Giao tranh Israel-Palestine đang tiếp tục leo thang có thể là cơ hội để Nga duy trì và mở rộng ảnh hưởng cũng như gia tăng lợi ích của mình ở Trung Đông. (Nguồn: AFP) |
Trong bối cảnh xung đột Israel-Palestine leo thang, Điện Kremlin đang đứng trước cơ hội duy trì và mở rộng ảnh hưởng cũng như gia tăng lợi ích của mình ở Trung Đông.
Chưa có giải pháp phù hợp
Hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vẫn bị kẹt trong cuộc chiến ngày càng tốn kém với lực lượng Hamas và Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ). Đầu tuần này, IDF thông báo rằng họ đã tấn công tới 600 mục tiêu ở Dải Gaza, bao gồm các cơ sở sản xuất tên lửa và một số chỉ huy của Hamas.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ "bắt Hamas phải trả giá đắt". Trong khi đó, lực lượng Hamas và PIJ vẫn tiếp tục tấn công tên lửa tầm ngắn vào miền Nam và ven biển Israel.
Phát ngôn viên của Hamas Abu Obaida cho biết: “Chúng tôi còn nhiều thứ để "tặng" đi. Quyết định tấn công Tel Aviv, Dimona và Jerusalem với chúng tôi dễ hơn cả việc uống nước. Công nghệ hiện đại hay kế hoạch ám sát của Isreal không làm chúng tôi sợ hãi”.
Tính đến thời điểm này, ít nhất 120 người đã thiệt mạng bởi cuộc xung đột được đánh giá là gắt gao nhất giữa Israel và Hamas/PIJ kể từ Chiến tranh Gaza năm 2014.
Không những vậy, Israel còn phải đối mặt với mối đe dọa bất ổn ở trong nước. Tình trạng bạo loạn, ẩu đả trên đường phố, cướp bóc và phá hoại đã nổ ra trên khắp đất nước Israel giữa người Do Thái và người Arab.
Xung đột tại Dải Gaza đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, nhưng vẫn chưa xuất hiện nhiều giải pháp hay chính sách cụ thể từ cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề này.
Tin liên quan |
Xung đột Israel-Palestine: Tổng thống Abbas chỉ trích cuộc tấn công 'hủy diệt', Mỹ đối đầu Pháp ở LHQ |
Đặc biệt, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, vốn bị ràng buộc bởi cam kết an ninh hàng thập kỷ với Israel, cũng đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ phe ủng hộ Palestine của đảng Dân chủ, khiến Mỹ cũng gặp khó trong việc có một lập trường cụ thể hơn là việc chỉ kêu gọi chấm dứt giao tranh. Trong khi đó, Moscow cũng đang đứng trước những lựa chọn khó khăn cho riêng mình.
Trong những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm khẳng định mình là nhà lãnh đạo của thế giới Hồi giáo, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng cộng đồng quốc tế phải “cho Israel một bài học răn đe và mạnh mẽ”.
Theo một tuyên bố từ Ankara, ông Erdogan cũng đã ấp ủ ý tưởng về một “lực lượng bảo vệ quốc tế để che chắn cho người Palestine” trong một cuộc điện đàm gần đây với người đồng cấp Nga Putin.
Lựa chọn của Nga
Về phần mình, chính quyền Điện Kremlin đã nỗ lực hết sức để xây dựng quan hệ đối tác khu vực với Israel và cũng đang do dự trong việc đối ngoại với Israel như thế nào. Mặt khác, trái ngược với Mỹ và các nước phương Tây, Nga không coi lực lượng Hamas là một tổ chức khủng bố và trước đó Nga cũng từng tiếp các phái đoàn Hamas để thảo luận về các nỗ lực hòa bình.
Với vị thế trung lập trong vấn đề này, Moscow có thể tự tin về việc sẽ có ảnh hưởng đến tiến trình hòa giải giữa Israel và Palestine.
Ông Dmitry Maryasis, một thành viên của Câu lạc bộ Thảo luận quốc tế Valdai uy tín của Nga, đánh giá: "Nga thích quan hệ hữu nghị với cả hai. Nếu biết cách tận dụng hợp lý, Nga có thể củng cố vị thế của mình tại Dải Gaza và có thể ở cả Trung Đông”.
Tuy nhiên, Điện Kremlin chưa bày tỏ mong muốn cũng như không có kế hoạch cụ thể nào về việc xây dựng và áp đặt các điều khoản hòa bình của riêng Nga ở Dải Gaza.
Thay vào đó, Moscow đang tìm cách tận dụng ảnh hưởng của mình thông qua một thỏa thuận hòa bình rộng lớn hơn qua việc tham gia nhóm gồm các cường quốc và tổ chức quốc tế làm trung gian đối thoại giữa hai bên.
Nga đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Bộ Tứ Trung Đông, bao gồm Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga, để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza. (Nguồn: AP) |
Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Bộ tứ Trung Đông, bao gồm Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga, để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza.
Phát biểu trong một cuộc họp với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, ông Lavrov nhấn mạnh: “Hôm nay, chúng tôi đã đi đến quan điểm chung rằng nhiệm vụ cấp bách nhất hiện thời là triệu tập Bộ tứ Trung Đông để thực hiện nghĩa vụ hòa giải quốc tế”, đồng thời ông cũng bày tỏ tin tưởng vào khả năng Tổng thư ký LHQ sẽ chủ trì điều phối Bộ Tứ này.
Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga (SCR) vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra đánh giá rõ ràng về vai trò của Nga trong cuộc xung đột đang diễn ra: "Tôi muốn đề nghị các nhà lãnh đạo trong khu vực Trung Đông bình luận về tình hình hiện tại ở đây, ý tôi là sự leo thang trong xung đột Palestine-Israel, điều này đang diễn ra và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta”.
Để phù hợp với kế hoạch thiết lập ngoại giao đa phương ở Trung Đông, Bộ Ngoại giao Nga đã đề xuất mở rộng Bộ tứ theo mô hình “4 + 4 + 2 + 1” mới, nghĩa là 4 thành viên Bộ tứ Trung Đông, cộng với Ai Cập, Jordan, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain, cộng với Israel và Palestine, cộng với Saudi Arabia.
Moscow giải thích mô hình này dựa trên Sáng kiến Hòa bình Arab (API) năm 2002 của Saudi Arabia.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ không có tên trong đề xuất mới của Nga phản ánh thực tế rằng Moscow, không giống như Ankara, không tìm cách đổ lỗi và trừng phạt Israel, cũng như đang cho thấy sự căng thẳng ngầm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Azerbaijan trong suốt cuộc chiến Nagorno-Karabakh vừa qua.
Tổng thống Erdogan đầu tuần này cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ Palestine mạnh mẽ như “cuộc chiến của Azerbaijan nhằm giải phóng vùng đất bị chiếm đóng Nagorno-Karabakh”, đồng thời nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không khoan nhượng với “sự hung hăng của Israel ngay cả khi cả thế giới nhắm mắt làm ngơ”.
Tham gia vào quá trình hòa giải căng thẳng Palestine-Israel, Moscow tiếp tục tham vấn với các đặc phái viên Palestine. Đại sứ Palestine tại Nga Abdel Hafiz Nofal bày tỏ tin tưởng rằng Moscow có thể chuyền tải công bằng các lợi ích của Palestine cho Israel.
Ông Abdel Hafiz Nofal chia sẻ: “Những người bạn Nga hiểu mong muốn và lợi ích của nước chúng tôi để bảo vệ lợi ích của Palestine. Như đồng nghiệp của tôi, Đại sứ Jordan, đã nói rằng Nga cũng muốn mối quan hệ bền chặt với Israel và Nga có thể ảnh hưởng đến Israel”.
Cho dù chính xác hay không, đánh giá của Đại sứ Palestine có thể hiểu là một dấu hiệu hy vọng cho những nỗ lực hòa giải đang diễn ra.
Nhiều khả năng phía Palestine sẽ đi đến bàn thương lượng và chấp nhận kết quả của các cuộc đàm phán trong tương lai nếu họ tin rằng lợi ích của họ được nêu lên và được bảo đảm.