Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. (Ảnh tư liệu) |
Gần một thế kỷ qua, dù trong giai đoạn cách mạng gian khổ, trong thời kỳ xây dựng đất nước khó khăn, hay trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân, thể hiện rõ vai trò là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là diễn đàn tin cậy của toàn xã hội.
Nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam là tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, là kênh thông tin hiệu quả trong công tác điều hành của Chính phủ; kịp thời cung cấp thông tin, làm cầu nối giữa Đảng với dân, giữa Việt Nam với thế giới; góp phần quan trọng trong việc tạo đồng thuận xã hội, đoàn kết nhân dân chung sức chung lòng giải quyết khó khăn, nhiệt tình cống hiến, vì mục tiêu xây dựng đất nước văn minh, giàu mạnh.
Để hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng báo chí luôn xung kích nơi tuyến đầu, tác nghiệp trên mọi mặt của đời sống.
Đưa Việt Nam ra thế giới, mang thế giới tới gần Việt Nam
Là một thành phần của báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động trong lực lượng thông tin đối ngoại, báo chí đối ngoại đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng, Nhà nước. Nhiệm vụ cốt lõi của báo chí đối ngoại là đưa Việt Nam đến với thế giới và mang thế giới tới gần hơn với Việt Nam, xây dựng hình ảnh đất nước-con người Việt Nam tươi đẹp, góp phần hun đúc lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước hùng cường.
Hòa cùng dòng chảy chung của báo chí, theo xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam chúng ta trong những năm gần đây, báo chí đối ngoại đã có sự phát triển nhanh và hiệu quả, góp phần rõ nét trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Báo chí đối ngoại đã và đang chung tay tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho đối ngoại đa phương; giúp dư luận nước ngoài hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước; hỗ trợ kinh tế dịch vụ, du lịch; thúc đẩy hợp tác, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư quốc tế.
Nhờ sự góp sức lớn của báo chí đối ngoại, hình ảnh đất nước Việt Nam thanh bình, tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, cởi mở ngày càng được quảng bá nhiều hơn. Lịch sử và văn hóa Việt Nam dần được bạn bè quốc tế quan tâm, tìm hiểu. Sản phẩm, hàng hóa Việt Nam được thị trường thế giới đón nhận. Người dân Việt Nam ngày càng dễ dàng cập nhật các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội, tiếp thu tinh hoa văn hóa, khoa học, nghệ thuật của thế giới, đặc biệt là từ các quốc gia phát triển, từ bè bạn láng giềng.
Hoạt động quốc tế sôi động của nước ta với các vai trò trong Liên hợp quốc, trong ASEAN được tuyên truyền sâu rộng. Sự tham gia của Việt Nam vào các diễn đàn kinh tế - xã hội lớn của thế giới, việc ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại với các quốc gia, các tổ chức đa phương được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng quốc tế. Điều này đã góp phần rất lớn trong tuyên truyền về hình ảnh của Việt Nam, tạo dựng lòng tin đối với các tổ chức kinh tế lớn, các doanh nghiệp đa quốc gia về một Việt Nam ổn định chính trị với nền kinh tế cởi mở, năng động và giàu tiềm năng phát triển, từ đó góp phần thực hiện thành công các chính sách kêu gọi đầu tư của Chính phủ.
Với lợi thế chuyên môn, các nhà báo viết về kinh tế quốc tế đã kịp thời thông tin kết quả các cuộc đàm phán, quy trình, cách thực tận dụng, khai thác các hiệp định thương mại, chỉ ra những thuận lợi và khó khăn, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp của chúng ta tìm kiếm cơ hội bên ngoài nước, khơi dậy năng lượng tích cực, tạo niềm tin và nuôi dưỡng khát vọng doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn.
Những thách thức trong kỷ nguyên 4.0
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, nền ngoại giao, kinh tế của Việt Nam đang có những bước chuyển mình hội nhập mạnh mẽ. Điều này tạo ra thời cơ thuận lợi để báo chí đối ngoại thể hiện vai trò và sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, môi trường tác nghiệp rộng lớn hơn, phức tạp hơn rất nhiều cũng đặt ra cho báo chí đối ngoại nhiều thách thức.
Thứ nhất, càng hội nhập sâu rộng, nhiệm vụ chính trị cốt lõi của báo chí đối ngoại tuyên truyền về các vấn đề nhân quyền, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch càng trở nên cấp thiết. Hiện nay, những mảng đề tài này thường được báo chí khai thác dưới dạng bình luận, phân tích, ý kiến chuyên gia… vốn khô cứng và chỉ tập trung vào một nhóm đối tượng hẹp, hiệu quả hạn chế. Báo chí đối ngoại cần phát triển cách tiếp cận mới, góc nhìn đa chiều, hướng đến đối tượng công chúng rộng, với cách thức thể hiện thuyết phục hơn.
Thành công của việc tuyên truyền hình ảnh đất nước ta trong đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy, chính những tấm gương bình dị, những tấm lòng cao quý, đùm bọc nhau của người dân, những sự cống hiến, hi sinh của đội ngũ y bác sĩ, lực lượng công an, quân đội của chúng ta lại có sức lay động lớn, tác động vào tình cảm và nhận thức, khơi dậy tình đoàn kết, nghĩa đồng bào của người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời khiến hình ảnh Việt Nam đẹp hơn trong mắt các quốc gia.
Thứ hai, trong thời đại của mạng xã hội, báo điện tử và các diễn đàn số như hiện nay, báo chí đối ngoại không nên bó hẹp trong các công cụ, cách thức truyền thông vốn có. Các cơ quan báo chí cần có chiến lược vươn ra khỏi khuôn khổ của tên miền tờ báo, chủ động tham gia các cộng đồng số của kiều bào, tham gia các diễn đàn quốc tế trên mạng, đẩy mạnh việc viết bài cho báo chí nước ngoài, mở rộng vùng “phủ sóng”, trực tiếp tuyên truyền chủ trương, chính sách, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch thông qua đóng góp tin, bài định hướng dư luận.
Thứ ba, chủ trương của nhà nước về thúc đẩy đối ngoại đa phương, tham gia sâu vào các tổ chức quốc tế, góp tiếng nói có trọng lượng hơn trên các diễn đàn kinh tế-chính trị khiến cho các lĩnh vực, chủ đề, đề tài cho các nhà báo đối ngoại khai thác ngày càng rộng hơn và ngày càng khó hơn. Các vấn đề chính trị - kinh tế quốc tế phức tạp đan xen; cạnh tranh lợi ích, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn rất khó lường, thậm chí dẫn đến xung đột cục bộ ở nhiều quốc gia, lãnh thổ. Trong hoàn cành này, nhiều tin, bài, bình luận có yếu tố quốc tế thậm chí có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động ngoại giao, đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì thế, yêu cầu về chuyên môn, năng lực phân tích và bản lĩnh chính trị của nhà báo viết về chính trị - kinh tế quốc tế rất cao. Các cơ quan báo chí cần có sự quan tâm, đào tạo và cập nhật kiến thức chuyên sâu thường xuyên cho nhà báo viết về mảng đề tài này, để hạn chế tối đa những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc.
Thứ tư, xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh. Trong đó, báo chí truyền thông là lĩnh vực điển hình của sự vận động, thay đổi và phát triển theo những xu hướng công nghệ thông tin và truyền thông mới nhất, cũng là điển hình cho nhu cầu sản xuất, xử lý thông tin đa dạng, hiện đại nhất. Báo chí đối ngoại cần đặc biệt quan tâm nghiên cứu và thực hiện chuyển đổi số. Bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, thấy được lợi ích thiết thực của việc áp dụng các mô hình số, công nghệ số hiện đại trong sản xuất, tác nghiệp, báo chí đối ngoại nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung sẽ có những hướng đi đúng đắn để phát triển trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay.
(*) Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam