📞
Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam

Bài 2: Chung sức hành động phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em

Thu Trang 10:31 | 15/10/2024
Để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em hiệu quả cần sự chung tay của các bộ, ngành cũng như nâng cao nhận thức của toàn xã hội.
Việc đưa chỉ tiêu về tỷ lệ người từ 5-17 tuổi tham gia lao động vào các chỉ số thống kê quốc gia là bằng chứng về cam kết vững chắc của Việt Nam đối với việc xóa bỏ lao động trẻ em theo các cam kết quốc tế. (Nguồn: baodantoc.vn)

Để hoàn thành sáng kiến 8.7 nhằm đóng góp vào Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) số 8 và tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025 mà Việt Nam là một trong 15 quốc gia tiên phong ở khu vực châu Á, cần phải có nỗ lực liên tục và lâu dài từ nhiều phía, bao gồm Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cộng đồng, gia đình và chính các em.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai một số biện pháp cụ thể:

Một là, nâng cao nhận thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Cụ thể là, tổ chức các hội thảo vận động chính sách, sự kiện, các chiến dịch truyền thông nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em hằng năm, các diễn đàn về cam kết quốc tế liên quan đến phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em; các cuộc đối thoại chính sách, diễn đàn quốc gia về lao động trẻ em và doanh nghiệp hằng năm tập trung vào xóa bỏ lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng, đặc biệt trong chuỗi cung ứng nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tập trung vào các giải pháp giáo dục nghề nghiệp; tập huấn nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng viết bài, đưa tin về vấn đề lao động trẻ em cho các cơ quan báo chí, truyền thông; sáng tác ca khúc về phòng chống lao động trẻ em; vẽ tranh về phòng chống xâm hại trẻ em, phòng ngừa lao động trẻ em...

Đáng chú ý năm 2022, Việt Nam với tư cách là một trong các quốc gia tiên phong thực hiện mục tiêu 8.7, Đoàn liên ngành của Việt Nam đã tham dự Hội nghị quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em lần thứ tại Durban, Nam Phi. Tai Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã chia sẻ các kinh nghiệm và nỗ lực phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của Việt Nam; tham dự các phiên tọa đàm, đặc biệt là phiên tọa đàm Giáo dục và phòng ngừa lao động trẻ em; góp ý và tham gia cam kết về xóa bỏ lao động trẻ em.

Hai là, nâng cao năng lực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Thời gian qua, các Bộ, ngành Việt Nam đã cùng xây dựng các tài liệu, hướng dẫn về các nội dung phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, đặc biệt là cách xác định lao động trẻ em; Quy trình hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em; xây dựng các tài liệu để nâng cao năng lực cho đối tác 3 bên: các ngành, các cấp có liên quan, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh hợp tác xã và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng tài liệu “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em thông qua trường học dùng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông” để có thể cụ thể hoá các giải pháp về phòng cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, nhà trường về công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em thông qua trường học.

Hội thảo Phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật năm 2024 ngày 11/6, tại Hà Nội. (Nguồn: Bộ LĐTBXH)

Ba là, củng cố hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá về lao động trẻ em. Luật Thống kê đã được bổ sung sửa đổi ngày 12/11/2021 để phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện SDG của Việt Nam. Danh mục chỉ số thống kê đã được sửa đổi với 58 chỉ số mới được bổ sung, bao gồm nhiều chỉ số về giáo dục, chăm sóc trẻ em. Danh mục sửa đổi đã phản ánh các yêu cầu đối với số liệu thống kê nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam phù hợp với những SDG và Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu.

Đặc biệt, việc đưa chỉ tiêu về tỷ lệ người từ 5-17 tuổi tham gia lao động vào các chỉ số thống kê quốc gia là bằng chứng về cam kết vững chắc của Việt Nam đối với việc xóa bỏ lao động trẻ em theo các cam kết quốc tế. Chỉ tiêu này sẽ được điều tra 5 năm 1 lần theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Thanh tra Bộ LĐTBXH đã ban hành công văn hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó có hướng dẫn nội dung, quy trình, thanh tra việc thựchiện các quy định của pháp luật đối với lao động chưa thành niên tại khu vực kinh tế phi chính thức; đồng thời tổ chức các khóa đòa tạo, tập huấn cho thanh tra viên cấp tỉnh về nội dung này.

Năm là, triển khai mô hình can thiệp phòng ngừa và đưa trẻ em ra khỏi lao động trẻ em tại một số địa phương (Hà Nội, An Giang, TP Hồ Chí Minh). Cụ thể là, thiết lập một mạng lưới hệ thống theo dõi, giám sát đối tượng được hưởng lợi tại địa phương; hỗ trợ giáo dục và các dịch vụ tư vấn hướng nghiệp cho lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em gắn với việc thực hiện chương trình giảng dạy “Hiểu biết về kinh doanh”; hỗ trợ trẻ em từ 14-17 tuổi được tiếp cận các khóa đào tạo về kỹ năng nghề và học nghề gắn với cải thiện triển vọng việc làm,...

Sáu là, tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Ngày 25/1/2024, Bộ LĐTBXH, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và VCCI đã ký Quy chế phối hợp về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030.

Căn cứ Quy chế phối hợp này, hiện tại đã có 20 địa phương ban hành kế hoạch phối hợp giữa các Sở ngành tại địa phương/công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh phân công các Sở ngành thực hiện công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động tại địa phương.

Bảy là, triển khai quy trình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em.

Mặc dù vậy, việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em vẫn còn một số bất cập. Lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức khó kiểm soát và phát hiện. Tác động của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu làm suy giảm điều kiện kinh tế, đe dọa sinh kế của các hộ gia đình, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu việc làm, thất nghiệp, gia đình bị mất trụ cột kinh tế khi có người tử vong; xuất hiện tình trạng dụ dỗ lừa đảo qua môi trường mạng làm gia tăng nguy cơ trẻ em và người chưa thành niên trở thành lao động trẻ em, bị mua bán và bóc lột sức lao động. Trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ giáo dục, an sinh xã hội có nguy cơ trở thành lao động trẻ em.

Do đó, thời gian tới Việt Nam cần tăng cường sức mạnh tổng hợp nâng cao năng lực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, tiếp tục tiên phong và đóng vai trò dẫn dắt trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 8.7 của Liên hợp quốc về xóa bỏ lao động trẻ em tại khu vực và trên phạm vi toàn cầu.