Bài viết chào mừng kỷ niệm 75 Quốc khánh Việt Nam trên báo Asia News của Iran. |
Tròn 75 năm trước, vào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.
Bản tuyên ngôn khẳng định nền độc lập là kết quả trực tiếp của các cuộc chiến chống quân Nhật xâm lược cũng như chống lại chính quyền thực dân Pháp của Việt Minh, do Hồ Chí Minh lãnh đạo, với sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, người Pháp vẫn quyết tâm khôi phục sự hiện diện của chính quyền thuộc địa tại Đông Dương, và với sự giúp đỡ từ quân Anh, đã chiếm đống miền Nam Việt Nam và năm 1946. Trong suốt 9 năm, người dân Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã hùng dũng đứng lên chống lại “cỗ máy chiến tranh” của người Pháp. Bằng những chiến thuật quân sự khôn ngoan của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, người dân Việt Nam, với lượng vũ khí ít ỏi và thiếu kinh nghiệm chiến đấu, đã đánh bại quân xâm lược Pháp, với tâm điểm là chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954. Thất bại đau thương đó đã khiến Pháp phải ký vào Hiệp ước Geneva tháng 7/1954, chấm dứt sự hiện diện của thực dân Pháp tại bán đảo Đông Dương.
Thế nhưng, chưa vui mừng được bao lâu, Việt Nam lại tiếp tục chịu sự xâm lược của đế quốc Mỹ, khởi điểm là những vụ đánh bom năm 1964. Theo bài báo, tổng khối lượng bom mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam gấp 3 lần lượng bom mà Mỹ thả trong Thế chiến II. Khi đó, các tướng Mỹ còn tin rằng, với khối lượng bom khổng lồ đó, Mỹ có thể “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.
Với những bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến trước đó, nghệ thuật quân sự của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ đã được đẩy lên tầm cao mới. Quân đội Việt Nam đã linh hoạt đánh bại từng chiến thuật của kẻ thù, từng bước thay đổi cục diện thế trận và giành chiến thắng. Theo bài viết, năm 1975, sau hơn 21 năm chiến đấu khó khăn nhưng đầy kiên cường, người dân Việt Nam đã giành phần thắng lợi trong cuộc chiến lớn nhất, dài hơi nhất và khốc liệt nhất kể từ Thế chiến II.
Sau 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ diễn ra đầy hào hùng song cũng rất gian khổ và nhiều mất mát, hy sinh của dân tộc, Việt Nam đã phải chịu rất nhiều khó khăn, nhất là về mặt kinh tế. Với sự dẫn dắt linh hoạt, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quốc gia này đã thực hiện chính sách Đổi mới (năm 1986), giành được những thành tựu quan trọng về mọi mặt của đời sống xã hội ở Việt Nam. Trong khoảng thời gian này, Việt Nam bắt đầu mở cửa, kêu gọi đầu tư nước ngoài, theo đuổi thương mại và thị trường tự do, điển hình là việc gia nhập ASEAN và Hiệp định thương mại tự do ASEAN năm 1995, ký kết Hiệp định thương mại song phương với Mỹ năm 2000 (sau đó là với Nhật Bản và EU) và gia nhập WTO năm 2007.
Theo bài viết, những năm qua, Việt Nam đã đạt điều vô số thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, kinh tế - xã hội. Về đối ngoại, Việt Nam duy trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, chủ quyền, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa và nỗ lực là thành viên tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng duy trì một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước cũng như đẩy mạnh chính sách đối ngoại thực chất. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, xây dựng mạng lưới 30 đối tác chiến lược và toàn diện, bao gồm cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam giữ đồng thời hai trọng trách là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trên các cương vị này. Với ASEAN, Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh vị thế của khối trên trường quốc tế, đồng thời đặt ưu tiên thúc đẩy sự đoàn kết và thống nhất giữa các quốc gia thành viên và thắt chặt quan hệ với các đối tác trong những thách thức quan trọng như đại dịch Covid-19 và vấn đề Biển Đông.
Với việc giành được 192/193 phiếu vào tháng 6/2019, Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Kể từ khi đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ tháng 1/2020, Việt Nam luôn đề cao tuân thủ Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp, xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan; đồng thời, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực.
Về bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, bài viết nêu rõ lập trường và các hành động của Việt Nam nhằm kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đồng thời khéo léo tranh thủ thời cơ giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và tăng cường đối thoại tìm kiếm các biện pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề Biển Đông.
Trang bìa tờ Asiatimes của Iran phiên bản tiếng Ba Tư. |
Về lĩnh vực kinh tế, bài viết đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua, cho rằng sự phục hồi của kinh tế Việt Nam sau chiến tranh gần như là một sự kỳ diệu khi từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia mới nổi năng động nhất ở khu vực Đông Á. Trong giai đoạn 2010 - 2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt trung bình 6,31%, trong đó GDP năm 2019 tăng 7,02%, nằm trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới.
Thu hút FDI là điểm sáng của nền kinh tế với nguồn vốn FDI tích lũy đến năm 2019 ở mức cao nhất, đạt khoảng 362 tỷ USD với 30.827 dự án từ 132 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đã hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu với 16 FTA có hiệu lực hoặc đang đàm phán, trong đó Việt Nam ưu tiên cao trong tận dụng lợi thế của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).
Tác giả cũng đã nêu bật các thành tựu tích cực về xóa đói giảm nghèo và thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), đồng thời đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 thông qua hành động kịp thời, kiểm soát lây nhiễm tích cực, huy động lực lượng dân số lớn tham gia chống dịch.
Về quan hệ Iran - Việt Nam, bài viết nêu rõ kể từ khi thành lập vào năm 1973, hai nước luôn duy trì quan hệ chính trị hữu nghị tốt đẹp. Các chuyến thăm của lãnh đạo 2 nước là dấu hiệu của sự quan tâm và quyết tâm của cả hai bên nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác. Hai bên cũng thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn khu vực và quốc tế. Về thương mại song phương, hai nước có tiềm năng to lớn để phát triển với thị trường rộng lớn và các nền kinh tế có tính bổ sung lẫn nhau. Tuy nhiên, do phương thức thương mại và ứng xử của các doanh nghiệp hai nước còn nhiều khác biệt và các lệnh trừng phạt của Mỹ, thương mại song phương gặp nhiều khó khăn, phần lớn được thực hiện thông qua các nước thứ ba.
Theo Phòng Thương mại Iran-Việt Nam, giá trị thương mại giữa hai nước đạt 352 triệu USD vào cuối năm dương lịch 1397 của Iran (ngày 20/3/2019), khá thấp so với mục tiêu 2 tỷ USD trong thương mại hai chiều đến năm 2020 được thiết lập vào năm 2016.