Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong việc đăng cai tổ chức SEA Games 31. (Nguồn: TTXVN) |
SEA Games 31 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 21/11-2/12 tại Hà Nội và một số thành phố và tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Bắc Giang. Chương trình thi đấu chính thức của SEA Games 31 sẽ gồm 40 môn (hơn 500 bộ huy chương).
Một kỳ thể thao lớn nhất khu vực, nhưng sự chuẩn bị lại đang gặp phải vô vàn khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Cho đến thời điểm này, mọi khâu chuẩn bị cho SEA Games 31 vẫn đang diễn ra, nhưng rất bị động.
Ban tổ chức đã tiến hành kiểm tra, rà soát việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất ở các địa phương đều diễn ra đúng tiến độ. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị về vận động tài trợ, truyền thông cũng vẫn được diễn ra.
Tuy nhiên, riêng về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, đưa ra các phương án với tình hình hiện nay đang khá bế tắc. Ngành thể thao dự kiến sẽ có cuộc làm việc với các bộ, ban ngành, UBND TP. Hà Nội, các địa phương đăng cai tổ chức… để cùng có sự thống nhất kế hoạch trước khi trình lên cơ quan có thẩm quyền.
Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) nhấn mạnh: "Chúng tôi đã xây dựng tới 3 kịch bản, nhưng phương án nào cũng có thuận lợi và hạn chế. Trong quá trình tổ chức SEA Games, nếu có dịch bệnh sẽ rất phức tạp.
Nếu đến quốc gia tham dự Đại hội mà vẫn phải cách ly thì rất khó thực hiện được nhiệm vụ thi đấu. Bởi vì các vận động viên phải cách ly thì sẽ ảnh hưởng tới tập luyện, khả năng thi đấu".
"Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phải có báo cáo với cấp trên trong tuần tới. Về phía Tổng cục TDTT, chúng tôi có trách nhiệm phải tham vấn với Bộ về nhiều yếu tố, trong đó có cả chuyên môn, ngoài chuyên môn.
Về chuyên môn, hiện nay các nước trong khu vực gặp nhiều khó khăn về chuyện tập luyện, nên việc đạt thành tích cao như các kỳ trước là không thể. Bên cạnh đó, cơ hội quảng bá của nước chủ nhà cũng khó có thể đạt kết quả như mong muốn", một lãnh đạo Tổng cục TDTT chia sẻ.
Theo lãnh đạo Tổng cục TDTT, khó khăn lớn nhất với Ban tổ chức SEA Games 31 đó là làm sao kiểm soát được dịch Covid-19, khi dự kiến có khoảng 20.000 người tham dự đại hội, trong đó có các HLV, VĐV, quan chức, trọng tài, an ninh, y tế… Đó là chưa kể một số lượng rất lớn CĐV đến xem các đội thi đấu.
"Đến thời điểm này Tiểu ban y tế vẫn chưa có cuộc họp nào. Ban tổ chức SEA Games chưa có phương án cụ thể về việc kiểm soát dịch Covid-19. Các đoàn đến Việt Nam sẽ được kiểm tra, cách ly ra sao, vẫn là một bài toán nan giải", vị lãnh đạo Tổng cục TDTT cho hay.
Được biết, đến thời điểm này Ban tổ chức SEA Games vẫn chưa nhận được kinh phí để chuẩn bị cho đại hội. Dự kiến số tiền tổ chức SEA Games vào khoảng 1.700 tỷ đồng.
"Bản thân các nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi chưa khống chế được dịch bệnh nên việc nhập cảnh vào Việt Nam là một bài toán không đơn giản.
Nhưng nếu ngay cả khi lùi thời gian tổ chức SEA Games, thì liệu sang năm sau các nước sẽ được tiêm vaccine đầy đủ để miễn dịch cộng đồng hay không?
Đó là chưa kể sang năm 2022 có nhiều giải đấu quan trọng như Asiad hay đại hội TDTT toàn quốc, rồi ngay tháng 5/2023 Campuchia sẽ đăng cai SEA Games, nên chưa rõ đại hội sẽ được tổ chức vào thời điểm nào là hợp lý", lãnh đạo Tổng cục TDTT nói.
"Các cơ quan tham mưu cho Chính phủ cần có những hành động dũng cảm, cần tỏ rõ thái độ và giúp Chính phủ sớm đưa ra quyết định sáng suốt. Đặt vấn đề tổ chức SEA Games 31 vào lúc này là không hợp lý, không hợp lòng dân. Nên có hai phương án rõ ràng, nếu dịch bệnh tăng thì dừng SEA Games, còn nếu dịch hết nhanh thì tiếp tục đăng cai nhưng đây chỉ là phương án dự phòng...", ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh, nếu phải lựa chọn thì dừng hẳn chứ không nên dời đại hội sang năm 2022. SEA Games được tổ chức 2 năm một lần, nếu dời đến năm sau, sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ chuẩn bị của các đội tuyển cho SEA Games 32 vào năm 2023 dự kiến tại Campuchia.