Thông báo thuế quan mới của Tổng thống Trump đã khiến thị trường quay cuồng bởi Washington và Bắc Kinh vừa bắt đầu lại các cuộc đàm phán ở Thượng Hải. (Nguồn: CNBC) |
Ngày 1/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 10% lên số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1/9 tới và dọa có thể sẽ nâng lên mức cao hơn 25%. Động thái trên của ông chủ Nhà Trắng đồng nghĩa với việc hầu như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ đều bị áp thuế quan bổ sung.
Bước leo thang lớn nhất trong 'trò chơi' thương mại
Chuyên gia kinh tế cấp cao Bill Adams thuộc công ty chuyên về dịch vụ tài chính PNC có trụ sở tại Mỹ đánh giá, mức thuế 10% mà ông Trump áp lên 300 tỷ USD hàng hóa trong kế hoạch này tương đương khoản thuế 30 tỷ USD, chỉ bằng khoảng 0,14% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ. Tuy nhiên, thiệt hại về tâm lý của doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang giảm tốc.
Thông báo thuế quan của Tổng thống Trump đã khiến thị trường quay cuồng bởi Washington và Bắc Kinh vừa bắt đầu lại các cuộc đàm phán ở Thượng Hải (Trung Quốc) trong tuần này. Động thái của ông Trump cũng đánh dấu bước leo thang lớn nhất trong cuộc chiến thương mại kéo dài 13 tháng qua, kể từ khi nhà lãnh đạo Mỹ ‘‘châm ngòi’’ căng thẳng thương mại vào tháng 5 năm ngoái.
Theo ông David Adelman, cựu Đại sứ Mỹ tại Singapore, tuyên bố trên của Tổng thống Trump thể hiện ông Trump là một người vô cùng khó đoán. Cựu Đại sứ Mỹ tại Singapore cũng cho biết, hiện tại, không rõ thời gian kết thúc ‘‘trò chơi’’ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
''Tổng thống Trump đã nhận ra rằng, việc áp thuế quan là một trong số ít những việc ông có thể làm ở Washington mà không cần sự giúp đỡ của Quốc hội. Chính vì thế, ông sẵn sàng sử dụng thuế quan như một công cụ để ‘‘trừng phạt’’ các quốc gia mà ông cho rằng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế Mỹ'', ông David Adelman khẳng định.
Bên cạnh đó, đại sứ David Adelman không đặt nhiều kỳ vọng vào các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo tại Washington vào đầu tháng Chín. ‘‘Vẫn còn nhiều khả năng, Tổng thống Mỹ sẽ đảo ngược tiến trình hoặc bằng cách nào đó làm sáng tỏ ý định của ông đối với các mức thuế mới này. Điều đó sẽ khiến các cuộc đàm phán trở nên không chắc chắn hơn’’, cựu đại sứ Mỹ tại Singapore nói.
Ngoài ra, đại sứ David Adelman cho rằng, 13 tháng kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, thị trường thế giới đã chịu nhiều tổn thương. Tuy nhiên, sẽ có một giới hạn nhất định bởi không ai sẵn sàng đáp ứng một số điều không chắc chắn.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không "khoanh tay đứng nhìn" mà có thể trả đũa bằng nhiều cách thức khác nhau. (Nguồn: Asiantimes) |
'Canh bạc' của Tổng thống Trump
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không "khoanh tay đứng nhìn" mà có thể trả đũa bằng nhiều cách thức khác nhau. Cụ thể như áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ hay gây khó dễ cho các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc.
Cutler, Phó chủ tịch Viện chính sách xã hội châu Á, viết trên Twitter rằng, đừng kỳ vọng Trung Quốc sẽ ngồi yên. Mức thuế trị giá 300 tỷ USD cùng biện pháp trả đũa của Trung Quốc sẽ đánh mạnh vào người tiêu dùng, người lao động, doanh nhân và nông dân Mỹ.
Về phía Trung Quốc, trong cuộc chiến kéo dài hơn một năm, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các biện pháp như nới lỏng chính sách tiền tệ và cắt giảm thuế để hỗ trợ nền kinh tế nước này. Timothy Moe, đồng giám đốc nghiên cứu vĩ mô châu Á và chiến lược công bằng châu Á - Thái Bình Dương tại Goldman Sachs Moe cho biết, các hành động tiếp theo có thể sẽ là kích thích tài khóa.
Đánh giá thêm về mức thuế quan mới của Tổng thống Trump, Michael Hirson, giám đốc khu vực Trung Quốc và Đông Bắc Á nhận định, việc đe dọa thuế quan này là một ‘‘canh bạc’’ nghiêm trọng của Tổng thống Trump. ‘‘Tuyên bố của ông Trump có thể gửi đi tín hiệu rằng, ông ấy muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trước khi bước vào cuộc bầu cử năm 2020. Tổng thống Trump sẵn sàng sử dụng các công cụ để gây sức ép lên Trung Quốc nhằm đạt được mục tiêu đó”, ông Michael Hirson nói.
Chuyên gia kinh tế từ ngân hàng ING của Hà Lan Iris Pang thì nhận định, một cuộc chiến thương mại toàn diện khó có thể giúp Tổng thống Trump có cơ hội trong cuộc bầu cử năm 2020. ‘‘Chúng tôi tin rằng chiến lược của Trung Quốc sẽ khiến cuộc chiến thương mại leo thang, từ đó, làm chậm tốc độ đàm phán thương mại giữa hai quốc gia. Điều này có thể kéo dài quá trình ‘‘trả đũa nhau’’ cho đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới’’, Iris Pang khẳng định.