Trong số những quốc gia đã đặt chân tới, có lẽ Việt Nam là điểm dừng chân ưa thích của Anthony Bourdain trong suốt chặng hành trình của mình, đặc biệt là Hà Nội, bởi nơi đây nổi tiếng và cuốn hút ở những món ăn đường phố. Có thể tưởng tượng ra cảnh biết bao nhiêu người ngồi quây quần bên nhau cùng sụp soạp ngon lành bát phở nóng hổi và thơm phức.
Ông đã có vinh dự được gặp lại Tổng thống Barack Obama tại quán Bún chả Hương Liên tại một phố cổ đông đúc ở Hà Nội. Bước lên tầng 2, ngồi chờ bên một chiếc bàn làm bằng thép không gỉ, xung quanh có khá nhiều khách hàng cũng đến đây để thưởng thức món ăn mang đậm bản sắc dân tộc này, và họ được yêu cầu cứ tự nhiên ăn uống, nói chuyện với nhau và đừng để ý gì đến ông Obama và ekip quay phim.
Ông Anthony Bourdain (bên phải) thưởng thức bún chả với Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Hà Nội. (Nguồn: CNN) |
Câu chuyện bún chả
Cũng giống như nhiều quán ăn khác tại Việt Nam, cơ sở vật chất của quán Bún chả Hương Liên này cũng rất bình thường và giản dị.
Anthony hỏi Tổng thống: "Ngài có thường ra ngoài uống bia không?"
"Tôi ít khi ra ngoài lắm, nhưng được ngồi ở đây với biết bao người khác, tận hưởng không khí ấm cúng cũng là điều khá thú vị. Tôi thích thế".
Khi người bồi bàn bưng ra hai bát nước dùng, một đĩa rau sống, một đĩa bún, Bourdain với lấy hai đôi đũa trên bàn. Thoáng thấy các đĩa đồ ăn, ông Obama cảm thấy bối rối và nói: "Có lẽ anh phải giúp tôi đấy".
"Ngài yên tâm, đã có tôi hướng dẫn", Bourdain trấn an Tổng thống. Cả hai ngồi thưởng thức món bún chả và trao đổi với nhau tâm tình như hai người bạn.
Tất nhiên mùi vị của món bún chả đã đọng lại không ít ấn tượng đối với Tổng thống Obama. Bữa ăn chỉ hết 6 USD và người đòi trả tiền chính là ông Obama.
Ký ức cuộc sống
Ngẫm về tuổi thơ khi Bourdain còn bé, ông nhớ mãi ký ức về chuyến đi không thể nào quên tới Pháp. Hồi đó mới 10 tuổi, ông cùng em trai, Chris và bố mẹ đi nghỉ hè tại Pháp, ở luôn tại nhà người quen của bố mẹ. Tại đây Tony (tên gọi lúc nhỏ của ông) được chứng kiến cảnh người dân đánh bắt những con hàu và ăn sống ngay khi từ dưới biển lên, và kể từ đó ông đã muốn quay những thước phim mô tả lại cảnh tượng này một cách sinh động.
Đối với ông Anthony Bourdain, được đi và trải nghiệm luôn mang lại niềm vui cho cuộc sống. (Nguồn: The New Yorker) |
Sau khi tốt nghiệp Viện Ẩm thực năm 1978, ông cùng bà Putkoski chuyển tới sinh sống tại một căn hộ cho thuê ở Riverside Drive. Họ cưới nhau năm 1985. Vợ ông làm khá nhiều công việc khác nhau, còn ông thì gắn bó với Trung tâm Rockefeller. Nhưng cuộc hôn nhân đã kết thúc năm 2005, ông ví nó như bộ phim "Chàng cao bồi bán thuốc" của Gus Van Sant trong đó Matt Dillon và Kelly Lynch đóng vai những kẻ nghiện đi cướp thuốc để thỏa mãn cơn ghiền. Ông chia sẻ: "Bản chất cuộc sống của chúng ta là giống nội dung bộ phim đó: chúng ta phụ thuộc lẫn nhau, gây đau đớn cho nhau và vô hình trung đều trở thành tội phạm cùng nhau".
Hành trình của ông tiếp tục vào năm 1998 khi ông trở thành bếp trưởng tại Les Halles. Trong cuốn sách Bí ẩn nhà bếp của mình, Ông đưa ra hàng loạt những lời cảnh báo ví dụ như đừng gọi món cá vào thứ Hai bởi món cá đó đã được ngâm trong tủ lạnh từ 4 đến 5 ngày chứ không còn tươi; hay như ông cũng tuyên bố sẽ không ăn tại nhà hàng nào mà khu vệ sinh lại dơ dáy bởi chỗ đó mà bẩn thì chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng ra tình trạng bên trong tủ lạnh và khu nấu nướng của nhà hàng đó.
Có đôi chút châm biếm khi Bourdain được vinh danh là đại sứ ẩm thực trong khi bản thân ông tự nhận mình chưa bao giờ là đầu bếp có khả năng truyền được cảm hứng cho người khác.
Một người dân Hà Nội đang hướng dẫn ông Anthony Bourdain trải nghiệm món ăn địa phương. (Nguồn: The New Yorker) |
Mùa Hè năm 2006, Bourdain bay tới Lebanon để quay thước phim về Beirut. Ông dự định sẽ tập trung vào cuộc sống về đêm của những người theo chủ nghĩa thế giới. Tuy nhiên, những ngày sau đó Beirut bị ném bom, rất nhiều người dân đã bị thiệt mạng, Bourdain và đồng sự của mình phải ẩn náu tại Khách sạn Hoàng Gia, cách không xa Đại sứ quán Mỹ chờ ngày di tản ra khỏi vùng chiến sự.
Tại Beirut, có vẻ như Bourdain đã tìm ra được chủ đề khác để làm phim thay vì chỉ nói về chiến tranh. Họ tập trung vào bối cảnh người dân bị mắc kẹt khi xung đột xảy ra. Người xem thấu hiểu được cảnh những người quay phim mong được về nhà đến thế nào còn các nhà làm phim thì lo lắng ra sao cho sự an toàn của những người thân yêu. Ông chia sẻ "Đây không phải thứ mà tôi đến tìm tại Lebanon. Hãy nhìn này, chúng tôi đang phải mặc quần áo lót, da đen sạm vì nắng, và ngồi ngắm chiến tranh xảy ra".
Đối với ông Bourdain, cuộc đời là những chuyến đi với biết bao kỷ niệm, ký ức cứ mỗi ngày thêm sâu đậm qua thời gian.