Alan Peter S. Cayentano
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines
Với những diễn biến kinh tế liên tục thay đổi và sự phát triển của công nghệ, chúng tôi luôn thúc đẩy phát triển thông qua việc nâng cao kỹ năng quản trị với những quy trình hiệu quả - hướng tới một chính phủ hoạt động hiệu quả hơn; các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tiếp cận với thị trường quốc tế, còn mọi người dân được tiếp cận với những cơ hội, hàng hoá, dịch vụ có giá cả phải chăng. Những cam kết khu vực và đa phương của chúng ta nên tạo điều kiện cho những khát vọng này.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter S. Cayentano. |
Năm nay, ASEAN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và cũng là một mốc quan trọng gắn liền với việc đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN của Philippines. Chúng tôi rất tự hào vì đã đóng góp vào sự phát triển của ASEAN trong nửa thế kỷ qua. Ở thời điểm ASEAN được thành lập, khu vực này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do các cuộc xung đột. Sự khác nhau về văn hóa, ý thức hệ và hệ thống chính trị cũng gia tăng cái nhìn bi quan này. Tuy nhiên, trong chặng đường phát triển của mình, ASEAN đã làm thay đổi khu vực trở thành một cộng đồng đùm bọc và sẻ chia. Tiến trình hội nhập khu vực và các hoạt động xây dựng cộng đồng của ASEAN đã góp phần vào sự thịnh vượng, ổn định và hoà bình của khu vực châu Á và trên thế giới.
Đến năm 2025, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mong muốn khẳng định vị thế của ASEAN là một chủ thể kinh tế có tiềm lực và mở cửa. Với việc AEC ra đời, ASEAN sẽ tiếp tục tăng cường hội nhập kinh tế và theo đuổi các thay đổi cơ cấu ở các nền kinh tế ASEAN nhằm biến khu vực thành một tổ chức cạnh tranh, sáng tạo, đổi mới và năng động. Hướng tới một khu vực chia sẻ thịnh vượng là nhiệm vụ trọng tâm quyết định sự tồn tại của ASEAN và Philippines cũng mong muốn giúp thế giới hội nhập thông qua các hoạt động của APEC nhằm mục tiêu này.
Bảy trong 10 nền kinh tế ASEAN gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đều là thành viên của APEC và qua diễn đàn này, chúng tôi luôn muốn chú ý tới lợi ích của các thành viên còn lại như Campuchia, Lào, và Myanmar.
Với hai nền kinh tế ASEAN hiện đang giữ các vị trí Chủ tịch ASEAN và chủ nhà APEC trong năm 2017, chúng tôi hy vọng sức mạnh của ASEAN trong tiến trình APEC sẽ thúc đẩy hơn nữa mối giao lưu ở Thái Bình Dương. APEC, 28 năm kể từ khi thành lập, vẫn là động lực và là cỗ máy tăng trưởng của kinh tế thế giới. Với những nỗ lực của từng nền kinh tế và tập thể hướng tới hoàn thành được Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, GDP của các nền kinh tế thành viên APEC đã tăng từ mức 16.000 tỷ USD năm 1989 lên 44.000 tỷ USD năm 2016, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 74%.
Quan hệ hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không phải mới được thiết lập. Năm thế kỷ trước, hoạt động thương mại thuyền buồm Manila-Acapulco đã phát triển mạnh mẽ trong suốt 250 năm với 798 chuyến giao thương xuyên biên giới và đây là hình thức giao thương sơ khai trước của APEC.
Ý tưởng hợp tác xuyên Thái Bình Dương của APEC được công nhận rộng rãi trong thế kỷ XXI đã khẳng định không chỉ sức mạnh kinh tế của các nền kinh tế APEC mà cả mối liên kết tự nhiên giữa các nền kinh tế.
Từ khi thành lập năm 1989, APEC đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2013, chúng tôi đã chia sẻ “mong muốn xây dựng một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết và bao trùm thông qua những trụ cột kết nối về hạ tầng, thể chế và con người”. Năm 2014, chúng tôi đã thông qua Kế hoạch tổng thể Kết nối APEC giai đoạn 2015 – 2025, hướng tới việc xây dựng thành công “một châu Á-Thái Bình Dương gắn kết liên tục và hội nhập toàn diện”.
Từ năm 2014, Philippines đã triển khai những bước cụ thể để thúc đẩy ba trụ cột này. Đối với chúng tôi, nhiệm vụ cấp thiết nhất là tăng cường kết nối. Với việc kết nối hơn 7.100 hòn đảo của Philippines, chính quyền của Tổng thống Rodrigo Roa Duterte hy vọng sẽ mở ra kỷ nguyên vàng xây dựng hạ tầng cơ sở nhờ tăng tỉ lệ chi cho phát triển hạ tầng cơ sở trong GDP lên 7%. Trong khi tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất, chúng tôi cũng muốn bảo đảm rằng tất cả các thành phần xã hội của Philippines đều bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội cũng như hàng hóa dịch vụ với giá cả phải chăng.
Cải cách cơ cấu và phát triển nguồn nhân lực là hai lĩnh vực rất quan trọng đối với xã hội hiện nay. Vì vậy, theo đuổi một chương trình nghị sự liên quan đến cải cách cơ cấu APEC hướng tới một thị trường hiệu quả, cởi mở, minh bạch và có tính cạnh tranh có ý nghĩa rất quan trọng. Cam kết của Philippines đối với chương trình nghị sự này và niềm tin của tôi đối với thương mại tự do và mở cửa đã giúp kinh tế Philippines tăng trưởng từ 82,85 tỷ USD năm 1996 lên 305 tỷ USD vào năm 2016.
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) là “xương sống” của nhiều nền kinh tế APEC, chiếm số lượng tới 90% tổng số doanh nghiệp đồng thời sử dụng 80% lực lượng lao động. Mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp MSMEs là trọng tâm của quá trình tăng trưởng bao trùm và chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ những cải cách cần thiết.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines (thứ năm, từ trái) tham dự Phiên họp toàn thể Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50. |
Tương tự, Chiến lược Giáo dục APEC 2016 chính là chìa khóa để chúng ta cải tạo xã hội “hướng tới một cộng đồng giáo dục gắn kết, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững vào năm 2030 thông qua nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu việc làm, đẩy mạnh sáng tạo và nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế”. Các nền kinh tế APEC mong muốn được trang bị tốt hơn để có thể cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động.
Trong bối cảnh như vậy, phát triển nguồn nhân lực có tầm quan trọng trong chặng đường tới năm 2040 của chúng tôi. Thông qua giáo dục, chúng tôi sẽ bảo đảm nguồn nhân lực được trang bị kỹ để đối mặt với những thách thức và tự tin cạnh tranh trước những cơ hội. Chúng tôi hy vọng xây dựng một xã hội tri thức và sáng tạo thông qua những khoản đầu tư giáo dục bền vững.
Thông qua những lần liên tục đảm nhiệm các chức vụ Chủ tịch, Philippines luôn ủng hộ tăng trưởng bền vững và bao trùm, với nguyên tắc “không ai bị bỏ lại phía sau” và tất cả mọi thành viên đều có cơ hội chứng tỏ khả năng của mình.
Chương trình nghị sự phát triển thương mại và đầu tư của APEC là một chương trình thiết yếu, vì vậy khi là chủ nhà APEC 2015, Philippines đã đặc biệt chú trọng vào tăng trưởng bao trùm và nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp MSMEs.
Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” là sự khẳng định tiến trình hợp tác mạnh mẽ của APEC trong việc xây dựng sức mạnh tổng hợp mới và là vườn ươm ý tưởng, nơi mà các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất. Với mong muốn hướng tới tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, Philippines ủng hộ Việt Nam trong năm đảm nhiệm vị trí chủ nhà APEC.
Từ thời đại thuyền buồm Galleon cho tới APEC hiện tại, chúng tôi hy vọng sớm xây dựng Tầm nhìn của APEC sau năm 2020, nhằm định hình lại khuôn khổ hợp tác trong thế kỷ XXI để mang lại nhiều thành quả hơn trong quá trình phát triển kinh tế và đem lại sự thịnh vượng cho người dân.