Lãnh đạo các nước thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnus, Lithuania ngày 11/7. (Nguồn: Getty Images) |
Vấn đề nổi bật hơn cả tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius, Lithuania từ ngày 11-12/7 là quy trình kết nạp Ukraine làm thành viên của liên minh.
Tín hiệu trái ngược về Ukraine
Tuyên bố chung khẳng định: “Tương lai của Ukraine nằm ở NATO… Chúng tôi sẽ đưa ra lời mời cho Ukraine gia nhập liên minh khi các đồng minh đồng ý các điều kiện được đáp ứng”. Lãnh đạo các nước NATO khẳng định việc rút ngắn các thủ tục thường thấy, bao gồm Kế hoạch hành động thành viên (MAP), sẽ “gửi một thông điệp mạnh mẽ và tích cực tới Kiev”.
Chia sẻ trên Twitter về kết quả trên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu rõ: “Quốc phòng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Tôi rất cảm kích khi các đối tác của mình đã sẵn sàng có bước đi mới”.
Tuy nhiên, ông John Herbst, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, Giám đốc cao cấp của Trung tâm Á-Âu, Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) coi đây là kết quả “buồn” với Kiev. Theo ông, bất đồng về tư cách thành viên NATO của Ukraine giữa một bên là Đông Âu, Baltic và Tây Âu, bên còn lại là Mỹ và Đức, khiến Tuyên bố chung được công bố vào tối 11/7, muộn hơn dự kiến.
Trong khi đó, ông Christopher Skaluba, Giám đốc Sáng kiến An ninh xuyên Đại Tây Dương của Trung tâm Scowcroft (Mỹ) nhận định, bước tiến mới của Thụy Điển đồng nghĩa với việc nước này có thể sớm gia nhập NATO. Khi đó, trừ Nga, tất cả nước có đường bờ biển ở Baltic đều sẽ gia nhập liên minh. Hội nghị chứng kiến sự dịch chuyển của NATO sang chiến lược “răn đe phủ nhận”.
Song tương tự ông Herbst, ông Skaluba cho rằng con đường vào NATO của Ukraine vẫn “mịt mờ”. Năm 2008, Tuyên bố của NATO tại Bucharest, Hungary từng nêu điều khoản tương tự việc “mời Ukraine gia nhập khi các đồng minh nhất trí và các điều kiện được đáp ứng”. Song 15 năm sau, Ukraine vẫn đứng ngoài liên minh này.
Nga… và Belarus
Một điểm nhấn đáng chú ý khác là thái độ của NATO đối với Nga. Một mặt, Tuyên bố chung khẳng định: “NATO không tìm kiếm sự đối đầu hay trở thành mối đe dọa với Nga”. Mặt khác, theo bà Shelby Magid, Phó Giám đốc Trung tâm Á-Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, văn bản này coi Nga là “mối đe dọa nghiêm trọng, trực tiếp đối với an ninh, hòa bình của châu Âu-Đại Tây Dương”.
Nhận định này không có gì mới khi từng nhiều lần xuất hiện trong các văn bản chung của Liên minh châu Âu (EU) với NATO kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Theo bà Magid, điểm mới ở đây là việc Tuyên bố chung nhấn mạnh vai trò của Belarus và cả Iran trong hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Sở dĩ như vậy bởi hợp tác quân sự ngày một sâu sắc giữa Minsk và Moscow, đặc biệt trong giải quyết vụ nổi dậy của lực lượng quân sự tư nhân Wagner cuối tháng Sáu.
Bên cạnh chỉ trích Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga, NATO cũng kêu gọi Cộng hòa Hồi giáo ngừng phát triển vũ khí hạt nhân và tuân thủ điều khoản của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Phản ứng trước kết quả của Hội nghị thượng đỉnh NATO, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nhận định sự kiện này đã thể hiện ý đồ triển khai thêm binh sĩ ở biên giới với Nga. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao xứ sở bạch dương nhấn mạnh: “Tập hợp phương Tây do Mỹ dẫn dắt chưa sẵn sàng chấp nhận một trật tự đa cực và đang muốn bảo vệ vị thế của mình bằng mọi cách, bao gồm các biện pháp quân sự”.
Bình luận về tuyên bố liên quan đến bảo đảm an ninh cho Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng đây là một “sai lầm nghiêm trọng”. Quan chức này nêu rõ: “Bằng cách cung cấp bất kỳ hình thức đảm bảo an ninh nào cho Ukraine, các quốc gia này (thành viên NATO) sẽ phớt lờ nguyên tắc quốc tế về tính không thể chia cắt của an ninh. Việc cung cấp bảo đảm cho Ukraine sẽ ảnh hưởng đến an ninh của Nga”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (ảnh) quan ngại về bảo đảm an ninh của NATO cho Ukraine. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Quan tâm tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Theo ông David Shullman, Giám đốc cao cấp của Trung tâm Trung Quốc toàn cầu tại Hội đồng Đại Tây Dương, mặc dù tập trung đề cập tư cách thành viên Ukraine và thách thức đến từ Nga, song Tuyên bố chung vẫn phản ánh mối quan tâm ngày một lớn tới Trung Quốc và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Văn kiện này nhận định Trung Quốc “thách thức lợi ích, an ninh và giá trị với chính sách mang tính cưỡng ép”, vốn được đề cập trong tài liệu năm ngoái. Bắc Kinh đã “triển khai hàng loạt công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường sức mạnh, mở rộng ảnh hưởng”. Tài liệu này cũng đề cập nguy cơ từ “chiến dịch tấn công mạng, luận điệu đối đầu và thông tin giả”.
Còn đó tín hiệu tích cực với Bắc Kinh. Tuyên bố chung gián tiếp khẳng định tầm quan trọng của Trung Quốc trong thúc đẩy hòa bình tại Ukraine, đồng thời, không đề cập chuyện mở văn phòng đại diện của NATO tại Tokyo, vốn bị Bắc Kinh kịch liệt phản đối. Bất chấp tuyên bố trước đó của Tổng thư ký Jens Stoltenberg về eo biển Đài Loan, từ khóa “Đài Loan” không xuất hiện trong Tuyên bố chung.
Phái bộ của Trung Quốc tại EU tuyên bố nước này cực lực phản đối việc NATO “hướng về phía Đông vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của mình.
Như vậy, thông qua Tuyên bố chung nêu trên, có thể thấy tiến trình gia nhập của Ukraine, thách thức từ Nga cùng Trung Quốc là ba ưu tiên với NATO hiện nay. Song triển khai hợp tác ra sao để thực hiện các mục tiêu “khó nhằn” này một cách hiệu quả, bảo đảm đoàn kết trong một thế giới biến động sẽ không đơn giản.