📞

75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới: Thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam

PGS.TS. NGUYỄN THANH TUẤN 20:00 | 26/02/2024
Là thành viên tích cực của Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam đã nhận thức rõ các yêu cầu và nội dung của Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới, ngày càng hoàn thiện thể chế và thiết chế để hiện thực hóa các quyền con người trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết do Việt Nam đề xuất và soạn thảo về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna. (Nguồn: Getty Images)

Hội nghị thành lập LHQ (25/4-26/6/1945) ở San Francisco (Mỹ), cùng với việc ký kết Hiến chương LHQ, đã thông qua việc soạn thảo một bản “Tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người” nhằm thực hiện những mục tiêu cơ bản của Hiến chương LHQ là quyền con người, hòa bình - an ninh và phát triển.

Bản thảo tuyên ngôn sau này trở thành Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới (Tuyên ngôn) được Đại hội đồng LHQ thông qua vào ngày 10/12/1948.

Các giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực về quyền con người được ghi nhận trong Tuyên ngôn đã đặt cơ sở nền tảng lịch sử, chính trị, pháp lý và đạo đức cho việc ghi nhận giá trị phổ quát của quyền con người trong các công ước quốc tế về quyền con người, cơ sở ra đời của Ủy ban Nhân quyền (nay là Hội đồng Nhân quyền LHQ), các cơ chế bảo đảm quyền con người của các khu vực và châu lục trên thế giới trong 75 năm qua.

Thực thi Tuyên ngôn tại Việt Nam

Tuyên ngôn chỉ rõ việc bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm của mỗi quốc gia với tư cách là chủ thể hàng đầu của quan hệ pháp luật quốc tế.

Chính vì vậy, Tuyên ngôn đã xác định ngay trong nội dung đầu tiên của văn kiện rằng, LHQ “Công bố bản Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản Tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thổ bị giám hộ”.

Là thành viên tích cực của LHQ, Việt Nam đã nhận thức rõ các yêu cầu và nội dung của Tuyên ngôn, ngày càng hoàn thiện thể chế và thiết chế để hiện thực hóa các quyền con người trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Thứ nhất, về xây dựng thể chế. Quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là để phát triển thể chế thị trường hiện đại, văn minh, từng bước bảo đảm quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa cho đại đa số thành viên xã hội.

Hiến pháp năm 1992 và đặc biệt Hiến pháp năm 2013, được xây dựng cơ bản trên cơ sở tiếp cận dựa trên quyền con người, là đạo luật gốc của nền pháp luật quốc gia hướng vào việc điểu tiết, thúc đẩy việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa.

Nhà nước pháp quyền XHCN đang được tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thông qua cải cách hành chính nhà nước được tiến hành từ năm 2000 đến nay để xây dựng nền hành chính công phục vụ người dân và kiến tạo phát triển là nhằm bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.

Hiến pháp 2013 khẳng định nguyên tắc Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cam kết “tuân thủ Hiến chương LHQ và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. (Nguồn: VGP)

Thứ hai, về tuyên truyền, giáo dục quyền con người. Đến nay các văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng về quyển con người, trước hết là Tuyên ngôn, đã được dịch ra tiếng Việt và phát hành rộng rãi. Từ những năm 1990, Việt Nam từng bước tiến hành giáo dục quyền con người cả trong và ngoài nhà trường.

Thực hiện quyết định 03/CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/1/1998, các tỉnh, thành phố đã thành lập các Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật và đã có nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục về quyền con người, nhằm nâng cao đáng kể sự hiểu biết và sự quan tâm rộng rãi trong cán bộ, nhân dân về các quyền con người.

Trung tâm (nay là Viện) quyền con người thuộc Học viện Chính trị Quốc gia được thành lập từ năm 1994 đã thúc đẩy việc biên soạn giáo trình, phổ biến kiến thức và tổ chức các lớp học tại chức, ngắn hạn cho cán bộ Trung ương và địa phương về quyền con người. Việc hình thành một số cơ sở đào tạo cao học về quyền con người trong những năm gần đây, đánh dấu một trình độ mới về giáo dục quyền con người ở Việt Nam

Ngày 5/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện Đề án, đưa nội dung giáo dục quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo quy định của các văn kiện pháp lý quốc tế, vào sách giáo khoa và chương trình giảng dạy của trường phổ thông các cấp và giáo dục đại học.

Chỉ thị số 34/TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ giáo dục quyền con người nhằm tạo chuyển biến sâu rộng trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành đáp ứng nhu cầu, và kỳ vọng về giáo dục quyền con người ở Việt Nam.

Thứ ba, về thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người. Đến nay, Việt Nam đã gia nhập và ký kết 7/9 công ước cơ bản và hàng chục các điều ước quốc tế khác liên quan đến quyền con người. Việt Nam đã thực hiện tốt nghĩa vụ trình nộp và bảo vệ các báo cáo quốc gia thực hiện các công ước mà Việt Nam là thành viên.

Phê duyệt Báo cáo quốc gia về thực thi công ước chống tra tấn. (Nguồn: Shutterstock)

Trong năm 2023, Việt Nam đã bảo vệ Báo các quốc gia thực thi Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; hoàn thành và nộp Báo cáo thực thi Công ước về quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước chống tra tấn (CAT).

Kết quả này đã được các Ủy ban theo dõi thực hiện công ước cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam cũng đã làm tốt việc phổ biến nội dung báo cáo thực hiện các công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa.

Việt Nam đã tiến hành các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp, thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa và thông qua hợp tác quốc tế, đặc biệt sử dụng tối đa các tài nguyên sẵn có, nhằm thực hiện ngày càng đầy đủ các quyền con người được công nhận trong trong pháp luật quốc tế và quốc gia.

Thực tế, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt đã duy trì liên tục việc cải thiện quyền về mức sống nhờ không ngừng đạt được mức tăng trưởng cao, mức bao phủ của bảo hiểm y tế rộng khắp, có tỉ lệ phụ nữ tham chính trong nhóm dẫn đầu thế giới, có chỉ số phát triển con người liên tục tăng và được xếp vào nhóm cao.

Đồng thời, Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền (thành viên Ủy ban quyền con người nhiệm kỳ 2001-2003, thành viên Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025...).

Mới đây, ngày 3/4/2023, HĐNQ LHQ đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên do Việt Nam đề xuất và soạn thảo. Đây là dấu ấn nổi bật của Việt Nam tại Khoá họp 52 - Khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.

Tại Khoá họp 53 và 54, Việt Nam tiếp tục đóng góp các sáng kiến: cùng Nhóm nòng cốt soạn thảo và thương lượng Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người; tổ chức Toạ đàm quốc tế “Chống phân biệt đối xử, bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc”; Phát biểu chung và tổ chứcToạ đàm quốc tế về “Thúc đẩy Quyền con người được tiêm chủng”.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, không phủ nhận rằng, Việt Nam đang phải đối diện với những hạn chế, tác động tiêu cực đến bảo đảm quyền con người, như sự phân hóa giàu nghèo có khuynh hướng gia tăng; tình trạng quan liêu, tham nhũng chưa được đẩy lùi; “lợi ích nhóm” đang lấn át lợi ích xã hội; tình trạng người dân chưa được hưởng các hàng hóa, dịch vụ tương xứng với chất lượng và giá cả…

Nhưng trên bình diện phát triển chung, những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong hoạch định và quản lý các mặt của đời sống chính trị, xã hội, đặc biệt về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… đã nâng cao đáng kể chẩt lượng cuộc sống của đại bộ phận người dân, tạo môi trường hoà bình, ổn định để phát triển.

Vì lẽ đó, sự áp đặt mô hình dân chủ, nhân quyền nào đó từ bên ngoài sẽ không bao giờ được nhân dân Việt Nam chấp nhận.

Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số, qua đó góp phần đẩy mạnh uy tín của nước ta trong việc thực thi cam kết quốc tế, đặc biệt là Công ước CERD. (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam dưới giá trị của Tuyên ngôn

Thứ nhất, làm sáng tỏ tính lịch sử - cụ thể trong tiếp cận tính phổ quát (hay phổ biến) của quyền con người. Tính phổ quát của quyền con người không phải là sản phẩm có tính trừu tượng hay sản phẩm của dân tộc này, khu vực này gán cho các dân tộc khác, khu vực khác, mà là kết quả tổng hòa các giá trị, quy phạm tiến bộ của các quốc gia dân tộc được cộng đồng quốc tế công nhận, tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy.

Trên cơ sở làm sáng tỏ tính lịch sử - cụ thể này, sẽ tiếp tục bổ sung, phát triển những khía cạnh cốt lõi trong nhận thức lý luận về quyền con người phù hợp với thực tiễn nước ta đồng thời tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người.

Thứ hai, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về dân là gốc - dân làm gốc trong lĩnh vực nhân quyền. Ở đây phải xác định rõ Nhân dân là chủ thể của quyền thì Nhân dân mới “làm gốc” trong sự nghiệp bảo đảm, thúc đẩy quyền con người ở nước ta. Và chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền là tất cả các cá nhân, tập thể trong xã hội, mà trước tiên, cơ bản là Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, chú ý nắm bắt những điều chỉnh, phát triển quyền con người của các nước trên thế giới. Các nước, nhất là các quốc gia phát triển trên thế giới, đã có những điều chỉnh rất lớn; ví dụ nền pháp luật quốc gia tại nhiều nước, ở mức độ nhất định, đã vượt khỏi ‎ý chí chính trị của giai cấp cầm quyền, để điều tiết quyền lợi của các tầng lớp nhân dân, từ dân sự, chính trị đến kinh tế, xã hội, văn hóa, tại các khu vực kinh tế khác nhau (nhà nước, cổ phần, tư bản tư nhân...).

Việc chú ‎ý nắm bắt được những điều chỉnh, phát triển quyền con người tại các nước trên thế giới sẽ góp phần bổ sung, phát triển một số khía cạnh trong nhận thức lý luận về bảo đảm quyền con người và thúc đẩy đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền ở nước ta.

Thứ tư, tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác quốc tế, vì quyền cho tất cả mọi người. Việt Nam kêu gọi các nước cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù riêng của nhau, cùng đoàn kết, đối thoại và hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu trên cơ sở đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

Trong đó, cần ưu tiên tập trung thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của LHQ và các cam kết về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên cương vị là thành viên của HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia dẫn dắt, thúc đẩy các sáng kiến để thể hiện dấu ấn và phát huy lợi ích của mình theo các hình thức phù hợp với quy định và thông lệ tại HĐNQ.

Trong đó, tập trung vào những nội dung như: tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác theo tinh thần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù riêng của nhau, cùng đoàn kết, đối thoại và hợp tác giữa các đối tác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐNQ gắn với đề cao tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế phù hợp với chức năng, thẩm quyền của HĐNQ; quyền con người trước tác động của công nghệ 4.0 mới trong bối cảnh chuyển đổi số và biến đổi khí hậu; chống bạo lực và phân biệt đối xử, tăng cường bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; thúc đẩy bình đẳng giới; quyền sức khỏe; quyền việc làm; quyền tiếp cận giáo dục chất lượng và giáo dục quyền con người cho tất cả mọi người.