Dòng sông Nile có ý nghĩa sống còn đối với đất nước Ai Cập trong hàng nghìn năm qua. Tuy nhiên, hiện tại, Ethiopia đang đẩy nhanh tiến độ dự án thủy điện khổng lồ, cho dù nước này và các nước ở hạ nguồn là Ai Cập và Sudan vẫn chưa đạt được nhất trí cuối cùng liên quan đến kỹ thuật và môi trường sau nhiều năm đàm phán.
Ai Cập đang đứng trước nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng do dự án thủy điện khổng lồ Đại Phục Hưng. (Nguồn: The Guardian) |
Nguồn sống của cả khu vực
Khởi nguồn từ hồ Victoria nằm giữa biên giới Kenya, Uganda và Tanzania, sông Nile đổ vào Sudan và chảy đến thủ đô Khartoum. Đây được gọi là nhánh Nile Trắng. Một nhánh khác, gọi là Nile Xanh, bắt nguồn từ hồ Tana trên vùng cao nguyên của Ethiopia. Nhánh này chảy vào Sudan rồi hợp lưu với nhánh Nile Trắng tại Khartoum, tạo thành dòng Nile chính rồi tiếp tục chảy qua Sudan và Ai Cập trước khi đổ ra Địa Trung Hải.
Với tổng chiều dài khoảng 6.700km, Nile là dòng sông quốc tế, cung cấp nguồn nước chủ yếu cho 11 quốc gia trong khu vực, bao gồm Tanzania, Uganda, Rwanda, Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Ethiopia, Eritrea, Nam Sudan, Sudan và Ai Cập.
Từ thời xa xưa, dòng sông Nile, nhất là tại Ai Cập, là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Có thể nói rằng không có sông Nile thì sẽ không có Ai Cập.
Sông Nile có ý nghĩa sống còn đối với Ai Cập, quốc gia có tới hơn 90% diện tích lãnh thổ là sa mạc. “Xứ sở các kim tự tháp” này đang khai thác khoảng 55,5 tỷ m3 nước mỗi năm từ sông Nile, đáp ứng 95% nhu cầu nước của 91 triệu dân.
Căng thẳng bắt đầu gia tăng giữa Ethiopia với Sudan và Ai Cập, khi Addis Ababa khởi công dự án xây dựng đập thủy điện khổng lồ Đại Phục Hưng trên nhánh Nile Xanh vào năm 2011.
Đập thủy điện có tổng kinh phí xây dựng 4,2 tỷ USD và công suất 6.000 MW. Đây là đập thủy điện lớn nhất châu Phi, với dung lượng hồ chứa lên tới 74 tỷ m3. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến được hoàn thành trong năm 2017. Chính phủ Ethiopia coi dự án là một “dấu mốc lịch sử”, giúp khắc phục tình trạng thiếu điện và phát triển kinh tế.
Là quốc gia ở hạ nguồn, Ai Cập phản ứng rất dữ dội do quan ngại đập Đại Phục Hưng sẽ làm giảm nguồn nước của quốc gia Bắc Phi này cũng như tác động tiêu cực đến môi trường ở hạ nguồn.
Một khi đập Đại Phục Hưng hoàn thành sẽ cần 30 tỷ m3 nước mỗi năm và điều này được cho là sẽ làm hồ Nasser của Ai Cập khô cạn, khiến hoạt động cấp điện từ đập thủy điện Aswan (Ai Cập) bị ngưng trệ.
Một số quan điểm cho rằng dự án thủy điện của Ethiopia sẽ làm mất cân bằng tự nhiên ở hạ nguồn sông Nile, như ngăn phù sa chảy xuống hạ nguồn và làm gia tăng ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân cũng như các các loài động vật không xương sống, cá và chim. Nguồn nước giảm sẽ ảnh hưởng đến hơn 4 triệu người dân Ai Cập sống ở các thành phố ven biển Địa Trung Hải khi nước biển tăng 1-2cm mỗi năm.
Với đập thủy điện Đại Phục Hưng, Ethiopia sẽ kiểm soát 86% tài nguyên nước của Ai Cập và 60% của Sudan. Nhánh Nile Xanh chảy từ Ethiopia có lưu lượng dòng chảy trung bình 50 tỷ m3/năm, tương đương khoảng 60% tổng dòng chảy của sông Nile qua Ai Cập. Do đó, Ai Cập có thể thiếu khoảng 26 tỷ m3 nước/năm, tương đương hơn 50% tổng lượng nước sông Nile cung cấp cho đất nước “kim tự tháp”.
Bên cạnh đó, lượng phù sa sụt giảm mạnh cũng ảnh hưởng đến 4,5 triệu hécta đất canh tác của Ai Cập. Theo tính toán của giới khoa học, khi đập thủy điện Đại Phục Hưng hoàn thành và đi vào khai thác, Ai Cập sẽ thiếu 55% nguồn cung lương thực, buộc nước này phải nhập khẩu 10 tỷ USD lương thực thiết yếu mỗi năm, trong đó 70% là lúa mỳ (11 triệu tấn).
Viện dẫn quyền lịch sử
Ai Cập đã yêu cầu Ethiopia dừng triển khai dự án, cho rằng Cairo có quyền lịch sử đối với sông Nile và viện dẫn các thỏa thuận ký trước kia. Theo một thỏa thuận ký với Anh năm 1929, Ai Cập có quyền phủ quyết bất kỳ dự án nào tại các nước thượng nguồn ảnh hưởng đến lưu lượng nước sông Nile chảy qua lãnh thổ nước này.
Năm 1959, Ai Cập và Sudan từng ký một thỏa thuận cho phép Cairo khai thác 66% tổng lưu lượng nước sông Nile mỗi năm, trong khi Sudan được khai thác 22% (tỷ lệ 12% còn lại thất thoát do nước bay hơi).
Cairo cũng viện dẫn Công ước của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1997 về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia (quy định không quốc gia nào có quyền đòi chủ quyền tuyệt đối trên các nhánh sông quốc tế). Tuy vậy, Ethiopia cho rằng thỏa thuận năm 1929 chỉ mang tính ràng buộc đối với ba quốc gia thượng nguồn từng là thuộc địa của Anh gồm Tanzania, Kenya và Uganda. Theo Addis Ababa, các nước thượng nguồn cũng không phải là một bên tham gia ký kết thỏa thuận 1959, do đó Ethiopia không thừa nhận tính chất hợp pháp của văn bản này.
Bất chấp sự phản đối của Ai Cập và Sudan, Ethiopia vẫn tiếp tục đẩy nhanh dự án. Cuối tháng 5/2013, Ethiopia đã bắt đầu chuyển hướng dòng chảy nhánh Nile Xanh trong khuôn khổ dự án.
Tin tưởng và minh bạch
Do tình hình chính trị và an ninh bất ổn sau chính biến mùa Xuân Ả Rập năm 2011, Ai Cập đã phải chấp nhận để Ethiopia triển khai dự án. Tuy nhiên, Cairo buộc Addis Ababa phải thực hiện dự án theo các yêu cầu của mình và cung cấp đầy đủ các báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của dự án trước khi xây dựng.
Cuối tháng 12/2015, sau 11 vòng đàm phán, Ai Cập, Sudan và Ethiopia ký thỏa thuận về nguyên tắc đối với dự án xây dựng đập thủy điện Đại Phục Hưng. Theo đó, các bên nhất trí chọn hai công ty tư vấn của Pháp là Artelia và BRL-Group tiến hành nghiên cứu các vấn đề liên quan đến kỹ thuật của dự án, với thời gian thực hiện từ 8 - 12 tháng.
Ai Cập coi đây kết quả của sự “tin tưởng và minh bạch” nhưng không phải là bước cuối cùng của tiến trình đàm phán. Trong quá trình đàm phán, phía Ai Cập cũng cố gắng thuyết phục Ethiopia điều chỉnh thiết kế theo hướng giảm quy mô của đập; tăng thời gian làm đầy hồ chứa lên 9-12 năm, thay vì 3 năm theo kế hoạch; và tăng số cửa xả đập từ 2 cửa lên 4 cửa.
Đến nay, sau mấy năm đàm phán, Ethiopia và hai quốc gia ở hạ nguồn sông Nile là Ai Cập và Sudan hiện vẫn chưa thống nhất các vấn đề cụ thể liên quan đến kỹ thuật và môi trường của đập Đại Phục Hưng.
Trong khi các nghiên cứu kỹ thuật chưa được hoàn thiện và hầu hết các yêu cầu của Ai Cập đều bị Ethiopia bác bỏ, dự án xây dựng đập Đại Phục Hưng đã được hoàn thành gần 70% tiến độ. Hơn nữa, báo cáo đánh giá tác động môi trường khi được hoàn thiện có thuyết phục được Ai Cập hay không cũng là một vấn đề lớn.
Nếu tranh chấp giữa Ethiopia và Ai Cập xung quanh dự án này không được giải quyết thông qua con đường ngoại giao, nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai nước chỉ là vấn đề thời gian.