📞

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: 'Tâm điểm' của cạnh tranh hải quân chiến lược toàn cầu

Bích Hạnh 20:15 | 10/08/2021
Mỹ muốn tăng cường hỗ trợ các đồng minh và cải thiện khả năng tác chiến hải quân ở khu vực này, trong khi Trung Quốc muốn khẳng định sự hiện diện tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan.
Hải quân Mỹ đang tham gia một loạt cuộc tập trận tại khu vực Thái Bình Dương. (Nguồn: Handout)

Nỗ lực duy trì hiện diện

Trong bối cảnh Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và các quốc gia khác tiến hành một loạt cuộc tập trận hải quân lớn tại khu vực Tây Thái Bình Dương trong tháng này, các tàu chiến tiên tiến nhất thế giới, chẳng hạn như tàu sân bay, tàu ngầm và có thể có cả tên lửa diệt hạm của Trung Quốc, sẽ nằm trong số các hỏa lực mạnh được triển khai ở khu vực.

Mỹ muốn tăng cường hỗ trợ giữa các đồng minh và cải thiện khả năng tác chiến kết hợp ở khu vực này, trong khi Trung Quốc muốn khẳng định sự hiện diện tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan.

Washington vẫn khẳng định rằng, cường quốc số một thế giới đang cố gắng bảo vệ an ninh khu vực bằng cách thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng, việc điều tàu chiến đến các vùng biển tranh chấp là hành động khiêu khích.

Shahriman Lockman, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Malaysia, nói: “Cả Mỹ và Trung Quốc đều ‘huấn luyện’ lẫn nhau lường trước sự hiện diện của bên kia ở Biển Đông. Nguy cơ xung đột có thể được kiểm soát, miễn là cả hai bên duy trì tính chuyên nghiệp. Mỗi bên đều đưa ra tín hiệu về quyết tâm duy trì sự hiện diện trong khu vực.

Điều này đôi khi có thể là 'con dao hai lưỡi' đối với các bên tranh chấp Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng đôi khi có thể bùng phát, nhưng các bên tranh chấp ở Đông Nam Á sẽ không khó chịu với điều này nhiều nếu sự hiện diện của bên này kiềm chế bên kia”.

Nhà nghiên cứu Collin Koh, trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc trường Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho rằng, sự bùng nổ của các hoạt động quân sự trong khu vực là “dễ nhận thấy” nhưng rủi ro thấp.

Chuyên gia trên nêu rõ: “Sự gia tăng các hoạt động này gần đây dường như chưa từng có tiền lệ, diễn ra mạnh mẽ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Các bên đối địch đã sử dụng các cuộc tập trận như hình thức tấn công và phản công để thể hiện thái độ chính trị, nhưng điều này không hẳn đồng nghĩa với việc vượt qua ngưỡng để đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”.

Theo ông, các lực lượng quân sự “đối địch” vẫn theo dõi chặt chẽ các hoạt động của nhau nhưng ở “một khoảng cách an toàn và chuyên nghiệp”.

"Cơn mưa" tập trận

Cuộc tập trận hải quân Talisman Sabre ngoài khơi bờ biển Australia kết thúc đúng ngày 1/8, bao gồm các hoạt động diễn tập như đổ bộ bãi biển, bắn đạn thật và sử dụng điều khiển không gian để nhắm mục tiêu liên lạc vệ tinh.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cũng đang tiếp tục một loạt cuộc tập trận toàn cầu quy mô lớn bắt đầu vào ngày 9/8 và sẽ kéo dài đến ngày 27/8.

Lần đầu tiên trong hơn 40 năm, các cuộc tập trận kéo dài trên 17 múi giờ và sẽ có sự tham gia của quân đội Australia, Anh, Nhật Bản trong nỗ lực nhằm “cải thiện khả năng tương tác, sự tin cậy và sự hiểu biết chung để giải quyết các thách thức an ninh tốt hơn” .

Trong khi đó, theo thông báo của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông kéo dài từ ngày 7-10/8.

Tuy thông tin chi tiết về cuộc tập trận chưa được tiết lộ, nhưng các nhà phân tích quân sự cho biết khu vực tập trận này đủ lớn để Lực lượng Tên lửa PLA tham gia, có khả năng sẽ thử nghiệm tên lửa chống hạm.

Bài xã luận trên tờ Global Times ngày 5/8 cho biết, các cuộc tập trận của Trung Quốc là “sự phản ứng đối với cuộc tập trận của quân đội Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và khẳng định Washington đã “tính toán sai lầm” khi cố gắng “khiến Trung Quốc và Nga khiếp sợ bằng cách phô trương lực lượng”.

Ấn Độ cũng gửi 4 tàu chiến đến Biển Đông trong đợt triển khai kéo dài hai tháng nhằm thể hiện “phạm vi hoạt động, sự hiện diện hòa bình và tình đoàn kết với các nước bạn”.

Các tàu này sẽ tham gia các cuộc tập trận song phương với một số nước Đông Nam Á trước khi tham dự cuộc tập trận thường niên Malabar với các thành viên nhóm Bộ tứ, gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.

Trong khi đó, tàu chiến Bayern của Đức đã lên đường đến Thái Bình Dương trong tuần này trên hành trình sẽ ghé thăm Guam, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.

Tàu này dự kiến sẽ đi qua Biển Đông trong chuyến trở về vào tháng 12, nhưng yêu cầu thăm cảng Thượng Hải đã bị từ chối khi Bắc Kinh yêu cầu Đức làm rõ ý định của mình.

Chuyên gia Koh cho rằng, đối với Mỹ và các đồng minh, các hoạt động huấn luyện chung đã giúp xây dựng khả năng tương tác giữa các lực lượng của họ.

Ông nói: “Trong cuộc tập trận Talisman Sabre, các lực lượng hải quân vốn ít gặp mặt đã có cơ hội huấn luyện cùng nhau trong các kịch bản phức tạp trên biển và trên không. Australia, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành huấn luyện chung về tác chiến phòng không và chống tàu ngầm”.

Đối với Trung Quốc, các cuộc tập trận quy mô lớn của PLA là một phần quan trọng trong nỗ lực nhằm tăng cường huấn luyện chiến đấu “thực tế” trong những năm gần đây".

Hiện có ngày càng nhiều quan ngại về việc Biển Đông có thể trở thành điểm đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc khi sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc ngày càng nóng lên.

Giáo sư Brad Glosserman, làm việc tại Trung tâm Chiến lược Xây dựng Quy tắc của trường Đại học Tama (Nhật Bản) cho biết, “số lượng lớn tàu thuyền trên không và trên biển làm gia tăng khả năng xảy ra tai nạn”.

Ông nhận định, các cuộc tập trận của Mỹ gửi đi thông điệp rằng, Washington đang đại diện cho một “liên minh các lực lượng và không đơn độc trong việc bảo vệ nguyên trạng khu vực”.

(theo SCMP)