Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Nguồn: Indian Express) |
Nếu so với người tiền nhiệm Abe Shinzo - một người có nền tảng chính trị vững chắc và sức hút mạnh mẽ - tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide dường như không có được những lợi thế đó.
Mặc dù ông được coi là một chính trị gia làm việc chăm chỉ và không bè phái, là một người có chỗ đứng vững chắc trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, nhưng tầm nhìn ngoại giao và sự nhạy bén của ông chưa nổi bật.
Nhiều người cho rằng dưới thời ông Suga, Nhật Bản sẽ không có nhiều thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại. Nói cách khác, chính quyền Suga sẽ tiếp nối các chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Abe.
Những chỉ dấu đầu tiên
Trên thực tế, chính quyền Suga vẫn giữ nguyên hầu hết các bộ trưởng chủ chốt, và ngay cả bản thân ông Abe cũng sẽ có mặt với tư cách là cố vấn ngoại giao đặc biệt của Thủ tướng Suga và là một thành viên của nghị viện Nhật Bản.
Tuy nhiên, điều đó cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ không có bất kỳ sự thay đổi quan trọng nào dưới thời một nhà lãnh đạo mới.
Cuộc điện đàm ngoại giao đầu tiên của Thủ tướng Suga sau khi tuyên thệ nhậm chức là với Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 20/9. Cùng ngày, ông cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai nhà lãnh đạo được cho là đã trao đổi về đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, các vấn đề hạt nhân và bắt cóc con tin của Triều Tiên, chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các nỗ lực chung nhằm củng cố nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Suga và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra ngày 25/9 trong bối cảnh Nhật Bản và Trung Quốc đang hợp tác đối phó với đại dịch Covid-19. Cả hai nước đã tiến hành tiếp cận ngoại giao song phương trước khi đại dịch bùng phát và đang nỗ lực giảm thiểu những rào cản đối với quan hệ thương mại-kinh tế ngay cả khi tranh chấp lãnh thổ vẫn tiếp diễn.
Có khả năng Nhật Bản, dưới thời Suga, đang tìm cách tăng cường quan hệ với Mỹ đồng thời giảm khả năng đối đầu với Trung Quốc. Chính phủ mới của Nhật Bản có thể sẽ nỗ lực tách lợi ích kinh tế khỏi lợi ích an ninh và tránh can dự quá tích cực vào tranh chấp Mỹ-Trung ở khu vực.
Khỏa lấp khoảng trống
Sự thay đổi lãnh đạo ở Nhật Bản cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Ấn Độ. Mối quan hệ lâu đời giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chắc chắn sẽ vắng bóng trong bối cảnh mới hiện nay.
Ở đây, điều quan trọng cần nhấn mạnh là mặc dù cả hai đảng ở Nhật Bản ủng hộ Nhật-Ấn tăng cường quan hệ song phương, nhưng trên thực tế, quá trình tăng cường quan hệ này được thúc đẩy chủ yếu bởi mối quan hệ Modi-Abe.
Vì vậy, vắng Abe, Ấn Độ sẽ phải chủ động hơn. Ngoại trưởng Ấn Độ, Tiến sĩ S. Jaishankar, trong một bài phát biểu hôm 19/9 đã nói rằng Ấn Độ nên có “cách tiếp cận tham vọng hơn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản”.
Mặc dù hợp tác kinh tế Ấn-Nhật đã có nền tảng vững chắc và mối quan hệ này sẽ tiến triển ít nhiều theo quỹ đạo đã được thiết lập trước đó trong các lĩnh vực an ninh và chiến lược, song người ta vẫn dự báo về một sự đảo ngược.
Quan hệ Ấn-Nhật và hợp tác song phương cũng như ở quy mô khu vực sẽ tiếp tục phát triển dựa trên sự đa dạng và sâu sắc. |
Trong bối cảnh căng thẳng quân sự đang diễn ra ở biên giới Ấn-Trung, New Delhi dường như muốn tăng cường sự chú trọng vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhóm Bộ Tứ.
Cách hiểu của Nhật Bản về cả hai vấn đề này không giống với Ấn Độ. Trong năm qua, Nhật Bản đã nhiều lần nhắc đến tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dươngvà tránh sử dụng thuật ngữ “chiến lược”.
Trên thực tế, Thủ tướng Suga không ủng hộ một hiệp ước an ninh giống NATO ở châu Á. Thay vào đó, ông quan tâm đến mạng lưới hợp tác giữa các cường quốc tầm trung giữa Nhật Bản, các nước ASEAN, Ấn Độ và Australia.
Tuy nhiên, cuối cùng, quan hệ Ấn-Nhật và hợp tác song phương cũng như ở quy mô khu vực sẽ tiếp tục phát triển dựa trên sự đa dạng và sâu sắc.
Nhật Bản là quốc gia duy nhất mà Ấn Độ có các thỏa thuận cấp cao như hội nghị thượng đỉnh hàng năm và cuộc gặp 2+2. Hai nước cũng đã hợp tác tại một số nước thứ ba như Sri Lanka, Myanmar và Bangladesh.
Các mối quan hệ sẽ giữ cho Ấn Độ và Nhật Bản gần gũi với nhau - ngay cả dưới thời nội các mới của Nhật Bản - nhưng sự ra đi của ông Abe có thể khiến New Delhi mất đi sự đầu tư và những ưu tiên có được nhờ mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo Abe và Modi.