Nữ phóng viên kể chuyện tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh: TTXVN) |
Trong bản tin cập nhật tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng Sáu năm 2022, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine.
Giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc. WB ghi nhận, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng tới 10,4% so cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng này bật tăng với tốc độ tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so cùng kỳ năm 2021.
Đã có khoảng 173.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng Năm, cao hơn khoảng 70% so với tháng Tư và cao nhất kể từ tháng 4/2020, tuy vẫn chưa bằng 16% con số ghi nhận trước đại dịch.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng - lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với doanh thu bán lẻ hàng hóa trong năm 2021 - bật tăng mạnh mẽ hơn trong tháng Năm với tốc độ lần lượt 41% và 18,3% so cùng kỳ năm 2021 là nhờ dịch vụ lưu trú và ăn uống bùng nổ, tăng đến gần 70% và đã cao hơn 12,4% so với mức trước đại dịch cách đây ba năm.
Doanh thu dịch vụ lữ hành cũng tăng gấp ba so với cùng kỳ năm trước, tuy vẫn thấp hơn 60% so với trước đại dịch.
Không chỉ WB mà nhiều tổ chức quốc tế mới đây cũng đưa ra các con số dự báo về khả năng phục hồi nhanh của kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023.
Tích cực xung trận
Nguyên nhân dẫn đến sự phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch có nhiều, đặc biệt quan trọng từ đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và các chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, sự điều hành của Chính phủ Việt Nam, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam… Trong đó, không thể nhắc đến công sức của đội ngũ các nhà báo Việt Nam.
Từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, báo chí Việt Nam đã tích cực xung trận với những thông tin cảnh báo, phòng ngừa. Khi Covid-19 lan đến Việt Nam, các nhà báo đã tiên phong trên tuyến đầu chống dịch với những tin, bài, hình ảnh, âm thanh phản ánh cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” của quân dân cả nước.
Nhiều nhà báo đã đi vào tâm dịch, ra tận vùng biên cương heo hút, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí sống động, cổ vũ, động viên những chiến sĩ xung kích trên trận tuyến mới, góp phần quan trọng vào thắng lợi của các chiến dịch phòng chống Covid-19.
Khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, báo chí cả nước đã đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương, các ngành, các cấp xây dựng các phương án cho “cuộc sống bình thường mới”, mở cửa lại nền kinh tế, thực hiện mục tiêu kép: vừa kiểm soát dịch Covid-19 vừa khôi phục phát triển sản xuất.
Từ đầu năm 2022 đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang cùng với các doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, lực lượng lao động tiên phong trên mặt trận phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải, vật chất cho xã hội.
Thực tế thời gian qua cho thấy, các cơ quan báo chí và các nhà báo đã bám sát tiến trình phục hồi kinh tế của các ngành, các địa phương. Báo chí đã thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tuyên truyền nhanh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thông tin nhanh chóng các tin tức sự kiện, đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ tới quần chúng.
Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, nhiệt tình ủng hộ và cổ vũ nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, những biểu hiện tích cực nảy sinh trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Những nhân tố, điển hình có tác dụng rất quan trọng trong việc cổ vũ cán bộ, đảng viên, người lao động nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Báo chí tác nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đóng góp vào hoạch định chính sách xã hội
Báo chí, truyền thông kiên định cổ vũ nhân tố mới, nhưng đồng thời kiên quyết chống tiêu cực và chống tiêu cực cũng là để cho nhân tố mới thật sự được tôn vinh trong đời sống xã hội. Trong điều kiện hiện nay, khi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức diễn biến phức tạp thì việc đấu tranh chống những biểu hiện trên lại càng cần thiết. Báo chí truyền thông cùng với sự giám sát của nhân dân, là tai mắt tinh nhạy phát hiện, làm rõ và đưa ra công luận những biểu hiện của sự thoái hóa, biến chất đó.
Một trong những chức năng cơ bản, quan trọng của báo chí là giám sát và phản biện xã hội. Chức năng này đã được báo chí cách mạng Việt Nam phát huy hiệu quả trong suốt chặng đường gần một thế kỷ qua, đặc biệt là trong công cuộc phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Báo chí cách mạng Việt Nam đã chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội đang làm cản trở sự phát triển của đất nước.
Trong hoạt động nghiệp vụ, các nhà báo đã phát hiện những “kẽ hở”, bất cập trong ban hành các chính sách phục hồi sau đại dịch, từ đó kiến nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước sửa đổi, chấn chỉnh kịp thời, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động.
Thời gian qua, nhờ có sự tham gia tích cực của đông đảo đội ngũ các nhà báo mà đã phanh phui rất nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, trong đó có những vụ tham nhũng liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19.
Để phát hiện được các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, báo chí đã đi sâu vào thực tiễn, khám phá và phát hiện những hiện tượng làm cản trở sản xuất, những “con sâu” đang đục khoét vào đời sống của người lao động, những kẻ làm giàu bất chính, những nguyên nhân kìm hãm tài năng của quần chúng, chỉ đích danh, đồng thời nêu các biện pháp ngăn chặn và khắc phục những trở ngại đó.
Báo chí, truyền thông đã tạo dư luận mạnh mẽ lên án những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực nảy sinh trong đời sống xã hội; thói lãng phí, chây lười, làm ăn gian dối, những biểu hiện thờ ơ vô trách nhiệm, vô tổ chức. Báo chí, truyền thông còn kiên quyết đấu tranh chống thái độ và hành vi trì trệ, chống lối phô trương, ba hoa, làm ăn kém hiệu quả. Đây chính là cuộc đấu tranh cho cái tốt thắng cái xấu xa, đấu tranh cho phương hướng đúng, cho hành vi tốt ngày càng được nhân rộng và phát triển vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động báo chí Việt Nam thời gian qua cho thấy, không phải lúc nào, cơ quan báo chí hay nhà báo nào cũng làm đúng, làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội. Đã có không ít vụ việc phản biện của báo chí chưa đúng sự thật, chưa khách quan, thiếu công tâm, phản biện sai lệch, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường cho cá nhân, tập thể, địa phương bị phản ánh.
Việc đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trung thực, khách quan, thậm chí bịa đặt, bôi đen hoặc tô hồng vì những động cơ cá nhân, vụ lợi đã làm xói lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ các nhà báo.
Để khắc phục tình trạng này, cần phải chỉnh đốn đội ngũ những người làm báo. Trách nhiệm xã hội của nhà báo là phải đưa thông tin trung thực, khách quan, chính xác để định hướng dư luận xã hội theo hướng vừa đúng ý Đảng, vừa hợp lòng dân.
Theo đó, nhà báo định hướng thông tin thể hiện ở chỗ lựa chọn, xử lý thông tin, đưa hay không đưa tin, đưa lúc nào, ở đâu, đưa như thế nào, liều lượng, mức độ đưa tin ra sao… để không gây tác động tiêu cực, không gây hậu quả xấu tới xã hội. Nghĩa vụ công dân đòi hỏi nhà báo không chỉ phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp.
Nhà báo không được lợi dụng vị thế nghề nghiệp để vi phạm pháp luật, không được tự cho mình quyền làm trái, đứng trên pháp luật.
| Nhà báo Hoàng Minh Trí: Công nghệ, Internet giúp cho nhà báo nhàn hạ hơn nhưng lười nhác hơn... Nhà báo Hoàng Minh Trí (báo Công an Nhân dân) cho rằng, "công nghệ cũng như Internet đã giúp cho nhà báo nhàn hạ hơn, ... |
| Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng Báo Thế giới & Việt Nam Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), ngày 17/6, thừa ủy quyền của đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo ... |