📞

75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền: Một Việt Nam tích cực, trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

TS. Lê Thị Tuyết Mai 09:00 | 20/12/2023
Đối với Việt Nam, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (TNQTNQ) và việc kỷ niệm 75 năm thông qua TNQTNQ (10/12/1948-2023) có ý nghĩa đặc biệt.
Tại Khóa họp 54 Hội đồng Nhân quyền vừa qua, Việt Nam đã triển khai 2 sáng kiến thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng, bao gồm Phát biểu chung và Tọa đàm quốc tế về “Thúc đẩy Quyền Con người được Tiêm chủng”. (Ảnh: QT)

Con người là chủ thể, mục tiêu

Việt Nam đề cao TNQTNQ, chia sẻ quan điểm quyền con người mang tính phổ quát, là khát vọng và giá trị chung của toàn nhân loại; ủng hộ đối thoại, hợp tác giữa các nước và tại các cơ chế đa phương LHQ về quyền con người, đồng thời nhấn mạnh việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người một cách toàn diện, tổng thể, phù hợp các chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung đồng thời tôn trọng các quy định pháp luật liên quan của mỗi nước.

Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ, ASEAN và cộng đồng quốc tế nói chung, Việt Nam luôn coi trọng và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực này, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Ở cấp độ quốc gia, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người là chủ thể, mục tiêu, và cũng là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước; con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội; việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là bản chất, mục đích của chế độ xã hội chủ nghĩa và là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đi đến thắng lợi.

"Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ, ASEAN và cộng đồng quốc tế nói chung, Việt Nam luôn coi trọng và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực quyền con người, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao".

Một trong những thành tựu lớn nhất của Việt Nam là việc giành lại và bảo vệ độc lập dân tộc, thoát khỏi chế độ thuộc địa, thống nhất đất nước, từng bước phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện các quyền con người của người dân Việt Nam. Quyền con người được khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền con người, bao gồm Hiến pháp, các luật, văn bản quy phạm pháp luật dưới luật ngày càng hoàn thiện, cụ thể hóa và bảo đảm các quyền cơ bản của công dân theo tinh thần của TNQTNQ và các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Đặc biệt, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 dành riêng một Chương với 36 Điều quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo đó, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có một số đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Luật trưng cầu ý dân 2015, Luật trẻ em 2016, Luật trợ giúp pháp lý 2017, Luật an ninh mạng 2018, Bộ luật Lao động sửa đổi 2019…

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo, phát triển con người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việt Nam đã hoàn thành trước hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và đang tích cực triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).

Theo thống kê của LHQ, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng gần 46% trong 30 năm qua, nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng cao nhất thế giới. Tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15-60 là 97,85% và tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15-35 là 99,3%. Tuổi thọ trung bình của người dân đã đạt 73,6 năm (năm 2021). Trong 10 năm qua (2010-2020), GPD tăng trưởng bình quân gần 6%; thu nhập bình quân đầu người tăng hơn gấp đôi; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% xuống dưới 3%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 60,9% dân số lên 90,7%.

Việc bảo đảm các quyền con người của Việt Nam được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực theo các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam hiện là thành viên của 7/9 Công ước quốc tế quan trọng về quyền con người. Việt Nam cũng là thành viên của 25 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền của người lao động, trong đó có 7/8 Công ước cơ bản.

Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người, bao gồm bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, báo cáo quốc gia.

Đồng thời, Việt Nam tích cực đối thoại và hợp tác với các cơ chế quốc tế của LHQ về quyền con người, bao gồm cả việc tiến hành ba lần rà soát theo Cơ chế UPR vào các năm 2009, 2014 và 2019 và chuẩn bị cho UPR lần thứ tư vào năm 2024.

Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số, qua đó góp phần đẩy mạnh uy tín của nước ta trong việc thực thi cam kết quốc tế, đặc biệt là Công ước CERD. (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam

Điểm nổi bật là, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác khu vực và quốc tế về thúc đẩy quyền con người, cũng như hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ), trong đó đã được tín nhiệm bầu, đảm nhiệm tốt cương vị thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016 và hiện nay là nhiệm kỳ 2023-2025, được quốc tế đánh giá cao.

Trong đảm nhiệm cương vị thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016 trước đây, cũng như trong nhiệm kỳ 2023-2025 hiện nay, Việt Nam luôn tham gia đóng góp chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động chung của HĐNQ, có sáng kiến và soạn thảo Nghị quyết hàng năm của HĐNQ về biến đổi khí hậu và quyền con người (từ năm 2015).

Việt Nam góp phần thúc đẩy và bảo đảm quyền con người theo phương châm “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”. Đặc biệt, ngay trong Khóa họp đầu tiên đảm nhiệm cương vị thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã thể hiện vai trò xây dựng và đóng góp tích cực với đề xuất sáng kiến, chủ trì soạn thảo, tham vấn, đề xuất HĐNQ thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm TNQTNQ tại Khóa họp 52 HĐNQ (ngày 3/4/2023), với hơn 120 nước đồng bảo trợ.

Bên cạnh đó, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác trong ASEAN về quyền con người, đặc biệt trong quá trình xây dựng Hiến chương ASEAN và Cộng đồng ASEAN, Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, thành lập và thúc đẩy hoạt động của các cơ chế ASEAN liên quan đến quyền con người, qua đó khẳng định các cam kết của ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở khu vực phù hợp với các chuẩn mực quốc tế được thừa nhận chung, tạo khuôn khổ cho tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực này.

Ngoài những thành tựu to lớn đạt được, Việt Nam đối mặt với các thách thức chung về nhân quyền đối với các nước trên thế giới. Hệ thống pháp luật và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức về quyền con người vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người của người dân trong bối cảnh những thách thức chung trên toàn cầu như thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế về nhận thức và kỹ năng về thực thi quyền con người trong triển khai công tác. Một số nước và tổ chức quốc tế vẫn có những quan điểm khác biệt hoặc thiếu khách quan về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Một số cá nhân và tổ chức có những hoạt động lợi dụng quyền con người để xuyên tạc sự thật, gây mất ổn định xã hội.

Việt Nam cần thích ứng và cập nhật với những xu hướng và yêu cầu mới về quyền con người trong thời đại toàn cầu hóa. Các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, di dân, khoảng cách công nghệ số… có nhiều tác động đến thụ hưởng quyền con người của người dân. Việt Nam cần có những chính sách và biện pháp để bảo vệ quyền con người của người dân trước những thách thức mới này, đồng thời tận dụng cơ hội mới để nâng cao bảo đảm quyền con người.

Cùng với việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người của người dân, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để duy trì tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt động của HĐNQ trên cương vị thành viên của cơ quan liên chính phủ quan trọng nhất về quyền con người của LHQ, cũng như hợp tác với các cơ chế quốc tế khác về quyền con người; góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và tôn trọng quyền con người.

Như vậy, quyền con người được ghi nhận tại văn kiện TNQTNQ ra đời cách đây 75 năm đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới là một trong những giá trị cốt lõi của loài người và các chỉ số về thành tựu quyền con người, phát triển con người là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một quốc gia.

Đối với Việt Nam, kể từ khi giành lại độc lập cách đây hơn 78 năm, Việt Nam luôn đề cao TNQTNQ, tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người, luôn cam kết và nỗ lực mạnh mẽ trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.