Ảnh ấn tượng tuần (14-20/11): Ukraine-NATO nói trái ngược nhau về tên lửa rơi ở Ba Lan, Nga tuyên bố không thấy có lỗi; Mỹ-Trung tìm điểm đồng
Dương Liễu
06:58 | 21/11/2022
Xung đột Nga-Ukraine, NATO và Tổng thống Zelensky nói khác nhau về nguồn gốc tên lửa rơi ở Ba Lan, Thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc, máy bay thời Thế chiến II rơi trong một buổi trình diễn… là những ảnh ấn tượng trong tuần do CNN, The Guardian, Reuters… tổng hợp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia, ngày 14/11. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi giảm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Biden nói: “Chúng tôi có chung trách nhiệm để cho thế giới thấy rằng Trung Quốc và Mỹ có thể giải quyết những khác biệt, ngăn cản sự cạnh tranh tiến gần ngưỡng xung đột và tìm cách để làm việc với nhau trên những vấn đề toàn cầu cấp bách, cần sự hợp tác của đôi bên". (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (bàn trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (bàn phải) bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 13/11. (Nguồn: AP)
Các nhà lập pháp vỗ tay khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu trong phiên họp ở Điện Capitol, Washington, Mỹ, ngày 17/11. Tại đây, bà Pelosi tuyên bố sẽ không tái tranh cử vị trí lãnh đạo phe Dân chủ, khi đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện vào năm tới. (Nguồn: AP)
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tái tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 trong một sự kiện tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, Mỹ, ngày 15/11. Trước đó cùng ngày, ông Trump đã nộp hồ sơ ứng cử lên cơ quan bầu cử Mỹ. Ông nói: “Sự quay trở lại của nước Mỹ bắt đầu ngay lúc này”. (Ảnh: Jonathan Ernst)
Khán giả đặt câu hỏi cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong một cuộc thảo luận tại tòa thị chính ở New York, Mỹ, ngày 16/11. Ông Pence từ chối cam kết ủng hộ chiến dịch tranh cử năm 2024 của cựu Tổng thống Trump và để ngỏ khả năng tham gia cuộc đua trở thành ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử này. (Nguồn: CNN)
Vua Charles III của Anh tham dự lễ Ngày Chủ nhật tưởng nhớ tại Cenotaph ở London, Anh, ngày 13/11. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong cuộc gặp ngày 19/11 tại Kiev, Ukraine. Phát biểu bên cạnh ông Zelensky trong chuyến thăm đầu tiên đến Ukraine, ông Sunak nhấn mạnh: “Hôm nay, tôi đến đây để thông báo rằng, Anh sẽ tiếp tục sát cánh cùng các bạn”. Theo đó, Anh dự kiến sẽ viện trợ cho Kiev 125 pháo phòng không, radar và thiết bị chống máy bay không người lái với tổng trị giá hơn 55 triệu USD. (Nguồn: BBC)
Người dân ôm một quân nhân Ukraine sau khi lực lượng Nga rút lui khỏi Kherson, ở trung tâm Kherson, Ukraine, ngày 13/11. (Nguồn: Reuters)
Binh sĩ thuộc Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 63 của Ukraina đưa chú chó Gypsy vào xe tải để rời vị trí tiền tuyến mà đơn vị này đã đóng quân trong hơn 5 tháng tại biên giới Mykolaiv và Kherson Oblasts, Ukraine. (Nguồn: Getty)
Binh sĩ Ukraine bắn súng cối tại Zaporizhzhia, Ukraine. (Nguồn: Reuters)
Bức ảnh trên không này, được chụp vào ngày 17/11, cho thấy hiện trường vụ tấn công bằng tên lửa khiến hai người thiệt mạng ở làng Przewodów, miền Đông Ba Lan, gần biên giới với Ukraine. Các nhà lãnh đạo Ba Lan và NATO cho biết, tên lửa có khả năng được bắn bởi các lực lượng Ukraine nhằm vào Nga và đây dường như là một vụ tai nạn. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Zelensky nói không có bằng chứng đó là tên lửa của Kiev. Trong khi đó, Điện Kremlin tuyên bố không thấy có lỗi gì và cho rằng không có lý do để leo thang căng thẳng vì vụ việc. (Nguồn: Getty)
Hình ảnh tại đám tang 2 mẹ con Yagmur Ucar và Arzu Ozsoy, 2 trong số 6 nạn nhân của vụ nổ bom trên đại lộ Istiklal, ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14/11. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một phụ nữ người Syria bị nghi ngờ có liên hệ với các chiến binh người Kurd. Cô này khai đã đặt một quả bom phát nổ trên đại lộ ở Istanbul. (Nguồn: Reuters)
Máy bay quân sự thời Thế chiến II rơi sau khi va chạm với một máy bay khác trong một buổi trình diễn ở Dallas, Texas, Mỹ, ngày 12/11. Hơn 40 đơn vị cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn. Văn phòng giám định y tế quận Dallas cho biết, 6 người trên máy bay đã thiệt mạng. (Nguồn: AP)
Tỷ phú Elon Musk cười khi tham dự trực tuyến Hội nghị thượng đỉnh B20 ở Bali, Indonesia, ngày 14/11. Tuần qua, Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla phải hầu tòa do bị các cổ đông kiện vì đã nhận mức thưởng "siêu khủng" trị giá 56 tỷ USD. Các cổ đông Tesla buộc tội Elon Musk sử dụng thế áp đảo của mình ở Hội đồng quản trị công ty để áp đặt các điều kiện cho khoản thưởng này từ năm 2018. Đây là khoản tiền đã giúp Elon Musk trở thành người giàu nhất hành tinh. (Nguồn: AP)
Siêu tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Mũi Canaveral thuộc bang Florida, Mỹ, ngày 16/11. Tên lửa mang theo tàu vũ trụ Orion (thuộc sứ mệnh Artemis-1) không có phi hành đoàn, thực hiện chuyến bay quanh Mặt trăng và trở lại Trái đất trong vòng 3 tuần. (Nguồn: Reuters)
Y tá bế em bé sơ sinh Elias trong một ca sinh mổ tại bệnh viện Charite, Berlin, Đức, ngày 15/11. Tuần qua, Liên hợp quốc cho biết, dân số thế giới đã chính thức đạt cột mốc 8 tỷ người. (Nguồn: Reuters)
Emma Woolf, cháu gái của tác giả người Anh Virginia Woolf và con trai Ludovic ngồi cạnh bức tượng đồng mới của nữ nhà văn, được khánh thành ở Richmond, London, Anh, ngày 16/11. Virginia Woolf là một trong những nhà văn quan trọng của thế kỷ XX. Cùng các tên tuổi lớn như Marcel Proust hay James Joyce, bà đã đem đến một diện mạo mới cho tiểu thuyết. (Nguồn: Reuters)
Người nông dân trồng kê đi trên cánh đồng ở ngoại ô Bengaluru, Ấn Độ, ngày 16/11. (Nguồn: Getty)
Đội tuyển bóng đá Argentina của cầu thủ Messi đến Doha, Qatar, dự World Cup 2022, ngày 17/11. Giải đấu khai mạc vào ngày 20/11. (Nguồn: Reuters)
Andrea Rubio (giữa) giành ngôi vị Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Venezuela ở Caracas, ngày 16/11. Andrea Rubio sẽ đại diện quốc gia Mỹ Latinh này tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới vào năm sau. (Nguồn: AP)
Hình ảnh ấn tượng khi sương mù bao phủ Sarajevo, Bosnia vào lúc hoàng hôn, ngày 14/11. (Nguồn: AP)
Mặt đất nứt nẻ do khô hạn tại một nhánh sông dẫn vào hồ Poyang ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Hạn hán kéo dài kể từ tháng 7 đã thu hẹp đáng kể diện tích hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc này. (Nguồn: AP)
Letoyie Leroshi, thuộc bộ tộc Samburu, múc nước cho bò từ một vũng nước ở làng Kom, Samburu, Kenya. Nhiều thế hệ người Đông Phi đã khai thác nước ngầm trên sa mạc để tồn tại ở những vùng đất khô cằn nhưng hiện nay, tại đây, hạn hán đang trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. (Nguồn: AP)
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.