📞

Bắc Cực: Đấu trường so găng giữa 'Gấu và Đại bàng'

Bích Hạnh 11:34 | 01/07/2021
Theo nhà bình luận Trần Khải của tờ Liên hợp buổi sáng, tranh chấp về mặt lợi ích giữa Nga và Mỹ, hay “Gấu và Đại bàng”, ở Bắc Cực đã khiến khu vực này trở thành đấu trường cạnh tranh toàn diện giữa hai cường quốc.
Bắc Cực đang trở thành đấu trường đọ sức giữa "Gấu" Nga và "Đại bàng" Mỹ. (Nguồn: Pinterest)

Tham vọng của “Đại bàng đầu trắng”

Mỹ vốn không phải là quốc gia Bắc Cực, nhưng có quan hệ sâu xa với Bắc Cực.

Tháng 6/1782, khi vẫn đang chìm trong chiến tranh giành độc lập, Mỹ lấy Đại bàng đầu trắng làm biểu tượng quốc gia. Đại bàng đầu trắng chỉ có hai phân loài, một trong số đó là phân loài Alaska.

Tháng 3/1867, Mỹ đã mua vùng đất Alaska có diện tích gần 1,7 triệu km2 từ Sa Hoàng Nga với giá 2 xu/mẫu Anh. Từ đó, Mỹ chính thức trở thành quốc gia Bắc Cực.

Hiện tại, trên cơ sở khẳng định nhận thức của người tiền nhiệm Donald Trump đối với Trung Quốc và Nga, cũng như nhận định tình hình địa chính trị Bắc Cực, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vạch ra lộ trình cụ thể về chính sách Bắc Cực, từ xác định “đối thủ cạnh tranh”, bao gồm Trung Quốc và Nga, chuyển sang làm thế nào ứng phó với “đối thủ cạnh tranh”.

Nội dung cụ thể chủ yếu được thể hiện ở phần Bắc Cực trong chiến lược ngoại giao khu vực của “Đạo luật cạnh tranh chiến lược năm 2021”, cũng như văn kiện “Giành lại ưu thế Bắc Cực” do quân đội Mỹ công bố.

“Đạo luật cạnh tranh chiến lược năm 2021” xác định khung chính sách trên các phương diện kinh tế, ngoại giao, an ninh, tìm cách thiết lập cơ chế “quản trị đóng” có lợi cho Mỹ nhằm định hình lại sự thống trị của Washington ở Bắc Cực, đẩy lùi cái gọi là “bành trướng sức ảnh hưởng chính trị, kinh tế, quân sự” của Trung Quốc ở khu vực này.

Trong khi đó, văn kiện “Giành lại ưu thế Bắc Cực” lại thể hiện tham vọng quân sự của quân đội Mỹ trong việc thống trị khu vực này: Mỹ không chỉ muốn bảo vệ an ninh và tự do hàng hải của vùng lãnh thổ Bắc Cực, mà còn muốn tăng cường đầu tư sức mạnh quân sự để phòng ngừa sự răn đe quân sự của Nga.

"Gấu Bắc Cực" có đủ cách ứng phó?

Về vấn đề Bắc Cực, Nga đối diện với nhiệm vụ kép là an ninh và phát triển. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga gặp khó khăn về đối nội lẫn đối ngoại, nên các hoạt động ở Bắc Cực được cho là rơi vào trạng thái “ngủ đông”.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2013 và vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea khiến Moscow lao đao.

Cùng với việc Trái Đất ấm lên, Bắc Cực dần trở thành niềm hy vọng phá thế bao vây của Nga.

Về vấn đề chủ quyền Bắc Cực, thái độ của Tổng thống Putin rất cứng rắn: Vài thế kỷ trở lại đây, chủ quyền của Bắc Cực luôn thuộc về Nga. Bắc Cực là một bộ phận không thể tách rời của Nga, và về sau cũng sẽ như vậy.

Từ năm 2008 đến nay, Nga lần lượt ban hành ba quy hoạch phát triển tổng hợp và một quy hoạch phát triển chiến lược. Trong đó, “Chính sách cơ bản của quốc gia Bắc Cực Liên bang Nga trước năm 2035” được ban hành vào tháng 3/2020 đã miêu tả một cách hệ thống mục tiêu, điểm kết nối và lộ trình phát triển ở khu vực Bắc Cực của Nga, nhấn mạnh tính hiệu quả của việc thực thi chính sách an ninh và tính bức thiết của phát triển kinh tế.

Về mặt an ninh, “Gấu Bắc Cực” là “nhà bảo vệ” địa cực tuyệt đối. Đọ sức chính trị địa cực và sự lan tỏa của các vấn đề quốc tế buộc Nga phải đáp trả.

Theo quy hoạch “Chính sách cơ bản của quốc gia Bắc Cực Liên bang Nga trước năm 2035”, khu vực Bắc Cực sẽ hoàn toàn được đưa vào trong chiến lược hàng hải và quân sự của Nga.

Ngày 1/1/2021, Hạm đội Phương Bắc có phạm vi hoạt động bao phủ vùng Bắc Cực được nâng cấp thành “Chiến khu thứ năm”. Đồng thời, Nga gấp rút hiện đại hóa lực lượng quân sự để ứng phó với các hoạt động quân sự dồn dập của các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Về mặt hợp tác, Nga mời gọi nhà đầu tư các nước tham gia “bữa tiệc kinh tế”, bao gồm tài khai thác khuyên khoáng sản, phát triển các tuyến đường biển, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 khiến cho kinh tế thế giới bị thương tổn. Triển vọng phát triển của “tuyến đường biển phương Bắc” của Nga e rằng phải đặt dấu hỏi lớn.

Gấu Bắc Cực xem ra hùng dũng và thiện chiến, nhưng đã có dấu hiệu xuống sức. Trong bối cảnh địa cực “nóng lên”, Gấu Bắc Cực buộc phải dốc sức chiến đấu hết mình.

Chương mới cho cuộc so găng ở Bắc Cực

Hiện tại cũng như tương lai, Mỹ và Nga thể hiện rõ xu thế “hợp tác hạn chế, xung đột tiềm tàng và cạnh tranh toàn diện” về vấn đề Bắc Cực.

Đầu tiên là hợp tác hạn chế. Trước đây, Nga đã xác định 4 lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong thời gian đảm nhận cương vị nước Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực bao gồm: cư dân Bắc Cực, môi trường khí hậu Bắc Cực, phát triển kinh tế xã hội, và phát huy vai trò nền tảng của Hội đồng.

Sau khi ông Joe Biden lên cầm quyền, Mỹ quay trở lại “Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu”. Về vấn đề môi trường và khí hậu ở Bắc Cực, hai bên vẫn còn dư địa hợp tác và xây dựng đồng thuận.

Bên cạnh đó, “thù mới hận cũ” khiến hai bên không thể buông bỏ “ân oán”.

Về vấn đề Bắc Cực, Mỹ đưa ra củ cà rốt và cây gậy: Một mặt tiến hành tiếp xúc, tìm cách xóa bỏ hoài nghi của Nga, mặt khác lại triệu tập các thành viên khác của Hội đồng Bắc Cực, phản đối quy tắc hàng hải của “tuyến đường biển phương Bắc” do Nga chỉ định, tìm cách định hình cục diện địa chính trị Bắc Cực hoàn toàn mới, lấy Mỹ là hạt nhân.

Tuy nhiên, Bắc Cực là linh dược để Nga thay đổi quyền lực hàng hải và hồi sinh, do đó “Gấu Bắc Cực” không thể dâng cho “Đại bàng”.

Thứ hai là xung đột tiềm tàng. Về vấn đề quân sự hóa Bắc Cực, Mỹ và Nga đều biểu hiện “lấy đàm phán thúc đẩy hòa hoãn”, tránh “chiến tranh nóng”.

Trước khi diễn ra hội nghị Hội đồng Bắc Cực, Mỹ không trừng phạt dự án đường ống khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga và Đức để xoa dịu quan hệ song phương.

Sau hội nghị, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kiến nghị khôi phục hội nghị Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang các nước Hội đồng Bắc Cực đã bị gián đoạn 7 năm, cũng như tổ chức hội nghị nguyên thủ các nước thành viên Hội đồng Bắc Cực, từ đó hạ thấp rủi ro quân sự của khu vực này.

Tuy nhiên, việc NATO phô trương sức mạnh ở Bắc Cực đã khơi dậy sự cảnh giác của Nga. Để thực hiện mục tiêu cân bằng sức mạnh và thậm chí chiếm ưu thế ở Bắc Cực, Mỹ liên tục tăng cường triển khai quân sự ở Bắc Âu, biển Baltic và Alaska.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov rất tức giận đối với Na Uy khi nước này sửa đổi luật đồn trú quân đội nước ngoài, bật đèn xanh cho quân đội Mỹ triển khai ở Bắc Âu.

Cùng với tranh chấp ngày càng kịch liệt của Mỹ và Nga ở Bắc Cực, không loại trừ khả năng xảy ra đối đầu giữa hai bên.

Sau cùng là cạnh tranh toàn diện. Đối với hai cường quốc hạt nhân, “chiến tranh nóng” đồng nghĩa với hậu quả khó lường, do đó cạnh tranh sẽ là mạch chính ở Bắc Cực, thậm chí là trên phạm vi toàn cầu.

Hiện nay, chính quyền của Tổng thống Joe Biden bắt tay thu hẹp chiến lược, rút quân khỏi Afghanistan để tập trung “hỏa lực” ứng phó với Trung Quốc và Nga.

Bắc Cực có địa vị chiến lược đặc biệt, yêu cầu lợi ích giữa “Gấu và Đại bàng” ở Bắc Cực khó điều hòa, cộng thêm sự vào cuộc của đối tác hai bên, tranh chấp lợi ích phức tạp khiến cho Bắc Cực trở thành đấu trường cạnh tranh toàn diện.

Vấn đề Bắc Cực chắc chắn là chiến trường đọ sức tranh giành lợi ích của các bên. Thế giới sẽ đón nhận sự thay đổi lớn, cuộc đọ sức ở Bắc Cực có thể mở ra một chương mới.

(theo Liên hợp buổi sáng)