An Giang quảng bá sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, từng bước khẳng định giá trị và chất lượng. (Nguồn: baoangiang) |
Chương trình diễn ra từ ngày 30/9 - 1/10 tại Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang thu hút 18 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia. Hoạt động ý nghĩa này do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang tổ chức.
Các doanh nghiệp giới thiệu đến người dân An Giang và khách du lịch trên 100 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm khởi nghiệp, đặc sản nổi tiếng của tỉnh An Giang như: trà kim ngân hoa, sirô atiso đỏ, trà hoa đậu biếc, khô cá lóc, mật ong, muối tôm, gạo, sản phẩm mỹ nghệ thốt nốt, sản phẩm cơm cháy, yến, nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo, dầu và cao xoa bóp…
Hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP An Giang góp phần tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm có tiềm năng hướng đến OCOP quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường.
Du khách đến tham quan sẽ được trải nghiệm dùng thử sản phẩm, các chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp cùng nhiều chương trình gameshow hấp dẫn, như: Trổ tài đoán giá và tìm hiểu sản phẩm OCOP; trò chơi dân gian; đoán hình ảnh đẹp, điểm đến và ẩm thực An Giang; trò chơi “đoán ý đồng đội”; chương trình văn nghệ đường phố và giao lưu hát với với nhau hàng đêm.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc– Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang cho biết, chương trình quảng bá là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động giới thiệu và phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang rộng rãi đến người tiêu dùng và khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Thông qua chương trình quảng bá, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, nắm bắt thông tin từ người tiêu dùng để đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm OCOP.
"Chương trình quảng bá sản phẩm OCOP thể hiện vai trò, trách nhiệm, của các cơ quan quản lý nhà nước, mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp OCOP, doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng nền tảng để phát triển lâu dài cũng như tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin về sản phẩm OCOP...", ông Ngọc cho biết.
Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang triển khai nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh thông qua các kỳ hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối giao thương; thúc đẩy phát triển thương mại điển tử cho sản phẩm OCOP thông qua các kênh bán hàng trực tuyến; đưa sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm gắn với các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh…
Tính đến cuối tháng 8/2023, An Giang đã có 92 sản phẩm đạt chứng nhận "Sản phẩm OCOP" từ 3 sao trở lên; trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao - cấp Quốc gia, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 15 sản phẩm đạt 4 sao, 72 sản phẩm đạt 3 sao. Dự kiến đến cuối năm 2023, An Giang phấn đấu có thêm 70 sản phẩm đạt chứng nhận "Sản phẩm OCOP" từ 3 sao trở lên.
Sản phẩm OCOP An Giang đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đến năm 2025, An Giang đặt mục tiêu có thêm 170 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó phấn đấu có thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao - Cấp Quốc gia…
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Hoạt động quảng bá nằm trong chuỗi hoạt động giới thiệu và phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang. (Nguồn: baoangiang) |
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Sản phẩm OCOP được đánh giá và xếp hạng gồm 5 hạng sao: Hạng 5 sao: Sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; Hạng 4 sao: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; Hạng 3 sao: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao; Hạng 2 sao: Sản phẩm chưa đạt đầy đủ tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 3 sao; Hạng 1 sao: Sản phẩm yếu, có thể phát triển lên hạng 2 sao.
Quản lý ở cấp trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng tư vấn chương trình OCOP để hỗ trợ các địa phương đánh giá, xếp hạng sản phẩm; tư vấn xây dựng thương hiệu quốc gia sản phẩm OCOP; giám sát chất lượng sản phẩm OCOP; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện chương trình OCOP.
| Xây dựng thương hiệu quốc gia xanh Việt Nam: Cơ hội và thách thức Thương hiệu xanh giúp các quốc gia định vị mình là đất nước dẫn đầu về tính bền vững với các sản phẩm và dịch ... |
| Sản phẩm OCOP Bắc Giang: Động lực thúc đẩy kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn Nhờ thực hiện hiệu Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Bắc Giang đã gặt hái được một số kết quả nổi bật, đặc ... |
| Bắc Giang tiếp tục khơi dậy tiềm năng, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP Chương trình OCOP chính là bước mở để kinh tế nông thôn Bắc Giang phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản ... |
| Triển lãm sản phẩm OCOP Hải Dương: Cơ hội để hàng Việt nâng cao giá trị thương hiệu Ngày 28/9, tại Quảng trường Sao Đỏ, UBND TP. Chí Linh đã phối hợp với Uỷ ban MTTQ tỉnh Hải Dương, Sở Công Thương, Sở ... |
| Xây dựng Thương hiệu Quốc gia ngành Cơ khí, đưa sản phẩm Việt tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu Ngành Cơ khí Việt Nam hướng tới mục tiêu được phát triển với đa số chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản ... |