhận được nhiều quan tâm từ chính phủ 2 nước, các hoạt động giao lưu về điện ảnh, ngôn ngữ vẫn không ngừng phát triển. Dường như chính phủ 2 nước đang cố gắng tạo nên một “vách ngăn” an toàn để vấn đề chính trị không làm ảnh hưởng đến giao lưu chính trị và xã hội.
Từ góc độ đó, với bối cảnh tình hình địa chính trị quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, việc chính phủ Nhật Bản và Trung Quốc cùng nỗ lực duy trì liên lạc và đối thoại đóng vai trò quan trọng hàng đầu, và “vách ngăn” để kiềm chế xung đột đang được thúc đẩy.