Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Thái Lan và Australia, tháng 11/2020. (Nguồn: Bangkok Post) |
Australia và Thái Lan đã ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ song phương lên tầm quan hệ đối tác chiến lược vào ngày 13/11/2020. Tuyên bố chung đề cập hợp tác trong các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, an ninh mạng, chống rửa tiền và tội phạm xuyên quốc gia.
Quyết định của Australia và Thái Lan được cho là có thể hiểu rõ khi nhìn nhận trong bối cảnh những tương đồng về lịch sử, địa lý, lợi ích đan xen và mối quan tâm chiến lược chung giữa hai nước.
Hội tụ lợi ích chiến lược
Trong Thế chiến II, hơn 13.000 tù nhân chiến tranh Australia đã bị Nhật Bản cưỡng chế lao động để xây dựng tuyến đường sắt nối Thái Lan với Myanmar. Khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, vị thế của Thái Lan và Australia trong nhìn nhận của đối phương cũng dần thay đổi. Xuất phát những lý do khác nhau nhưng có sự tương thuộc nhất định, cả hai đều chọn đứng về phía Mỹ.
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1952 và đều là thành viên sáng lập của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) vào năm 1954. Trong những năm 1960, Australia triển khai phi đội máy bay F-86 Sabre đến tỉnh Ubon Ratchathani ở Đông Bắc Thái Lan. Hai nước nhiều lần hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, trong cả các hoạt động ngăn chặn nhiều mối đe dọa mới.
Trong cuộc khủng hoảng Timor Leste năm 1999, Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á hỗ trợ Australia giải quyết khủng hoảng, một thực tế phản ánh mối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia.
Với việc cùng ở chung khu vực địa lý, không có gì ngạc nhiên khi Australia đã tích cực can dự vào khu vực Đông Nam Á từ Thế chiến II và được nhiều người nhìn nhận như đối tác đầu tiên của ASEAN.
Bằng cách cho thấy tầm quan trọng của mình, Australia đang tích cực tham gia một loạt sáng kiến khu vực có sự góp mặt của Thái Lan, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Australia cũng là một đối tác chặt chẽ trong nhiều sáng kiến khu vực về chống khủng bố.
Cùng chung khu vực địa lý là yếu tố giúp hai nước tìm thấy những lợi ích chung, những lợi ích liên quan đến nhu cầu đảm bảo an ninh và ổn định của mỗi nước. |
Ví dụ, nền kinh tế thịnh vượng và phát triển của Thái Lan trái ngược với tình hình tại nhiều quốc gia láng giềng như Myanmar, Lào và Campuchia. Đối với Australia, có một thực tế là chính các liên kết an ninh với phương Tây của Thái Lan đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự gắn kết chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang hai nước. Các mối quan hệ an ninh này cũng đi cùng với hợp tác song phương mạnh mẽ trong giáo dục và thương mại.
Cả Thái Lan và Australia đều là thành viên sáng lập của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Hai nước đã ký Hiệp định Thương mại Tự do Thái Lan-Australia (TAFTA) vào năm 2005, và Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) trong năm 2010. Mới đây nhất, cả hai cũng tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Những thành quả này cho thấy lợi ích của Thái Lan và Australia có sự đan xen, phản ánh những mối quan tâm chung trong khu vực.
Giống như Australia, Thái Lan vẫn là một đồng minh hiệp ước của Mỹ. Và tương tự Thái Lan, Australia đang có những đầu tư mạnh mẽ vào “đại dự án” hợp tác khu vực của châu Á.
Với tư cách là những quốc gia tầm trung, cả hai đều có lý do để hợp tác với nhau - như họ đã từng làm ở Timor Leste vào năm 1999 và Campuchia vào đầu những năm 1990. Việc cùng có quan điểm hướng đến hợp tác càng trở nên quan trọng trong bối cảnh Mỹ đang rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu trong những năm gần đây.
Khi suy xét về những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và những mối đe dọa về địa chiến lược của Australia, có thể thấy Thái Lan và Australia đang phải đối mặt với những thách thức tương tự nhau liên quan tới cạnh tranh siêu cường, các mối đe dọa về môi trường tiềm ẩn và một loạt thách thức trong lĩnh vực quản trị.
Khu phố Thái Lan ở Sydney - nơi tập trung đông nhất cộng đồng người Thái Lan ở Australia. (Nguồn: SBS) |
Sự phát triển tất nhiên
Khi suy xét về tình hình chính trị ở Thái Lan, câu hỏi đặt ra là tại sao Australia lại ký kết thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược với Thái Lan vào thời điểm này?
Một báo cáo nghiên cứu gần đây giữa Đại học Auckland (ANU) tại New Zealand và Đại học Thammassat Thái Lan chỉ ra rằng Australia quan tâm đến cải cách chính trị ở Thái Lan, nhưng mối quan tâm đó chịu sự chi phối của một tính toán chiến lược.
Về bản chất, giới lãnh đạo Australia luôn tìm cách duy trì quan hệ tốt với những đồng cấp Thái Lan bởi các chính phủ Thái Lan cũng thường giữ quan hệ tốt với Australia.
Những tương đồng về lợi ích là yếu tố thúc đẩy chính phủ Australia duy trì mối quan hệ chặt chẽ nhất có thể với Thái Lan, bất chấp các bất ổn chính trị và nhiều quan điểm không đồng điệu của hai nước.
Đổi lại, sau gần 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, chính phủ Thái Lan luôn đánh giá cao quan điểm thực tế của Canberra. Việc có nhiều điểm chung chính là yếu tố đảm bảo mối quan hệ đối tác chiến lược hai nước nhiều hơn những gì người ta có thể hình dung.